Nghề làm quán net tại Việt Nam: Nhọc nhằn và cũng lắm khó khăn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/09/2017 0:00 AM

Công cuộc cạnh tranh giữa các quán net khiến cho những hóa đơn dần chồng chéo, khiến họ không thể nào thoát ra được khỏi cái mê cung cơm áo gạo tiền...

Nghe qua, chúng ta cứ luôn tưởng tượng rằng, nghề làm quán net là rất "oai" khi được đón tiếp hàng chục, hàng trăm game thủ hàng ngày, chỉ việc "ngồi mát ăn bát vàng" thu tiền của anh chị em game thủ Việt đến chơi tại quán. Nhưng kỳ thực, điều này đâu có đúng. Như những ông chủ quán net đang trong cơn bĩ cực tuyên bố rằng, nghề làm quán net đã và đang trở thành mạt vận, giữa guồng quay cạnh tranh và nâng cấp từng ngày, từng giờ.

Trong thời điểm hiện tại các quán game lớn mở ra hàng loạt và các quán Net nhỏ cũng lan nhanh không kém, do đó tính cạnh tranh của loại hình kinh doanh này cũng trở nên vô cùng căng thẳng. Thực tế đây là phương pháp cạnh tranh kiểu "dìm" giá rất phổ biến giữa các quán Net ở gần nhau và có mật độ dày đặc. Những cửa hàng không chấp nhận giảm giá hoặc không thể chịu nổi mức giá cực thấp sẽ chịu cảnh vắng vẻ để rồi nhanh chóng phải đóng cửa. Sau một khoảng thời gian thì các cơ sở còn trụ lại được sẽ có lượng khách dồi dào hơn do sức cạnh tranh đã giảm.

Trong những ngày hè oi bức, khi nhiều quán game ngày một mọc lên như nấm, cạnh tranh nhau một cách dữ dội trong thời gian qua, thì không ít những người quản lý phòng máy chơi game cũng phải đau đầu tìm cách "gỡ gạc" một phần thu nhập trong mùa "ế ẩm", nếu như không muốn phải đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. Chúng ta đã từng được chứng kiến không ít những mưu mẹo cạnh tranh một cách "không thể tin nổi", ví như trước đây có cả... cài tool hack Liên Minh Huyền Thoại, thậm chí tặng cả nước uống cho game thủ đến chơi game tại quán. Chính vì thế việc giảm giá giờ chơi game đến mức "phá giá" dường như cũng không mấy lạ lùng.

Dĩ nhiên ông bà chủ quán net Việt nào cũng muốn chiều chuộng game thủ hết mức có thể, và đi kèm với đó là những khoản đầu tư khổng lồ để kéo khách. Từ việc nâng cấp máy móc cho hợp thời, đủ mạnh để chơi mọi game hay theo trào lưu qua từng năm, cho đến mua sắm bàn ghế mới, điều hòa nhiệt độ ngồi cho mát để tránh cái nóng oi bức của những ngày hè vừa qua, không gì là họ không sẵn sàng làm để thu về lợi nhuận.

Rõ ràng việc đầu tư hệ thống điều hoà nhiệt độ cho phòng máy cũng như chi ra kha khá tiền điện để vận hành sẽ khiến cho chủ quán net phải chi ra nhiều chi phí đầu tư hơn và kéo giá dịch vụ lên cao. Tuy nhiên mới đây một chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến cho tất cả phải bất ngờ khi giới thiệu một địa điểm kinh doanh với giá 'khô máu' 1.500 đồng một giờ nhưng cũng có đủ máy lạnh mát rượi luôn!

Đây rõ ràng là điều không thể tin nổi bởi gần như mức thu giờ chơi này chỉ đủ... tiền điện duy trì thôi chứ chưa kể tới chi phí hao mòn máy móc, bảo dưỡng, nhân viên hay nhiều thứ phát sinh khác. Vậy mà chủ quán net này vẫn dũng cảm 'khô máu' với cái giá 1.500 đồng / giờ - thậm chí phòng máy không có điều hoà vẫn còn cảm thấy 'thốn' với mức thu này.

Thực tế thì mức giá này một phần cho thấy nghề kinh doanh game net ở Việt Nam hiện tại đã 'nát' ra sao, chắc chắn là đã có quá nhiều cạnh tranh và chủ quán này không còn cách nào để thu hút khách hàng cùng như chống lại những sự công kích từ đối thủ nên mới nghĩ ra phương pháp 'diệt cả mình lẫn người' là hạ giá kịch sàn như phía trên đây.

Tuy nhiên nếu phân tích một cách cụ thể, thì như rất nhiều ông chủ phòng máy chơi game khác đã chỉ ra, cách này không khác gì tự sát. Nếu như chủ quán game nêu trên đưa ra ý kiến, từ nay đến tháng 09, nghĩa là gần 2 tháng nữa, với tốc độ giảm giá như vậy để hút khách, chắc chắn rằng ông chủ nọ sẽ phải chịu khoản lỗ nặng nề, thậm chí đủ sức đóng cửa phòng máy chơi game.

Phương thức cạnh tranh này được nhiều chủ quán khác cho là không trong sạch cho lắm và cũng không mấy hiệu quả, chỉ thu hút được lượng khách hàng lớn đổ về trong thời gian ngắn, đến khi hết khuyến mãi phá giá là lại vắng, vừa thiệt mình vừa thiệt người, chẳng được lợi lộc gì. Thay vào đó thì hãy nâng cấp chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng sẽ có kết quả lâu dài hơn.

Nói thì luôn luôn dễ hơn là làm, dù cho có chiều chuộng khách hàng như những thượng đế đúng nghĩa đen, không phải lúc nào những kết quả tích cực cũng đến với cộng đồng những người làm quán net trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Không đâu xa, cách phá giá cạnh tranh không chỉ làm hại cho chính bản thân mình, mà nó còn gây ảnh hưởng tới chính những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của quán net nọ. Một mưu kế "ngọc đá cùng tan" không hề tỉnh táo và khôn ngoan một chút nào. Ban đầu khách sẽ đến chơi đông, vì chỉ cần bỏ ra 20 nghìn Đồng là có thể ngồi thỏa thuê cả chục tiếng đồng hồ, nhưng về lâu dài, với những chi phí tiền điện, tiền thuê mặt bằng, kẻ chịu thiệt không ai khác chính là ông chủ quán game nọ.

Dù sao công việc kinh doanh là phải có cạnh tranh và ai cũng muốn thành công, cho dù làm theo cách nào thì các chủ quán Net cũng nên cân nhắc lợi hại để mình có lợi và cũng không nên chèn ép người khác thái quá, tránh trường hợp "chơi cùn" để tất cả cùng thua lỗ.

"Buôn có bạn, bán có phường", thực sự câu nói này đã ăn quá sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam rồi. Một nhà mở quán net, tất cả các nhà khác trên phố thấy quán nọ làm ăn có lãi thế là cũng nhảy vào cuộc chơi. Khi số lượng game thủ là có hạn, chẳng chóng thì chầy cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Điều này dẫn tới hệ quả đau lòng kể trên, khi những ông bà chủ quán net bất chấp mọi thua lỗ để kéo khách đến quán, để khiến đối thủ hết đường làm ăn. Nhưng làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc những hóa đơn sẽ dần chồng chéo, khiến họ không thể nào thoát ra được khỏi cái mê cung cơm áo gạo tiền...