Nghiện game có thật sự là một chứng bệnh hay nó chỉ là một định nghĩa được tạo ra để thỏa mãn sự nghi ngờ của một số người?

Nguyễn Tuấn Tài  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/08/2017 03:06 PM

Chỉ cần tìm kiếm nhanh với cụm từ “nghiện game”, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tin tức về những cái chết sau khi chơi game trong một thời gian dài (thường là kéo dài quá 12 tiếng đồng hồ).

Bạn có tin rằng nghiện game là một chứng bệnh có thật? Trong vai một người chơi game, bạn nghĩ rằng điều này thật tức cười, nhưng rõ ràng là có những báo cáo thực tế về việc game thủ bị kiệt sức và chết sau một thời gian chơi quá dài.

Chỉ cần tìm kiếm nhanh với cụm từ “nghiện game”, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tin tức về những cái chết sau khi chơi game trong một thời gian dài (thường là kéo dài quá 12 tiếng đồng hồ).

Bản thân ý tưởng về “nghiện game” đã gây ra nhiều tranh cãi. Có rất nhiều người tin rằng đây là một vấn đề ngày càng lớn trong xã hội khi việc chơi game trở thành một thú vui phổ biến. Vậy, nghiện game có thực sự là một vấn đề tiềm ẩn của xã hội, hay nó chỉ là một thứ được tạo ra để thoả mãn sự nghi ngờ của một số người?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải thảo luận về định nghĩa của nghiện game và các biểu hiệu của nó.

Nghiện game là gì?

Chứng nghiện game được định nghĩa như là một dạng rối loạn bắt buộc, mà người nghiện game cảm thấy cần được chơi đến mức có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ.

Mặc dù nó nằm trong DSM-5 (tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh tâm thần) như một dạng rối loạn tâm thần cần được nghiên cứu thêm, nhưng chứng nghiện game đến nay vẫn chưa được chấp nhận là một chứng bệnh. Có một số triệu chứng được ghi nhận như: người chơi cảm nhận được sự vui vẻ mà không thể có được từ bất kỳ thứ gì khác, nói dối về thời lượng chơi game trong một ngày, rút lui khỏi những hoạt động thiết yếu trong cuộc sống, bỏ ăn bỏ ngủ để chơi game, chi tiêu một khoản đáng kể cho mục đích có liên quan đến game và cảm thấy khó chịu khi không được chơi.

Nhà tâm lý học Joseph Hilgard gợi ý rằng nguyên nhân việc chơi game có thể gây nghiện là do nó đã kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bộ, tức là khi người ta thực hiện được một điều tốt hơn lần trước, hệ thống khen thưởng sẽ được kích hoạt và khiến chúng ta lặp đi lặp lại điều đó. Trò chơi điện tử đem đến cho người chơi những mục tiêu cụ thể, và việc hoàn thành những mục tiêu này trong game có thể giúp người chơi trở nên mạnh hơn (tốt hơn), điều này kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bộ, làm người chơi tận hưởng cảm giác này và lặp đi lặp lại nó.

Ví dụ điển hình là trong trò chơi Call of Duty: Zombies. Cuối cùng, bạn không thể chiến thắng được Zombies, nhưng bạn luôn cố gắng chơi tốt hơn những lần trước và hành động đơn giản lặp lại này có thể được não bộ khen thưởng. Như vậy, người chơi có thể dành nhiều giờ đồng hồ để thực hiện được điều này, đặc biệt là khi bạn đã từng đạt được thành công trong quá khứ.

Vậy, nghiện game có đúng là một vấn đề của xã hội?

Người ta không thể phủ nhận một số trường hợp đã không thể ngừng chơi game và đã dẫn đến cái chết của họ, nhưng đây không phải toàn bộ sự thật mà nó chỉ giới hạn trong một số hành vi chơi game nhất định.

Tuy nhiên, cái chết do hệ thống khen thưởng ở não bộ gây ra có phải chỉ xuất hiện ở hành vi chơi game? Có rất nhiều ví dụ khác mà hệ thống này gây ra như việc chơi cờ bạc, nghiện rượu, ma túy và thậm chí là do cả công việc gây ra.

Chúng ta vẫn chưa thể kết luận người ta có thực sự bị nghiện game hay không, nhưng dù là có đi nữa, thì liệu nó có đúng là một mối đe dọa tiềm tàng cho xã hội giống như một số nhà khoa học và các cơ quan truyền thông đưa ra?

Rõ ràng việc chơi game là ngày càng phổ biến, và đôi khi người ta chơi game và vô tình rơi vào cái định nghĩa “nghiện game”. Ngày nay, việc chơi game đã trở nên có nhiều mục đích hơn, không chỉ đơn thuần là giải trí, nó có thể là một công cụ giúp chúng ta thôi tập trung quá mức vào một công việc, thậm chí người ta chơi game để kiếm tiền. Và nếu so sánh thử những trường hợp chết do nghiện rượu, ma túy hay tự sát vì công việc và cái chết do game gây ra thì có một sự chênh lệch rất lớn.

Người ta có rất nhiều cách để giải trí như đọc sách, chơi thể thao, đi chơi với bạn bè, nghe nhạc... và đi kèm theo đó có thể là những cụm từ như “mọt sách”, “què chân bóng đá, tóp mà điền kinh” hay “đánh bóng mặt đường”. Đó là những cụm từ thể hiện niềm đam mê thái quá với những thú vui kể trên, và rõ ràng là nó không nặng nề như cụm từ “nghiện game”, nhưng khi sự phổ biến của trò chơi điện tử vượt xa những thú vui này thì có lẽ, cụm từ để thể hiện niềm đam mê với game cũng phải nặng nề hơn "đôi chút".