Pháp Luật & Bạn Đọc | 15/12/2021 09:00 AM
Do ảnh hưởng bởi tư tưởng "cần kiệm" của Nho giáo nên người Trung Quốc xưa có thói quen tiết kiệm tiền của. Thế nhưng thời cổ đại vẫn chưa có ngân hàng, vậy thì người ta đã dùng phương pháp gì để cất giữ tiền bạc trong gia đình?
Trung Quốc thời xưa đã sử dụng 2 phương pháp vô cùng đơn giản là đào hầm trữ và "chôn chum giấu vại".
Phương pháp đào hầm trữ tiền thường được sử dụng bởi những nhà phú hộ giàu có muốn cất giữ khối tài sản lớn. Họ sẽ cho người đào căn hầm ngay dưới khu vực nhà ở để trực tiếp cất giấu tiền tài bên trong. Đương nhiên, phần lối ra sẽ được giấu kín dưới sàn nhà hoặc ngụy trang thành bức tường được che chắn phía sau tủ gỗ, tranh ảnh,…
Các nhà khảo cổ thời nay thường phát hiện ra những căn hầm nằm sâu dưới lòng đất có chứa văn vật. Đây chính là một trong những loại hầm trữ tiền của người Trung Quốc xưa.
Năm 1970, một hầm chứa kho báu nổi tiếng được phát hiện ở khu vực Hà Gia Thôn thuộc Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc). Trong đó, vật đáng chú ý nhất đã được các nhà khảo cổ tìm thấy là hai chiếc bình dạng "bụng to miệng nhỏ" và một cái chum cực lớn, đựng các loại trang sức vàng bạc, ngọc thạch, tiền vàng, thẻ bạc,… cùng hàng nghìn những món đồ quý báu khác.
Phương pháp "chôn chum giấu vại" thường được sử dụng phổ biến nhất trong những hộ gia đình trung lưu và hạ lưu. Vì tài sản của họ không nhiều nên chỉ cần đem bỏ trong những chiếc hộp, chiếc chum, cái bình,… rồi chôn xuống đất hoặc giấu vào một nơi kín đáo là được.
Người xưa không có két sắt an toàn như thời nay nên họ phải tìm đủ mọi cách để kẻ trộm không tìm được nơi cất giấu tiền tài.
"Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất". Đó là nguyên nhân vì sao người xưa không chọn giấu tiền ở góc tường, gốc cây,… mà lại chọn những nơi bẩn thỉu nhất như chuồng phân, nhà vệ sinh,…
Chưa hết, để phòng ngừa trường hợp xấu nhất là khi kẻ trộm phát hiện ra nơi cất giấu tiền bạc, người xưa còn chia tiền chôn theo từng tầng để đánh lừa tâm lý.
Theo đó, người xưa đào cái hố thật sâu, đồng thời chia tiền bỏ vào nhiều chum nhiều vại khác rồi đem đi chôn thành từng tầng, mỗi tầng chỉ được chôn tối đa 1-2 chum vại. Cách này sẽ khiến cho tên trộm chỉ có thể lấy đi những chiếc chum tiền ở tầng đầu tiên, mà không mảy may biết đến những tầng vàng bạc bên dưới.
Bên cạnh đó, phần thành của hố chôn được trét một lớp đất đá, bao gồm hỗn hợp nhão của gạo nếp trộn chung với tro và những loại đá vụn, gạch vụn,… Lớp đất đá này khi khô sẽ kiên cố như xi măng, gây khó dễ cho những tên trộm khi chúng có ý định đào bới.
Phương pháp chôn tiền thành nhiều tầng này còn được hình thành bởi một thói quen khác. Người xưa thường chôn những đồng tiền tiết kiệm được sau một năm làm việc, và cứ thế mỗi một năm là một tầng khác nhau.
Một vài tư liệu về giao dịch mua bán nhà đất của người xưa có thể hiện những ghi chép về trường hợp tìm thấy hầm trữ tiền, chiếc chum vại đựng vàng bạc châu báu trong khu vực nhà ở.
Phương pháp đào hầm, đào hố trữ tiền ngoài tác dụng chống trộm thì còn có thể phòng ngừa tài sản bị thiêu cháy trong những trận hỏa hoạn bất ngờ và cũng coi như là phần của cải để lại cho thế hệ sau.
(Nguồn: Sohu)