Nhiều người nói rằng, với đam mê, con người sẽ có thể làm nên tất cả. Thế nhưng có lẽ, cụm từ “tất cả” ở đây nên loại trừ game ra. Bởi lẽ, tôi đã từng thấy không ít những dự án làm game của những sinh viên hay những game thủ đầy tâm huyết rốt cuộc đều đã bị dẹp vào một góc, mỗi người một nơi với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng hàng ngày.
Nếu không có đam mê, thì những thứ bạn làm sẽ giống như việc bạn bị bắt ép hoàn thành một công việc mình không thích một chút nào. Điều này cố nhiên là chính xác. Thế nhưng với game, đam mê của bạn không thể nào được xếp vào vị trí thứ nhất trong số những điều kiện cần có để tạo ra một tựa game hay.
Hãy lấy ví dụ một dự án game của những sinh viên sắp ra trường. Họ đam mê một thể loại game, và cùng ngồi với nhau bàn tính kế hoạch tạo ra một tựa game để một mặt thỏa mãn đam mê, mặt khác giới thiệu đến cộng đồng game thủ, và nếu thành công thì họ còn có thể kiếm tiền từ việc đó. Tuy nhiên những trở ngại sẽ xuất hiện, chẳng chóng thì chầy.
Ngay đến cả những studio game lớn, có bề dày kinh nghiệm hoạt động hiện tại cũng đang phải trầy trật trước những khó khăn và những thay đổi chóng mặt của thị trường game Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014 đã diễn ra.
Và rồi sự thành công bất ngờ của Nguyễn Hà Đông nhanh chóng khiến cho các Studio game mobile trước đây nhận ra rằng, nhu cầu giải trí trên điện thoại khác khá xa máy tính, và phần lớn game thủ điện thoại cần thứ gì đó giải trí nhanh gọn, có tính thử thách và đặc biệt là không cần động não quá nhiều. Flappy Bird đặc biệt thành công cũng 1 phần vì lỗi chơi hoàn toàn không cần động não tư duy và đặc biệt là hoàn toàn không có cốt truyện.
May mắn thay, thời gian đó đã trôi qua. Giờ đây, cộng đồng những người phát triển game Việt đang chuyển dịch sang việc phát triển những tựa game giải đố động não, cũng như những game online nền mobile để tìm được thành công từ chính cộng đồng, thay vì chỉ đơn giản là đưa game lên AppStore, PlayStore và chờ đợi như xưa.
Dần dà, những sản phẩm do bàn tay người Việt Nam thực hiện, theo kỳ vọng của chính chúng tôi cũng như cộng đồng game thủ hâm mộ, sẽ dần đủ sức thay thế những sản phẩm đến từ Trung Quốc đã và vẫn đang ồ ạt tràn về Việt Nam sau thời kỳ webgame thống trị làng game nước nhà.
Đó cũng chính là ước vọng của không ít người Việt, những người có tư duy lạc quan, muốn cộng đồng phát triển, thay vì ném gạch và chê bai tập thể những dự án do người Việt thực hiện vì tự ti, vì sính ngoại, hay vì bất kỳ lý do nào.
Dân không chuyên: “Làm” game vì đam mê, nhưng…
Việc làm game vì đam mê là một sự thật khó lòng có thể chối bỏ. Và cũng vì thế, những game thủ Việt mod hoặc làm game mới hầu hết cũng chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ cộng đồng hâm mộ một vài tựa game nhất định. Điều này phần nào có chút sai lệch với những dự án chuyển ngữ game gần đây mà nhiều cá nhân và nhóm dịch thuật , một trong những tựa game gắn bó với rất nhiều thế hệ game thủ nước ta.
Thế nhưng câu chuyện của những tựa game này lại là một vấn đề hoàn toàn khác nhưng cũng khá nóng hổi. Lý do là, tất cả những dự án chuyển ngữ như thế này hiện đều chỉ được phân phối một cách miễn phí qua những được link tải về được game thủ chia sẻ cho nhau. Vậy đối với những game thủ với khát vọng làm giàu từ game, họ cần phải làm gì, đặc biệt là giữa một thị trường vốn quá phụ thuộc vào những game crack miễn phí và không bản quyền?
Câu trả lời được họ đưa ra là: "Chúng tôi làm game vì đam mê chứ không phải vì tiền". Đây cũng là tư duy nói chung của rất nhiều những game thủ, những người làm game không chuyên khác tại Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi những game thủ bắt đầu có ý thức hơn, họ cũng đã biết bắt đầu ủng hộ, quyên góp để giúp đỡ phần nào cho những người phiên dịch game trang trải nỗi lo tài chính.
Trong khi đó, không ít những game thủ khác thì tự mày mò tìm hiểu những kiến thức cơ bản để làm game. Tinh thần ham học hỏi, cầu thị của những game thủ này luôn là điều chúng ta cần ngưỡng mộ. Thế nhưng làm game là một chuyện, tạo ra những sản phẩm hợp với thị hiếu lại là khía cạnh hoàn toàn khác, đòi hỏi thời gian nghiên cứu cũng như mức độ "liều" tương đối để chấp nhận thất bại một khi sản phẩm không nhận được đánh giá cao từ cộng đồng.
Những dự án game vừa qua, như 12 A.M, hay Battle Splash cùng lúc chứng minh hai điều: Người Việt có thể làm được cho mình những tựa game tuyệt đỉnh, hấp dẫn chẳng kém đồ ngoại, và điều thứ hai, chúng ta đã học hỏi được không ít từ những công cụ làm game, từ những kinh nghiệm được người nước ngoài lẫn những người Việt có kinh nghiệm chia sẻ.
Tạm kết
Trong thời điểm mà cả ngành phát triển game Việt tuy đã có những bước tiến thay đổi nhưng vẫn chưa hết khó khăn, thì những sự quan tâm chú ý dành cho cộng đồng phát triển game không chuyên tại nước ta lại trở thành xu hướng mới.
Trong khi đó, những lá cờ đầu của làng phát triển game trong nước cũng đang trở lại với đà phát triển họ mong muốn, từ những dự án mới, tới việc tuyển mộ những người Việt trẻ, có sáng tạo và có nhiệt huyết đam mê. Có thể khẳng định rằng, ngọn lửa phát triển game Việt Nam có thể le lói, khó khăn trong vài thời điểm, nhưng tuyệt đối không thể lụi tàn.