Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới 'ảo diệu' của những người đam mê bàn phím cơ

M.Đức, Thiết kế: Matthew07  Trí Thức Trẻ | 19/08/2019 04:20 PM

Phía sau một món phụ kiện tưởng chừng giản dị là một cộng đồng mê bàn phím cơ cuồng nhiệt!

Bài viết là câu chuyện của nữ phóng viên Alex Cranz từ Gizmodo

"Anh đã gặp Jacob chưa?" - đó là câu hỏi đầu tiên mà tôi nghe thấy, bên trong một phòng họp nhỏ nhắn bên trong khu Menlo Park của Facebook, nơi mà những người đam mê thú chơi bàn phím cơ của vùng Bay Area vượt mưa để tới gặp mặt nhau và 'khoe' những sản phẩm của mình. Rất nhiều người trong số đó đã tiêu tốn hàng ngàn USD cho bộ sưu tập của mình, với các bộ bàn phím có switch và keycap được đặt riêng.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 1.

Rất nhiều trong số họ (đa phần là đàn ông) đã nói chuyện với nhau trong thời gian dài trên các diễn đàn Reddit, Deskthority, geekhack và Discord. Với niềm đam mê chung là bàn phím cơ, họ giao tiếp với nhau bằng những tên sản phẩm mà đa phần mọi người chưa nghe tới, và rồi dần trở nên thân thiết.

Đứng ở góc nhỏ là một cậu bé, cầm trên tay một bộ bàn phím mà bất cứ ai cũng có thể mua được trên mạng, đứng cạnh những người đàn ông bằng tuổi bố của cậu với bộ sưu tập đồ sộ được thu thập trong nhiều năm trời. Trong số đó có một kĩ sư tự tay tạo ra bộ bàn phím Bluetooth cho riêng mình, vì anh ta nghĩ rằng thị trường toàn những sản phẩm 'rác rưởi'!

Ngồi bên cạnh bàn đồ ăn vặt là một vài nhân viên trẻ của Facebook, một trong số họ có bàn phím Planck - một loại bàn phím nổi tiếng mà bạn phải tự xây dựng từ các linh kiện có sẵn, từ hàn switch vào PCB tới lập trình vị trí các phím. Anh ta thậm chí còn làm bàn phím của mình tạo ra tiếng Beep mỗi khi dùng, làm cho những đồng nghiệp phải 'phát điên'!

Một bàn khác thì tràn ngập những bộ bàn phím, mỗi chiếc đều độc nhất vô nhị. Nhưng mục đích của tôi đến đây là gặp Jacob Alexander, người mà tôi đã bay dọc lục địa để được một lần nói chuyện trực tiếp. Trong cộng đồng bàn phím cơ, anh Jacob Alexander được cho là một 'vị vua', là một người đi tiên phong và có mong muốn phát triển cộng đồng bàn phím lên một tầm cao mới.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 2.

Ước mơ này nghe chừng có vẻ khá buồn cười. Từ khi những bộ bàn phím đầu tiên được sáng chế vào năm 1873, cách sử dụng chúng chưa hề thay đổi một chút nào. Một vài thiết kế lạ như bộ bàn phím Hansen Writing Ball (1870) hay Maltron ergonomic line (1977) và bộ bàn phím Planck kể trên là những ngoại lệ, nhưng với anh Jacob Alexander thì như vậy là chưa đủ. Theo anh, sản phẩm này còn có thể cải tiến được thêm nhiều nữa.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 3.

Sau khoảng 4 tiếng, anh Alexander chính thức kết thúc buổi gặp mặt do mình và câu lạc bộ Input Club tổ chức. Tâm điểm của buổi gặp mặt này là bộ phím K-Type, một bàn phím toàn màu trắng và bạc, có những đèn LED RBG đổi màu đẹp mắt, nhưng một vài người tới dự cũng để mắt tới bộ White Fox - ra mắt vào tháng 11 năm 2015.

Được thành lập bởi Alexander và những người bạn vào 2014, Input Club nhanh chóng trở thành một cộng đồng chơi phím lớn, là nơi tụ tập của những người có cùng niềm đam mê 'nhựa'. Hiện câu lạc bộ này có tới 200.000 thành viên trên Reddit, và có đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ cả những công ty về bàn phím như Signature Plastics và Mechanical Keyboards Catalog. Anh Alexander cùng 4 người bạn 'cuồng phím' của mình vẫn có công việc thông thường để nuôi sống bản thân, nhưng mỗi tối đều nói chuyện về những bộ phím muốn làm trong tương lai.

Bộ phím White Fox của họ thường xuyên xuất hiện trên MassDrop, một trang web mua chung với giá bán rẻ nhờ vào việc đặt hàng thẳng từ nhà sản xuất, không có các cấp đại lý. Bộ phím White Fox bán được tới 2000 chiếc mỗi lần 'lên sóng', và sẽ tiếp tục được bán ở eBay hay Reddit. Nếu không mua sớm ở MassDrop, thì bạn sẽ phải trả tới 200 - 300 USD cho một bộ White Fox, để so sánh thì một bàn phím cơ làm sẵn của Logitech chỉ có giá khoảng 80 USD.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 4.

Bộ bàn phím mới nhất của Input Club và chiếc K-Type, một bàn phím “tenkeyless” - nhỏ hơn bàn phím truyền thống một bàn phím số ở phía tay phải để làm nó nhỏ hơn. Đây chắc chắn là một trong những bộ phím đánh thích nhất mà tôi từng được thử, nhờ vào phần đế được làm bằng kim loại. Nó cũng thật là rực rỡ với một dải đèn LED chạy dọc thân phím.

Đa phần cộng đồng chơi phím cơ không thích đèn LED đổi màu, vì họ nghĩ rằng đây chỉ là một phong trào nhất thời dành cho những bộ phím 'gaming rẻ tiền', nhưng K-Type lại trở thành ngoại lệ khi có hàng ngàn người sẵn sàng bỏ ra số tiền 200 USD để mua nó. Không bất cứ ai có thể nói chính xác được tại sao mình lại thích bộ phím này đến vậy, ngoại trừ anh Alexander.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 5.

Đi cùng tôi ra xe, Alexander giải thích về những điều làm K-Type trở nên 'kì diệu': "Nó không hề hoàn hảo, nhưng nó rất gần với những gì tôi tưởng tượng bàn phím cơ có thể làm được". Anh nói rằng tất cả những cài đặt mà người dùng làm đều có thể lưu trữ ở trên bàn phím, nên có thể sử dụng được với bất cứ thiết bị nào. Bạn muốn chuyển Esc thành Shift, hay Ctrl thành Tab? Hay bạn muốn chuyển từ cách đặt phím QWERTY sang Colemak, tất cả đều có thể làm được một cách dễ dàng với K-Type.

Bộ bàn phím này làm được những điều đó vì chứa phần mềm được chính nhóm Input Club tạo ra, hệ quả là người dùng không cần phải cài thêm bất cứ thứ gì trên máy tính của mình. Đây là tính năng nhỏ với người thông thường, nhưng trở thành điểm ăn tiền với những người chơi phím lâu năm.

Khi chúng tôi đi đến chỗ đậu xe, thì trời đã bắt đầu chuyển mưa. Không khí ẩm nên kính của anh Alexander bắt đầu động nước lại. Anh ta là một người cao lớn, có mái tóc ngả vàng và một nụ cười có đôi phần ngây ngô mà nhiều người sẽ cho là đáng yêu.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 6.

Và anh ấy không bao giờ ngừng niềm đam mê với bàn phím. Anh ta đã đứng ở buổi gặp mặt trong suốt 4 giờ, nhưng trong chuyến xe từ Menlo Park tới phòng lab của anh, Alexander vẫn tiếp tục nói về những dự án sắp tới của mình. Anh ta có một giấc mơ lớn, và muốn chia sẻ nó với mọi người. Anh nói rằng việc tạo lập ra Input Club là để thay đổi cách mọi người đánh máy.

Anh không có những định hướng rõ ràng cho tương lai, hay những sự thay đổi một cách 'viễn tưởng', mà trong thời điểm hiện tại, anh chỉ muốn nâng cấp những gì đã có trên các bàn phím cơ có mặt trên thị trường. Đa phần mọi người hiện nay đều sử dụng những bộ bàn phím cao su rẻ tiền được công ty cấp, hoặc gõ trên kính của smartphone hoặc máy tính bảng. Anh Alexander thì muốn tất cả mọi người đều có trải nghiệm gõ phím tốt nhất có thể.

Mặc dù một bộ bàn phím cơ có thể đơn giản, nhưng bên trong ẩn chứa rất nhiều điều ảnh hưởng tới chất lượng gõ. Có những điều ta có thể thấy rõ như switch (phần công tắc phím), keycap (vỏ của phím nhấn) hoặc cách sắp đặt các phím. Nhưng có những điều khác nữa như giao tiếp với thiết bị (Bluetooth hay USB), phần mềm mà hãng cài đặt và cả những đèn nền được tích hợp nữa. Đến cả phần mạch chủ (PCB) cũng đóng một vai trò không hề nhỏ.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 7.

Jacob (Alexander) cùng cộng sự, giống với cộng đồng chơi bàn phím nói chung, rất thích thú với việc 'nghịch' những linh kiện này. Anh nói rằng tất cả những thứ nhỏ nhoi như vậy nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn, và không nhận được sự quan tâm thích đáng bởi những hãng làm bàn phím trên thị trường. Chính vì vậy mà anh muốn tạo ra một 'làn sóng' mới, bắt những hãng như Razer và Logitech phải để ý. Điều này đã trở thành sự thật, khi một người tôi quen tại Logitech nói rằng họ có biết về bàn phím White Fox; và cả Razer lẫn Logitech đều phải để mắt tới những công ty làm phím như Input Club.

Alexander có cách ăn nói rất giống những CEO của những công nghệ lớn tại thung lũng Silicon, nhưng anh không hề bóng bẩy mà toát lên một vẻ chân thực, là một người thực sự yêu những gì mình làm. Và nếu như bạn không nhận ra điều này khi gặp anh ấy chỉ vài giờ ở buổi gặp mặt, thì chắc chắn sẽ nhận ra khi bước chân vào phòng lab của anh ấy tại San Jose. Tôi ngắm hoàng hôn buông xuống, phía sau là bộ sưu tập của hơn 500 chiếc bàn phím cơ, cùng rất nhiều những linh kiện khác nhau.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 8.

Anh đã thu thập chúng trong suốt 10 năm qua. Với khởi điểm là thú vui của một du học sinh Nhật Bản, giờ đã trở thành một phòng lab với vô cùng nhiều thiết bị hiện đại.

Phòng lab này được chia ra làm 3 ngăn, một ngăn là không gian nghỉ chơi dành cho chủ cho thuê địa điểm. Nó làm bạn nhớ đến không gian của những start-up tự phát, không có tổ chức. Ở đây có một cái TV lớn, một bàn Bi-a và khung cảnh thành phố nên thơ. Nằm ở một góc là một chiếc bàn lớn, có những bộ bàn phím sản xuất từ những năm 60, được nhập khẩu từ tận nước Nga xa xôi. Phía sau là một giá sách, nhưng không đựng sách mà có hàng tá những hộp bàn phím cơ chất đống lên nhau.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 9.

Phân nửa không gian còn lại là dành cho những hoạt động nghiên cứu như một phòng lab thực thụ. Có một chiêc máy để kiểm tra nguồn điện ra và vào mỗi bàn phím. Một chiếc bàn lớn khác chuyên dùng để hàn switch vào mạch PCB.

Mỗi người chơi bàn phím lại có một thành phần linh kiện mà họ coi trọng hơn những phần khác. "Tôi là người yêu switch" - anh Jacob chia sẻ. Anh rất thích thú với cách hoạt động của thành phần để ghi nhận phím mỗi khi ta nhấn xuống. Switch gồm cả những loại cao su của các bàn phím rẻ tiền ở văn phòng, đến kiểu 'hình kéo' hay 'cánh bướm' được sử dụng trên laptop, và đặc biệt là những loại cơ học được cộng đồng chơi phím lựa chọn.

Mỗi loại switch cơ lại có một đặc tính khác nhau. Tôi đã sử dụng qua 3 loại switch của các hãng khác nhau, bao gồm Cherry Brown của hãng chuyên sản xuất switch đến từ Đức, loại ALP thường thấy ở những bàn phím cơ Apple cổ và Topres - một loại lai giữa switch cao su và cơ.

Cherry được thành lập vào năm 1953 và bắt đầu làm switch cho bàn phím cơ vào năm 1984. Đây là công ty lâu đời nhất sản xuất loại sản phẩm này, và đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều hãng 'nhái' theo như Gateron, Kaihua, và Zealio. Anh Jacob thì rất để tâm tới những hãng 'nhái' này. Mặc dù nhìn bên ngoài những sản phẩm của các hãng có thể giống nhau, nên mỗi loại lại có một 'cảm giác gõ' rất khác nhau.

Thông thường, 'cảm giác gõ' phụ thuộc nhiều vào khoảng cách từ lúc nhấn đến khi ta 'chạm đáy' cùng với lực để nhấn được phím đó xuống. Nhưng anh Jacob còn muốn tìm hiểu sâu hơn. Anh biết rằng lực nhấn phím không phải lúc nào cũng tịnh tiến, mà là một đường cong khi được đo đạc. Hiện không có bất cứ chiếc máy nào được bán đại trà có thể đo được 'đường cong' này.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 10.

Chính vì vậy anh Jacob tự tạo ra một chiếc để sử dụng. Anh mua một máy đo lực mà ai cũng có thể mua được ở cửa hàng điện máy, gắn nó vào tay robot và đọc thông số bằng máy tính. Từ khi có máy, anh đã đo được hàng trăm loại switch khác nhau, gồm cả những bàn phím laptop và switch bàn phím cơ. Những công đoạn có vẻ dễ, nên anh chỉ cho tôi cách làm. Mỗi lần đo tốn khoảng 10 phút.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 11.

Mỗi tối, khi chúng ta đã 'tắt não' để thư giãn sau ngày dài làm việc thì anh Jacob lại đi xe đến phòng lab để làm những thử nghiệm này, đôi khi đến 7 - 8 giờ tối. "Tôi có thể đo được khoảng 30 loại switch trong mỗi tối" - anh chia sẻ.

Khi cộng sự trong hội Input Club - Andrew Lekashman biết về chiếc máy thử nghiệm của Jacob, anh muốn sử dụng nó để xác định rằng hội sẽ sử dụng switch nào trong bộ bàn phím sẽ bán trong tương lai. Nhưng mục đích của anh Jacob thì lớn lao hơn nhiều, anh chia sẻ: "Bàn phím là một thị trường đã bị chậm lại từ những năm 80, điều tôi muốn làm là thúc đẩy nó phát triển hơn nữa."

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 12.

Alexander cùng những người bạn của anh tại Input Club không phải là những người duy nhất muốn đưa bàn phím cơ lên tầm cao mới. Tại 'trung tâm' của những 'con nghiện nhựa' là trang Reddit r/MechanicalKeyboards, có tới hơn 1000 người tham gia mới mỗi tuần.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 13.

Tại buổi gặp mặt tại khuôn viên Facebook, Jesse Vincent đã giới thiệu bộ sản phẩm bàn phím siêu lớn Keyboardio Model 01 của mình. Sau Jacob thì Jesse Vincent là người mà mọi người khuyến khích tôi tới nói chuyện. Cộng sự của anh, Kaia Dekker, không thể tham gia buổi gặp mặt này, nhưng Jesse vẫn đủ năng lượng để đứng và trả lời câu hỏi của mọi người về bộ bàn phím 'lạ lùng' của anh.

Bộ bàn phím kết hợp giữa gỗ và những thành phần điện tử hiện đại này chỉ là một ý tưởng trong đầu anh vào năm 2012, nhưng nhanh chóng trở thanh một sản phẩm thưởng mại với số vốn đầu tư Kickstarter lên tới 650.000 USD. Từ đó, sản phẩm này gặp nhiều trở ngại trong việc bán ra, trong đó có những khó khăn về sản xuất. Vincent chỉ biết thở dài mỗi khi có người tới hỏi anh Model 01 sẽ được bán ra chính thức. Anh đã phải 'xoa dịu' những người đã đầu tư trong suốt 2 năm rồi.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 14.

Henry Liu cùng với những người bạn của mình tại Zeal PC cũng có ước mơ về việc tạo ra sản phẩm bàn phím cơ riêng cho mình, nhưng có vẻ thuận lợi hơn trong khoản sản xuất. Tránh việc phải làm việc một mình, Zeal PC hợp tác với Gateron vào 2015 để tạo ra những switch Zealio vô cùng nổi tiếng. Những fan của hãng sẵn sàng bỏ ra 1 USD cho mỗi switch, tức hơn 60 USD để lắp một bộ bàn phím loại nhỏ - còn những thứ khác gồm PCB, vỏ, keycap đều phải mua riêng.

Liu (có tên tài khoản là Zeal trên diễn đàn) nói rằng việc kinh doanh khá thuận lợi, có thể hỗ trợ tài chính cho anh cùng với một vài nhân viên khác. "Hiện giờ nó đã trở thành công việc chính với tôi" - anh chia sẻ với Gizmodo. Jacob Alexander là một fan của Liu, nhất là với những switch Zealio mà anh hợp tác với Gateron.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 15.

Điểm làm nên sự thành công của switch Zealio là những chi tiết nhỏ nhất. Nó là một switch 'nhái' của thiết kế đến từ Cherry, với lực chạm đáy là khoảng 100g. Những switch trong suốt (Clear) có lực giảm xuống còn 60g, tức nhấn nhẹ hơn để chạm được xuống đáy phím. Trong những ngày đầu của công ty vào 2014, anh Liu tỉ mẩn thử nghiệm với rất nhiều thiết kế khác nhau, cho tới khi ra được những phím Zealio như hiện nay.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Cherry và Zealio là quy trình tạo ra phần nhựa của cuống (stem). Anh Liu nói: "Tôi không hề thích phím Cherry ở chỗ chúng cho cảm giác đánh khá 'sạn', vì bề mặt stem không hề phẳng". Những điểm lồi lõm làm cho việc nhấn xuống gặp cản trở, tạo ra cảm giác đánh 'sạn' mà anh đề cập.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 16.

Điểm khác biệt tưởng nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ thuyết phục fan của switch Zealio bỏ từ 60 đến 100 USD mua mỗi switch để gắn vào bàn phím của mình. Sự thành công của Zealio cũng giúp nhóm của anh Liu tạo ra các sản phẩm khác nữa, như mạch Zeal 60 PCB. Đây là PCB đầu tiên trên Thế giới có thể tùy chỉnh LED đổi màu dạng phần mềm mở (open source). Người dùng có thể tự hàn đèn LED, đổi màu, chỉnh độ sáng tùy theo ý thích của mình.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 17.

Bộ bàn phím này sau khi được lắp đầy đủ nghe khá là giống bộ K-Type đã đề cập ở trên, nhưng Liu nói rằng sản phẩm của mình có mặt trên thị trường trước, và K-Type cũng là một sản phẩm được lắp đặt sẵn chứ không phải 'vọc' nhiều như Zeal.

Theo anh Liu, thì cộng đồng chơi phím cũng rất thân thiện với nhau, không hề có sự cạnh tranh: "Tôi nghĩ họ (Input Club) đã làm được rất nhiều cho cộng đồng, tất cả đều mã nguồn mở để ai cũng có thể 'vọc'. Họ làm được điều gì thì cũng công bố cho mọi người xem, quả thực là những người đi tiên phong".

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 18.

Henry Liu cho rằng sự cởi mở đã giúp cho Input Club trở thành một cái tên có uy tín trong làng chơi bàn phím cơ. Như chiếc K-Type, nếu bạn không thích điều gì thì hoàn toàn có thể thay thế một cách dễ dàng. Bạn có thể tháo switch ra để hàn lại các loại khác, hoặc thậm chí tải phần mềm về để tự mình tùy chỉnh hoàn toàn. Nếu có thời gian và kinh nghiệm, bạn có thể biến K-Type thành một sản phẩm cá nhân hoàn toàn, không còn giống chiếc bàn phím mua lúc đầu nữa.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 19.

Sự sẵn sàng để làm tất cả mọi thứ nhằm làm người dùng hài lòng chính là lí do Input Club và Zeal PC được cộng đồng yêu mến. Những công ty này hoạt động nhờ vào niềm đam mê, chứ không phải chỉ vì tiền. Zeal PC chỉ có 2 nhân viên chính thức, còn những thành phần của Input Club đều có những công việc kiếm tiền khác. Họ đủ nhỏ để có thể tạo ra những sản phẩm khác biệt có giá lên tới 200 USD.

Tính 'mềm dẻo' trong kinh doanh này là thứ mà các công ty lớn không có được. Logitech, với doanh thu lên tới 2.21 tỷ USD, là một trong những hãng sản xuất phụ kiện máy tính lớn nhất Thế giới. Khác với những công ty nhỏ ta đã đề cập ở trên, Logitech là một công ty cổ phần nên họ không có cơ hội để 'liều mình' tạo ra các sản phẩm đột phá, họ phải chiều lòng những nhà đầu tư trước khi chiều lòng fan.

Andrew Coonrad, Giám đốc tiếp thị kỹ thuật tại Logitech chia sẻ: "Chúng tôi không thể liều lĩnh được. Nhưng tôi cũng cảm thấy thán phục những con người đang đi trước đón đầu, tạo ra hướng đi riêng để mở rộng thị trường bàn phím, tạo ra những sản phẩm nổi tiếng và được mọi người đón nhận".

Nói như vậy không có nghĩa là Logitech không đổi mới. Họ cũng đã thử nghiệm với việc tạo switch cho riêng mình - switch Romer G với khả năng đặt được đèn LED bên trong switch nhằm tăng độ sáng của nó. Bộ keycap mới của họ cũng được bàn tán rất nhiều, có nhiều người thích thú, nhưng cũng không ít người tỏ ra không hài lòng.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 20.

Cũng giống như anh Alexander, Logitech cũng đang muốn tìm cách hoàn thiện sản phẩm bàn phím mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Khi nghe tôi nói về việc Alexander phàn nàn rằng chưa có bất cứ nghiên cứu nào về tính công thái học cho bàn phím từ những năm 60, Coonrad phủ nhận và nói rằng: "Chúng tôi chỉ không muốn công bố chúng mà thôi".

Trưởng bộ phận sản xuất bàn phím của Razer là Kushal Tandon cũng có đôi lời để bảo vệ những hãng lớn: "Chúng tôi đã rất cố gắng để tạo ra những sản phẩm tốt nhất dành cho những game thủ, đấy là lý do tại sao Razer cũng đã tự tạo ra switch bàn phím cho riêng mình từ 2014". Phím Razer cũng được xây dựng trên nền Cherry, và theo nhiều người nói thì 'mượt' hơn bản gốc giống như Zealio.

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 21.

Những switch của Logitech và Razer thường có lực nhấn nhẹ hơn so với những gì có trên bàn phím Zeal và Input Club. Những người tạo ra các bàn phím này thích các loại switch nặng, mỗi khi nhấn xuống người dùng phải cảm nhận được lực nảy lên. Bàn phím Logitech và Razer vì muốn phù hợp với nhiều người nên đánh nhẹ hơn.

Đây có lẽ cũng là lý do tại sao bàn phím K-Type thường được mọi người chọn khi đặt cạnh các sản phẩm của các hãng lớn. Mọi người đã quá quen với những loại phím cảm ứng và laptop thông thường, khi tìm tới bàn phím cơ họ muốn có 'cảm giác' đánh thực, một cảm giác mãn nguyện.

Anh Alexander nói: "Ai cũng phải gõ phím mà thôi" - cùng với một nụ cười trên môi. Và điều anh ta đang làm là giúp tất cả mọi người đều có trải nghiệm đánh tốt nhất có thể. Mặc dù sở hữu rất nhiều những máy đo đạc hiện đại, cùng hàng trăm giờ nghiên cứu, anh vẫn cho rằng chưa xuất hiện bộ bàn phím hoàn hảo cho tất cả mọi người. "Không có bàn phím hoàn hảo, chỉ có bàn phím tốt nhất cho mục đích sử dụng của từng người mà thôi".

Nghiện nhựa: Bên trong Thế giới ảo diệu của những người đam mê bàn phím cơ - Ảnh 22.