Nếu không có iPhone, kính cường lực Gorilla Glass đã chẳng có mặt trên đời

DS  - Theo Helino | 18/06/2019 11:34 AM

CEO Apple khi ấy bực bội triệu tập nhóm lãnh đạo cấp cao và rút chiếc iPhone mà ông đã dùng thử vài tuần ra khỏi túi, chỉ vào những vết xước ngang dọc trên màn hình phủ nhựa.

"Mọi người vẫn để điện thoại trong túi, cùng chìa khóa và nhiều thứ khác, gây xước màn hình", ông nói và muốn một thứ gì đó phải chắc chắn hơn nhựa - chất liệu được coi là tiêu chuẩn trên điện thoại trong nhiều năm, như là kính.

Sau một tuần liên lạc, Steve Jobs cũng mời Wendell Weeks, CEO của Corning, tới trụ sở để nghe về một loại kính mà họ đã phát triển từ những năm 1960, mang tên Gorilla Glass. Nó cứng một cách khó tin, nhưng hãng không tìm được thị trường phù hợp nên đã dừng dự án từ lâu.

Nếu không có iPhone, kính cường lực Gorilla Glass đã chẳng có mặt trên đời - Ảnh 1.

ính cường lực Gorilla Glass là tiêu chuẩn của smartphone hiện đại.


Jobs cảm thấy không tin, nên ông bắt đầu giải thích cho vị CEO kia về việc kính được tạo ra như thế nào. Khi Jobs đang mải mê viết trên tấm bảng trắng, vị CEO bực mình đứng dậy: "Ông có thể ngừng nói vài giây và để tôi giảng cho nghe vài điều về khoa học?"

Jobs sửng sốt. Chưa ai từng nói với ông như thế. Ông quay về ghế ngồi, và CEO của Corning thế chỗ cạnh tấm bảng trắng, nói một hơi về đặc tính của thủy tinh. Khi ông vừa dừng lại, điều đầu tiên Jobs nói là: "Tôi muốn mua tất cả các tấm kính Gorilla Glass mà các ông có thể sản xuất trong 6 tháng tới".

"Chúng tôi không thể. Không nhà máy nào của chúng tôi đang sản xuất loại kính này", Wendell Weeks nói.

Jobs chẳng thất vọng hay tức giận, ông trả lời: "Đừng ngại. Hãy nghĩ về việc đó, ông sẽ làm được".

Câu chuyện trên được nhà văn Walter Isaacson kể lại trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs. Và phần còn lại của câu chuyện đã đi vào lịch sử ngành di động: kính cường lực Gorilla Glass được sản xuất trong chưa đầy 6 tháng tại nhà máy ở Kentucky (Mỹ) và có mặt trên iPhone - chiếc điện thoại đã mang lại hàng tỷ USD cho Apple.

Theo GSMArena, sau iPhone, T-Mobile G1 là điện thoại Android đầu tiên dùng Gorilla Glass năm 2008. Tiếp đó, Nokia, LG, Samsung... cũng lần lượt ký hợp đồng với Corning, thay thế chất liệu nhựa vốn phổ biến trên điện thoại nhiều năm.

Nếu không có iPhone, kính cường lực Gorilla Glass đã chẳng có mặt trên đời - Ảnh 2.

Tỷ lệ điện thoại dùng Gorilla Glass.

Người dùng smartphone mới nghe nói tới Corning khoảng hơn chục năm nay, nhưng công ty này đã được thành lập từ năm 1851, sản xuất gương cho kính viễn vọng Hubble, cửa sổ tàu con thoi, thậm chí từng sản xuất kính cho bóng đèn Thomas Edison. Tuy nhiên, năm 2007, họ đang gặp khó khăn khi thua lỗ trong 5 năm liên tiếp. Nhờ Steve Jobs, Corning đã trở lại thời kỳ thịnh vượng

Trước nhu cầu cho ra đời những mẫu smartphone mỏng hơn, kính Gorilla Glass thế hệ hai trình làng năm 2012, mỏng hơn 20% nhưng cứng hơn so với thế hệ đầu. Sau đó, Gorilla Glass gần như được cập nhật hàng năm và các smartphone hiện nay dùng bản Gorilla Glass 6.

Apple từng có giai đoạn "chia tay" Corning khi muốn dùng sapphire trên iPhone 6, nhưng công ty sản xuất chất liệu này cho Apple sớm phá sản nên hai bên hợp tác trở lại.

Hiện nay, bên cạnh Corning với Gorilla Glass, nhiều công ty khác cũng sản xuất kính cường lực, như điện thoại Pixel 3a của Google hay Xperia Z của Sony sử dụng kính Dragontrail Glass của Asahi. Tuy nhiên, Gorilla Glass vẫn chiếm hơn nửa thị trường và được coi là tiêu chuẩn trên smartphone. Corning cũng đang phát triển kính Gorilla Glass kiểu mới cho màn hình gập, thiết bị đeo...