Pháp Luật & Bạn Đọc | 17/09/2020 06:08 PM
Ngày 15/4/1912, thế giới đón nhận một tin chấn động. RMS Titanic - con tàu hơi nước lớn thứ 2 lịch sử đã va phải một tảng băng trôi trên Đại Tây Dương, để rồi vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương lạnh lẽo cùng hàng ngàn hành khách xấu số.
Titanic đã đi vào lịch sử với tư cách là thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất, và có rất nhiều giả thuyết về lý do gây ra thảm họa ấy. Từ sự bất cẩn của thuyền trưởng, sự chủ quan của chủ đầu tư (trang bị quá ít tàu cứu hộ vì lý do thẩm mỹ), cho đến vụ cháy trong khoang nhiên liệu.
Thảm họa chìm tàu Titanic (Ảnh minh họa)
Nhưng có đúng là chỉ vậy thôi không? Theo một nghiên cứu mới đây tại Mỹ, các chuyên gia đã chỉ ra thêm một yếu tố khác, hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến con tàu và dẫn đến thảm họa trên. Đó là Mặt trời, hay chính xác hơn là "bão Mặt trời".
Bão Mặt trời có thể khiến la bàn định vị sai, dẫn con tàu va phải tảng băng trôi
Trên thực tế, từ trường phát ra từ bão Mặt trời có thể gây ra nhiều tổn hại đến hệ thống định vị - nếu mật độ đủ lớn. Như một trận bão vào năm 1859 - được biết đến với cái tên "sự kiện Carrington" - đã tạo dòng điện cường độ lớn trong dây dẫn điện tín, và khiến người vận hành bị điện giật.
Nếu một cơn bão Mặt trời đủ lớn như sự kiện Carrington xảy ra vào ngày nay, các chuyên gia tin rằng nó sẽ gây ra những tổn hại không thể dự đoán đến mạng lưới năng lượng toàn cầu, và hoàn toàn có thể tạo ra những thảm họa sánh ngang với Titanic.
Bạn biết dấu hiệu cho thấy có bão Mặt trời là gì không? Chính là cực quang - luồng sáng được tạo ra do sự tương tác giữa các phân tử trong khí quyển và Mặt trời. Và sự thật là trong đêm Titanic đâm phải tảng băng trôi, cực quang đã xuất hiện.
"Những người viết về Titanic, hầu hết đều không biết rằng cực quang đã xuất hiện vào đêm hôm đó," - chuyên gia nghiên cứu thời tiết đã về hưu Mila Zinkova chia sẻ.
Bão Mặt trời có thể tác động đến la bàn định hướng. "Và nếu la bàn lệch đi dù chỉ một độ, nó có thể gây ra những khác biệt đáng sợ," - bà chia sẻ thêm.
Lawrence Beesley, một trong những người may mắn sống sót sau thảm họa Titanic đã mô tả lại việc nhìn thấy cực quang trước thảm họa. Ông cho biết mình nhìn thấy ánh sáng ấy từ trên thuyền cứu hộ, và ban đầu tưởng rằng nó là ánh bình minh.
"Chúng tôi không chắc lắm về thời gian, bởi khi đó chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì bóng đêm xua bớt được phần nào, và bắt đầu nhìn được gương mặt của nhau."
"Nhưng rồi mọi thứ lại chìm trong thất vọng: ánh sáng ấy mạnh lên trong một khoảng thời gian, rồi đột nhiên yếu dần, rồi lại phát sáng. Cứ như vậy trong nhiều phút."
James Bisset - sĩ quan trên con tàu RMS Carpathia đến để giải cứu nạn nhân Titanic cũng có ghi nhận tương tự về cực quang trước thời điểm Titanic đâm vào tảng băng khoảng 1h.
"Thời tiết khá bình lặng, mặt biển êm, không có gió. Bầu trời trong, những vì sao cũng sáng lấp lánh. Không có ánh trăng, nhưng cực quang xuất hiện từ chân trời phía Bắc," - trích trong nhật ký hải trình của Bisset.
Cũng theo Zinkova, cực quang còn gây ra một hiệu ứng khác có thể khiến vụ tai nạn Titanic trở nên... đỡ trầm trọng hơn. Như trường hợp của tàu Carpathia khi nhận được tín hiệu cầu cứu của Titanic, họ đã định vị lệch so với vị trí thực xảy ra tai nạn khoảng 25km. Tuy nhiên họ lại đến đúng vị trí những con thuyền cứu hộ - một hiệu ứng mà bà Zinkova cho là thực sự may mắn, do từ trường Mặt trời đã bù lại lỗi định vị của la bàn.
"Ngoài ra, ánh sáng từ cực quang cũng hỗ trợ quá trình giải cứu được tốt hơn," - bà chia sẻ thêm. Theo các tài liệu ghi nhận, tàu Carpathia đã giải cứu thành công 705 người từ hơn 20 thuyền cứu hộ của Titanic.
"Thực tế là rất nhiều người đã nhìn thấy cực quang, cho thấy thực sự có một hiện tượng thiên văn xảy ra khi đó," - Chris Scott từ ĐH Reading (Anh) cho biết.
Toàn bộ nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Weather.
Nguồn: Daily Mail, Weather Journal