Pháp Luật & Bạn Đọc | 11/07/2021 12:59 PM
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 5 tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan, phổi, dạ dày và ung thư vú. Ca sĩ Trần Lập, ca sĩ Vương Bảo Tuấn và nghệ sĩ hài Anh Vũ đều đã từng phải chống chọi với căn bệnh quái ác này trước khi qua đời.
Năm ngoái, chúng ta cũng phải chứng kiến sự ra đi của diễn viên "Báo đen" Chadwick Boseman khi anh mới 43 tuổi. Boseman được cho là đã mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn III từ năm 2016. Nó cho thấy một thực tế bí ẩn mà các nhà dịch tễ học ung thư đang phải đối mặt: Họ không biết tại sao ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc ung thư đại trực tràng?
Chadwick Boseman mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn III từ năm 39 tuổi.
Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở những người trưởng thành dưới 55 tuổi đã tăng 2% mỗi năm kể từ giữa thập niên 1990. Điều này có nghĩa là một người sinh ra thuộc thế hệ 9x sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao gấp đôi, và trực tràng cao gấp bốn lần thế hệ ông bà họ, những người sinh năm 1950 trở lại.
Trong khi nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh chế độ ăn kém lành mạnh (tiêu thụ nhiều thịt đỏ, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến có đường…) có thể gây viêm nhiễm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology bây giờ đã chỉ ra đích danh một thủ phạm nổi tiếng: nước ngọt có đường.
Theo các nhà nghiên cứu, những người uống nhiều hơn 16 ounce (tương đương 473 ml) nước ngọt mỗi tuần có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người uống dưới 8 ounce (236 ml). Cứ một khẩu phần nước ngọt 8 ounce tăng lên, bạn sẽ đặt mình vào nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 16%.
Với những người uống nước ngọt mỗi ngày, con số đó là 32%. Nếu thay nước ngọt bằng cà phê không đường hoặc sữa tách béo, nguy cơ ung thư đại trực tràng của bạn sẽ giảm từ 17-36%.
Trong khi doanh số bán đồ uống có đường đang giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ calo tiêu thụ từ đồ uống có đường đã tăng đáng kể trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến 2001.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đồ uống có đường chỉ chiếm 5,1% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày của những người trẻ từ 19 đến 39 tuổi. Nhưng đến đầu thế kỷ 21, con số đã tăng lên 12,3%.
Số liệu thống kê cũng cho thấy trẻ em từ 18 tuổi trở xuống đang uống nhiều nước ngọt hơn. Khẩu phần calo của họ đã tăng từ 4,8% lên mức 10,3%. Đến năm 2014, những con số này đã giảm xuống, nhưng 7% lượng calo mà người Mỹ tiêu thụ ngày nay vẫn là từ đồ uống có đường.
Để kiểm tra những con số này có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ngày càng tăng lên ở người trẻ hay không, các nhà khoa học tại Trường Y Đại học Washington đã làm một nghiên cứu.
Họ thu thập dữ liệu của 41.272 y tá từng tự báo cáo thói quen uống nước ngọt của họ trong độ tuổi từ 13 đến 18. Cùng với đó là 94.464 nữ y tá khác đã đăng ký tham gia một nghiên cứu sức khỏe tiềm năng dài hạn từ năm 1991 đến năm 2015, khi họ trong độ tuổi từ 25 đến 42 tuổi.
Nước ngọt có đường trong khảo sát này được tính là soda, nước ngọt có gas, đồ uống thể thao và các loại trà có đường. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận mức tiêu thụ nước ép trái cây - táo, cam, bưởi, mận khô và những loại hoa quả khác.
Trong 24 năm theo dõi trung bình, họ phát hiện ra 109 trường hợp ung thư đại trực tràng trong số các y tá. So với những y tá uống trung bình ít hơn 8 ounce (236 ml) đồ uống có đường mỗi tuần, những người uống gấp đôi hoặc nhiều hơn đã có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn gấp đôi.
Mỗi khẩu phần nước ngọt có đường làm tăng nguy cơ lên 16%. Thanh thiếu niên uống nước ngọt mỗi ngày làm tăng rủi ro mắc ung thư đại trực tràng của họ thêm 32%.
Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa việc uống nước trái cây hoặc đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo với bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm. Nếu thay nước ngọt bằng cà phê không đường hoặc sữa tách béo, nguy cơ ung thư đại trực tràng của bạn sẽ giảm từ 17-36%.
Nour Makarem, phó lý giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Columbia Mailman, cho biết: "Đây là bằng chứng mạnh mẽ, và là bằng chứng mới cho thấy uống nhiều nước ngọt hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn".
Tác giả chính của nghiên cứu, Yin Cao, phó giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y khoa Washington ở St. Louis cho biết thông thường mọi người sẽ nghĩ nước ngọt làm tăng cân và tăng cân là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Nhưng trong nghiên cứu này, Yin Cao và các đồng nghiệp đã kiểm soát tất cả các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, bao gồm chủng tộc, chỉ số B.M.I. thế hiện tình trạng thừa cân, béo phì, sử dụng hormone mãn kinh, hút thuốc, uống rượu và hoạt động thể chất.
Nó cho thấy bản thân nước ngọt có đường đã làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng theo một cơ chế không liên quan đến cân nặng.
Nước ngọt thường chứa đường xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS)
"Một giả thuyết cho rằng việc tăng cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, nhưng chúng tôi đã loại bỏ yếu tố béo phì trong nghiên cứu của mình", Yin Cao nói.
Bà nghi ngờ một thủ phạm, đó là đường xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS), một loại đường thường được nhà sản xuất thêm vào sản phẩm nước ngọt của mình vì nó có giá rẻ, độ ngọt cao và ở dạng lỏng.
"Trong các nghiên cứu trên chuột, đường xi-rô ngô hàm lượng cao fructose đã được chứng minh góp phần vào làm tăng nguy cơ ung thư mà không phụ thuộc vào bệnh béo phì", Yin Cao giải thích.
Bà cũng nhấn mạnh nghiên cứu mới của mình là lần đầu tiên mối quan hệ giữa nước ngọt có đường và ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm được phát hiện. "Các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng nên biết về yếu tố nguy cơ này bởi nó dễ bị bỏ qua ở những người trẻ", Yin Cao nói.
"Nghiên cứu của tôi cũng là một dịp để các nhà hoạch định chính sách xem xét lại thực trạng nước ngọt đang được quảng cáo tràn lan trên thị trường, và mỗi người cũng nên nhìn lại chế độ ăn của mình để giảm tiêu thụ chúng".
Tham khảo Nytimes