- Theo Trí Thức Trẻ | 22/08/2016 01:02 PM
Chuyện công viên Tao Đàn trở thành "đại bản doanh" của game thủ Pokemon Go đã không còn lạ lẫm gì từ khi trò chơi này chính thức được phát hành tại Việt Nam. Dù công viên chỉ hoạt động đến 9h30 là đóng cửa, không cho khách vào trong, thế nhưng từ khi có Pokemon Go, khái niệm giờ giấc ở nơi này đã không còn được người chơi lưu tâm.
Chính điều này cũng khiến lực lượng bảo vệ tại công viên Tao Đàn phải đau đầu trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Thay vì chỉ phát loa thông báo giờ ngưng hoạt động 1,2 lần, nay đội ngũ bảo vệ phải lặp đi lặp lại thông báo đó hàng giờ liền. Cứ nửa tiếng họ lại phải chạy xe đạp, xe máy dọc công viên để "lùa" khách. Thế nhưng, đâu vẫn vào đấy....
Đội bảo vệ ở công viên Tao Đàn vất vả yêu cầu người chơi Pokemon ra về vì đã đến giờ đóng cửa - Thực hiện: Quỳnh Trân.
Game thủ tập trung rất đông tại công viên Tao Đàn từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Họ vô tư đỗ xe tràn ra đường.
Một số game thủ đỗ xe hơi bên đường để bắt Pokemon mặc cho đoạn đường này có biển hiệu cấm đỗ xe.
"Mấy cháu chơi đến 10h thì về đi, giữ sức khỏe nữa..."
Tại công viên Tao Đàn, mỗi đêm có trên 10 nhân sự thực hiện công tác bảo đảm an ninh thế nhưng từ khi mọi người đổ xô về đây để chơi Pokemon, công tác bảo vệ đã phải được thắt chặt và tăng cường. Trong ngày đầu tiên game Pokemon Go phát hành ở Việt Nam, lượng người đổ về công viên Tao Đàn bỗng nhiên đông đột biến khiến lực lượng bảo vệ khá bất ngờ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau khi tìm hiểu về trò chơi thì các chú bảo vệ tại công viên mới hiểu nguyên nhân.
Ông Trí (55 tuổi) có thâm niên làm bảo vệ tại công viên Tao Đàn đã hơn 30 năm nay, ông cho biết đây là lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng "kỳ lạ" này.
Ông Trí đã làm bảo vệ tại công viên hơn 30 năm nhưng chưa từng chứng kiến hiện tượng này trước đó.
"Chỉ có dịp lễ hội hay Tết nhất thì công viên mới đông người thôi! Chứ bình thường không đông vậy đâu! Hồi mới có game này, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, tự hỏi: Ủa sao tự nhiên tập trung đông dữ vậy? Hỏi ra thì mới biết là các cháu chơi game thực tế ảo, nên cũng thôi không thắc mắc nữa" - Ông kể.
Gần đến giờ đóng cửa, người chơi game vẫn không ngớt.
Lực lượng bảo vệ phải mất thời gian tìm hiểu về trò chơi này để lý giải vì sao mọi người lại tập trung đông như vậy.
Từ lúc có Pokemon, nhiều lần ông Trí và các bảo vệ khác giật mình khi thấy đám đông chạy ào ào từ điểm này sang điểm kia vì phát hiện có Pokemon hiếm.
"Giờ quen rồi chứ mấy bữa đầu là dễ giật mình lắm! Đang im im vậy nhen, cái bên kia xuất hiện con thú gì đó, tụi nhỏ chạy cái ào qua bắt, rồi bên này xuất hiện con khác, tụi nó lại kéo nhau chạy ào về. Mới nhìn tưởng có chuyện gì lớn xảy ra không chứ! Hết hồn chứ chẳng chơi" - người bảo vệ già hóm hỉnh kể.
Mỗi lần xuất hiện pokemon hiếm thì các game thủ lại khiến mọi người giật mình.
"Việc chơi game giải trí là quyền của mấy đứa nhỏ, bọn tôi không can thiệp. Nhưng chỉ khuyên là mấy cháu nên giữ gìn sức khỏe của mình để còn làm việc và học tập, chơi gì thì chơi, 10 giờ về nhà nghỉ ngơi được rồi, đằng này tụi nhỏ ở lại đến 2,3h khuya, có khi chơi đến sáng" - ông Trí lo lắng nói.
Vất vả "lùa" người chơi ra công viên khi đã đến giờ đóng cửa
Ban quản lý công viên không phê phán hay nghiêm cấm mọi người chơi game, tuy nhiên điều mà họ lo lắng chính là sự ăn theo của tệ nạn xã hội. Ông Thiện (57 tuổi, Trưởng Ban quản lý công viên Tao Đàn) tâm sự: "Chúng tôi không cấm các bạn trẻ đến công viên chơi game, nhưng vấn đề là việc các bạn tập trung đông vào giờ khuya sẽ là điều kiện tốt cho những thành viên trộm cắp, cướp giật trà trộn vào hoạt động. Đồng thời các hàng quán vỉa hè cũng ăn theo gây mất vệ sinh chung".
Nhiều gia đình chở theo con em cũng tranh thủ chơi Pokemon trên đường.
Vào đêm ngày 8/8, hai ngày sau khi trò chơi được ra mắt, tại công viên Tao Đàn đã xảy ra vụ việc giật điện thoại của người chơi Pokemon Go. Chứng tỏ sự lo xa của lực lượng bảo vệ thật sự là không thừa.
Ông Trí chân thành nói: "Nhiều người bảo cứ kệ tụi nó, để cho bị giật điện thoại vài ba lần là tụi nó tởn hết dám chơi game vào ban đêm. Nhưng mình đâu làm vậy được. Tụi tui giờ làm việc cực... thấy bà luôn! Nhưng nói gì thì nói, giận gì thì giận chứ cũng phải giữ an toàn cho tụi nhỏ, không để công viên của mình xảy ra tình trạng cướp giật như thế được!".
Từ 9h30 đến 10h tối, ông Thiện liên tục phát loa thông báo đã hết giờ, yêu cầu mọi người ra về thế nhưng lượng người tập trung ở công viên vẫn không ngớt. Lực lượng bảo vệ phải cử từng tốp chạy xe đi "lùa" khách ra khỏi công viên.
Một cô gái vẫn xông vào công viên khi đã hết giờ và được bảo vệ nhắc nhở ra ngoài.
Người chơi dường như chỉ đi theo bản đồ Pokemon mà không để ý gì đến xung quanh.
Ông Thiện kể, mấy hôm trước có một anh bảo vệ trong công viên thấy mọi người ở lại khuya, nên đã phát thông báo yêu cầu các game thủ ra về. Cụ thể thông báo có nội dung như sau: "Thông Báo: Để đảm bảo an ninh trật tự trong công viên. Yêu cầu quý khách bắt Pokemon ra về!"
Chú Thiện cho biết từ ngày có Pokemon Go, lực lượng bảo vệ phải làm việc vất vả hơn.
Tuy nhiên, sự việc lần đó đã nhận phải sự phản đối của các game thủ. Có bạn trẻ còn nói: Mấy ổng không được chơi nên... ghen tỵ. Vì vậy những ngày gần đây, ban quản lý chỉ thông báo hết giờ hoạt động của công viên vào mỗi 9h30 tối và yêu cầu mọi người về, chứ không dám nhắc gì đến Pokemon.
"Nói thiệt chứ các bạn trẻ không muốn về thì cũng đành chịu. Ngay cả lực lượng công an tuần tra vào ban đêm mà còn bó tay mà. Thế nên chỉ giảm được phần nào thì hay phần đó" - ông Thiện chia sẻ.
Nhiều lúc, lực lượng bảo vệ rất bất lực khi người chơi không quan tâm đến lời nói của mình, tất cả chỉ chăm chăm vào màn hình điện thoại và không chịu ra khỏi công viên.
Nói rồi, những người bảo vệ lại chia nhau ra mỗi người một hướng đi kiểm tra các khu vực trong công viên. Từ ngày có Pokemon Go, lực lượng bảo vệ làm việc nhiều hơn, vất vả hơn. Nhưng với họ, thôi thì làm "bảo vệ thời Pokemon Go" nên ráng chịu cực tí xíu. Chỉ mong "game thủ chơi đến 10 giờ rồi về!" là đã giúp cho những người bảo vệ đỡ vất vả hơn nhiều rồi.
(Theo Kenh14)