Người Việt nên làm game như Pokemon Go hay như Flappy Bird?

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/10/2016 03:55 PM

Pokemon GO
31/07/2016 NCB: Đang cập nhật NPH:

Flappy Bird và Pokemon Go đều là hai game được biết đến trên toàn cầu, nhưng mức độ đầu tư của hai trò chơi, ít nhất về nội dung và độ họa, là khác nhau. Các nhà làm game nên đi theo hướng nào để thành công?

Google vừa tổ chức sự kiện dành riêng cho giới phát triển ứng dụng và game Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore vào đầu tuần này. Tại sự kiện, PV dẫn trường hợp của game Flappy Bird và cho rằng game này có nội dung, đồ họa rất đơn giản nhưng vẫn thành công toàn cầu, như vậy các nhà phát triển Việt Nam và các nước mới nổi cần tiếp tục đi theo lối làm game đơn giản hay nâng cao độ phức tạp của game để thành công toàn thế giới? Bà Purnima Kochikar, Giám đốc toàn cầu của Google phụ trách phát triển kinh doanh cho các ứng dụng và game trên Google Play, trả lời rằng tùy công đoạn sẽ cần sự phức tạp hay đơn giản.


Bà Purnima Kochikar, Giám đốc toàn cầu của Google phụ trách phát triển kinh doanh cho các ứng dụng và game trên Google Play - Ảnh: H.Đ

Bà Purnima Kochikar, Giám đốc toàn cầu của Google phụ trách phát triển kinh doanh cho các ứng dụng và game trên Google Play - Ảnh: H.Đ

Bà Purnima Kochikar dẫn một trường hợp như game Pokemon Go của Niantic nhìn cách chơi có vẻ đơn giản nhưng nó được xây dựng rất công phu. Nhiều người chơi game nhưng không biết rằng trò chơi đang ứng dụng công nghệ AR (tăng cường thực tế ảo) khá mới mẻ. Có những người bạn gái của bà Purnima chưa từng chơi game di động bao giờ nhưng vẫn bị Pokemon Go thu hút.

Người chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh game và ứng dụng trên Google Play cho rằng, sự đơn giản (trong cách chơi) là rất cần thiết để một trò chơi chạm đến trái tim nhiều người, và vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên có những thứ cần sự phức tạp, như việc xây dựng kế hoạch kinh doanh chẳng hạn.

Ví dụ khi bạn có người dùng ở hàng trăm nước trước mặt, thì bạn chọn nước nào để thâm nhập trước, nhóm người dùng nào để tiếp cận trước, nên toàn cầu hóa một trò chơi hay tập trung xây dựng nội dung cho một quốc gia nhất định. Đó là những câu hỏi khá phức tạp mà bạn cần trả lời, và Google có một nhóm hỗ trợ bạn làm việc này. Sự phức tạp này là cần thiết để xây dựng một kế hoạch kinh doanh bền vững. Đây là điều thứ nhất mà bạn buộc phải thông suốt, Bà Purnima Kochikar trả lời.

Thứ hai, thế giới đang dịch chuyển rất nhanh và làm sao để bạn hiểu nó, làm sao để tiếp tục kinh doanh tốt trong thế giới đó, đó chính là sự phức tạp mà bạn phải tìm hiểu. Bạn không thể dùng cùng một cách để áp cho nhiều game khác nhau và đòi hỏi người chơi tiếp tục trung thành chơi game của bạn. Do đó, những thứ như vậy cần sự phức tạp.

Tóm lại, game cần đơn giản và tiếp cận được khách hàng toàn cầu, nhưng đường lối kinh doanh phải xây dựng cực kỳ tỉ mỉ, nữ giám đốc tại Google cho hay.

Tại sự kiện Google Play Playtime dành riêng cho giới phát triển ứng dụng và game hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai, Google cho biết có hơn 200 đối tác khách mời có mặt. Sự kiện này nhằm tụ họp các nhà phát triển ứng dụng từ khắp khu vực đến chia sẻ kinh nghiệm phát triển trên toàn cầu với Android và Google Play.


Đại diện rubycell (cầm micro) đang phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: H.Đ

Đại diện rubycell (cầm micro) đang phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: H.Đ

Trong sự kiện này, có một nhà phát triển đại diện cho đơn vị rubycell (Việt Nam) tham gia cùng 5 đại diện khác đến từ Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Đại diện Việt Nam có các ứng dụng chơi nhạc tiêu biểu như Piano+, Violin: Magical, Guitar+, cả 3 ứng dụng đều lọt vào nhóm Editors’ Choice – tức được các nhà quản trị gian hàng Google Play đề xuất cài đặt. Piano+, Guitar+ đều đạt 10 triệu lượt tải, Violin: Magical đạt 5 triệu lượt. Hầu hết ứng dụng này đạt doanh thu cao nhất ở thị trường Mỹ.

Đánh giá về các nhà phát triển trong khu vực, bà Purnima cho biết Châu Á- Thái Bình Dương là môi trường có tốc độ phát triển rất nhanh về sáng tạo về kỹ thuật số. Này càng nhiều nhà phát triển ứng dụng game đang vươn ra khỏi châu Á – Thái Bình Dương và tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn trong khu vực kinh tế nội địa mà còn ảnh hưởng đến cả châu lục và quốc tế.

Trong khoảng thời gian từ 2014-2016, tổng thời gian người tiêu dùng dành ra cho các ứng dụng đã tăng gấp 2 lần tại hầu hết các thị trường ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (theo số liệu từ App Annie 2016). Người tiêu dùng ngày càng dành nhiều thời gian hơn trên các ứng dụng, kéo theo sự mong đợi về nội dung nhiều hơn, góp phần mở ra một tương lai nhiều hứa hẹn hơn cho giới phát triển ứng dụng tại khu vực này.

Trong buổi tọa đàm giữa 6 nhà phát triển tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết đều bày tỏ mong muốn xây ứng dụng, game cho thị trường toàn cầu. Ít nhất hai trong số các nhà phát triển nước ngoài đều nhắc đến Flappy Bird – một ứng dụng do Nguyễn Hà Đông phát triển được biết đến tầm toàn cầu – như một ví dụ về sự thành công vượt biên giới Đông Nam Á.

Theo ICT News