Bài viết dưới đây phân tích chi tiết về thân thế bí ẩn của Hoàng Sam Nữ Tử, dựa trên các tình tiết trong tiểu thuyết Kim Dung.
Mặc dù Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ và Ỷ Thiên Đồ Long Ký được gọi chung là Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, nhưng mối liên hệ giữa "Ỷ Thiên" và "Thần Điêu" không chặt chẽ như giữa hai tác phẩm còn lại. Bối cảnh thời đại của Ỷ Thiên Đồ Long Ký được đặt cách thời điểm kết thúc Thần Điêu Hiệp Lữ vài thập kỷ. Khoảng thời gian vài chục năm này không được miêu tả chi tiết, chính vì vậy, trong tiểu thuyết có không ít bí ẩn chưa được giải đáp.
Năm xưa, Dương Quá và Tiểu Long Nữ cùng nhau quy ẩn giang hồ, không ai biết họ đã đi đâu. Quách Tương tìm kiếm khắp nơi cũng không có tin tức về họ, nàng đến Cổ Mộ cũng không thấy bóng dáng Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Vì vậy, nếu nhìn vào phần kết của Thần Điêu Hiệp Lữ, ta có thể thấy, Kim Dung dường như muốn khép lại câu chuyện của Dương Quá lại với một cái kết mở.
Chính vì thế, khi nhân vật Hoàng Sam Nữ Tử xuất hiện với tư cách là truyền nhân Cổ Mộ phái trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký khiến nhiều độc giả cảm thấy có phần hơi đột ngột. Vậy nàng có phải là con gái của Dương Quá hay không? Thực ra trong truyện đã có những gợi ý về vấn đề này.
Một số người cho rằng, sự xuất hiện của Hoàng Sam Nữ Tử cũng tương tự như nhân vật Vô Danh Thần Tăng trong Thiên Long Bát Bộ. Đó là một dạng hạ phàm cứu thế. Sự xuất hiện của lão tăng này không hề có bất kỳ sự báo trước nào. Thân thế, lai lịch của ông cũng không được đề cập đến. Điều quan trọng nhất là sau trận chiến ở Tàng Kinh Các, ông ta liền rời đi, đúng kiểu một nhân vật phụ chỉ xuất hiện để giải quyết tình huống.
Tuy nhiên "chức năng" của Hoàng Sam Nữ Tử chỉ có một phần nhỏ giống với Vô Danh Thần Tăng, nhưng giữa hai người vẫn có sự khác biệt rõ ràng. Việc này có thể lý giải qua 2 điều sau.
Thứ nhất, Hoàng Sam Nữ Tử xuất hiện với tư cách là truyền nhân của phái Cổ Mộ, lại còn nhắc đến câu "Thần điêu đại hiệp, tuyệt tích giang hồ". Cộng thêm việc Sử Hồng Thạch gọi nàng là "Dương tỷ tỷ", nên thân thế của nàng ta có thể suy đoán được. Từ đó, Hoàng Sam Nữ Tử thực sự có khả năng là con gái của Dương Quá.
Thứ hai, Hoàng Sam Nữ Tử xuất hiện không chỉ một lần, có thể coi là một "nhân vật bán thường trú". Nhưng, không thể phủ nhận rằng, những lần xuất hiện của Hoàng Sam Nữ Tử đều là để thúc đẩy cốt truyện. Nếu không có nàng, câu chuyện sẽ rơi vào bế tắc.
Vậy quay trở lại vấn đề thân thế của nàng, chỉ dựa vào việc nàng là truyền nhân Cổ Mộ phái và cách xưng hô "Dương tỷ tỷ" của Sử Hồng Thạch đã đủ để chứng minh nàng là con gái của Dương Quá hay chưa? Câu trả lời hiển nhiên là không.
Xét về bối cảnh thời đại, Dương Quá sinh năm Tống Ninh Tông Gia Định thứ 17, tức năm 1224. Chàng ta quy ẩn vào năm Tống Lý Tông Cảnh Định nguyên niên, tức năm 1260. Còn câu chuyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký diễn ra vào thời điểm nào? Đó là thời kỳ cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh. Nói cách khác, khoảng thời gian từ cuối thời Tống, khi Thần Điêu Hiệp Lữ kết thúc, đến thời điểm diễn ra câu chuyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký là gần một trăm năm.
Vậy dung mạo của Hoàng Sam Nữ Tử như thế nào? Nguyên văn viết: "Giữa tiếng nhạc du dương, một người con gái vận áo dài màu vàng nhạt, tay trái dắt một bé gái mười hai, mười ba tuổi, chậm rãi bước vào. Người con gái ấy độ chừng hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, phong tư thướt tha, dung mạo tuyệt mỹ, chỉ là sắc mặt quá tái nhợt, không có chút huyết sắc nào".
Đáng chú ý là trong bản Tam Liên, mô tả là: "Người con gái ấy độ chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi". Tuy nhiên sự khác biệt không lớn, không rõ Kim Dung điều chỉnh tuổi bề ngoài của Hoàng Sam Nữ Tử tăng thêm một tuổi với ý định gì. Nhưng dù thế nào đi nữa, khi xuất hiện, nàng cũng chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. Như vậy, làm sao Hoàng Sam Nữ Tử có thể là con gái của Dương Quá được?
Tuy nhiên, theo trang tin Sohu, các đệ tử của Cổ Mộ phái từ trước đến nay đều có thuật giữ gìn nhan sắc. Ví dụ như Tiểu Long Nữ rõ ràng lớn tuổi hơn Dương Quá, nhưng trong mắt người ngoài, nàng thậm chí còn trẻ hơn cả Dương Quá. Tuy nhiên, đa số mọi người có lẽ đã đánh giá quá cao thuật này của Cổ Mộ phái. Bởi thực tế, người của phái cũng không thể trường sinh bất lão.
Khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ gặp lại nhau ở dưới Tuyệt Tình Cốc sau mười sáu năm xa cách, trong truyện có đoạn miêu tả như sau: "Qua một lúc lâu, Dương Quá oà lên khóc, nghẹn ngào nói: 'Long nhi, dung nhan nàng không hề thay đổi, còn ta thì đã già rồi'. Tiểu Long Nữ nhìn chăm chú, nói: 'Không phải chàng già, mà là Quá nhi của ta đã lớn rồi'."
16 năm đó, Dương Quá sầu muộn sinh bệnh, cộng thêm việc luyện Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng luôn cần phải đắm chìm trong cảm xúc đau buồn, nên tâm trạng đó khó tránh khỏi khiến cơ thể già đi nhanh chóng. Còn Tiểu Long Nữ thì hầu như không thay đổi. Vậy nàng ta trông như thế nào? Tiểu Long Nữ lớn hơn Dương Quá vài tuổi, nhưng từ nhỏ đã sống trong Cổ Mộ, theo sư phụ luyện nội công, tịnh tâm tuyệt dục. Còn Dương Quá thì trải qua nhiều biến cố, buồn vui lẫn lộn, nên đến khi hai người thành hôn, trông họ như bằng tuổi nhau.
Về việc Tiểu Long Nữ làm thế nào để giữ gìn nhan sắc, trong sách cũng viết rất rõ ràng, đó là do nàng luyện võ công Cổ Mộ phái vốn chú trọng "vô hỷ vô bi, vô tư vô lự, công lực thuần khiết". Đúng như câu nói: "Nhiều suy nghĩ thì tinh thần mệt mỏi, nhiều toan tính thì tinh lực phân tán, nhiều ham muốn thì trí tuệ hao mòn, nhiều việc thì thân thể mệt mỏi, nhiều lời thì khí lực suy yếu, nhiều cười thì tổn thương gan, nhiều sầu thì hại tim, nhiều vui thì tinh thần phân tán, nhiều mừng thì lú lẫn, nhiều giận thì kinh mạch rối loạn, nhiều thích thì mê muội, nhiều ghét thì bứt rứt không yên".
Tiểu Long Nữ ít suy nghĩ, ít toan tính, nên nàng có thể giữ gìn được dung nhan. Và nhìn vào kết quả thực tế mà nàng đạt được, nàng gần như giữ nguyên vẹn dung nhan ngày nào. Nàng chỉ lớn hơn Dương Quá vài tuổi, tức là thuật giữ gìn nhan sắc của Cổ Mộ phái gần như có thể khiến người ta trông trẻ hơn tuổi thật khoảng một nửa.
Còn về kết luận Hoàng Sam Nữ Tử không thể là con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Bề ngoài nàng khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, cho dù nhân đôi số tuổi này lên, nàng cũng chỉ mới ngoài năm mươi. Mà theo phân tích ở trên, từ khi Dương Quá quy ẩn đến thời điểm diễn ra câu chuyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký đã gần trăm năm.
Năm đó Dương Quá đã ba mươi sáu tuổi, chuyện đại hiệp này và Tiểu Long Nữ sinh con khi đã tám mươi, chín mươi tuổi hiển nhiên là không thể. Nếu Hoàng Sam Nữ Tử không phải con gái của Dương Quá, vậy nàng ta là ai? Có hai giả thuyết.
Thứ nhất, nàng là cháu gái của Dương Quá, tức là vợ chồng Dương Quá có thể đã có một người con trai, và Hoàng Sam Nữ Tử là con gái của người đó. Nhưng nếu vậy, tại sao Hoàng Sam Nữ Tử chỉ nhắc đến "Thần điêu đại hiệp, tuyệt tích giang hồ", mà không hề đề cập đến chuyện của cha mình.
Vậy có một giả thuyết khác, Hoàng Sam Nữ Tử rất có thể cũng là trẻ mồ côi giống như Tiểu Long Nữ, chỉ là được vợ chồng Dương Quá nhận nuôi lúc về già, nên mới mang họ Dương và kế thừa Cổ Mộ phái. Xét về tuổi tác, Hoàng Sam Nữ Tử chắc chắn không phải là con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ.
Tổng hợp