Nếu không có 4 nhân vật này, Thục Hán đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vũ đài lịch sử sau khi Gia Cát Lượng qua đời

Trần Quỳnh  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/05/2020 10:30 AM

Trên thực tế, Thục Hán có thể trụ tới gần 3 thập kỷ sau khi Gia Cát Lượng qua đời phần lớn đều dựa vào công lao của 4 vị đại thần trụ cột dưới đây.

Năm 234, Gia Cát Lượng qua đời ở gò Ngũ Trượng trong chiến dịch Bắc phạt cuối cùng của cuộc đời mình.

Cũng kể từ đây, con thuyền của triều đình Thục Hán đã chính thức mất đi một trụ cột lèo lái tưởng chừng như không ai có thể thay thế.

Tuy nhiên điều khiến nhiều người ngạc nhiên lại nằm ở chỗ, tập đoàn chính trị ấy vẫn có thể trụ được trên vũ đài lịch sử tới 29 năm kể từ sau khi Khổng Minh qua đời.

Bàn về lý do Thục Hán có thể tồn tại được tới gần 3 thập kỷ ngay cả khi không còn Gia Cát Lượng chống đỡ, có ý kiến cho rằng rất có thể là nhờ cái tài "đại trí giả ngu" của vị Hoàng đế thứ hai là Lưu Thiện.

Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), nguyên nhân khiến Thục Hán có thể kéo dài chút hơi tàn tới gần 30 năm trong thời buổi loạn lạc khi ấy thực chất là nhờ vào 4 nhân vật trụ cột dưới đây.

Tưởng Uyển - Người ổn định nội bộ Thục Hán sau khi Khổng Minh qua đời

Nếu không có 4 nhân vật này, Thục Hán đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vũ đài lịch sử sau khi Gia Cát Lượng qua đời - Ảnh 1.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Tưởng Uyển (? – 246), tự Công Diễm, là quan đại thần của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc.

Năm xưa sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông trở thành người kế nhiệm cho vị trí phụ chính đại thần bên cạnh Hoàng đế Lưu Thiện.

Sinh thời, Tưởng Uyển được đánh giá là một vị đại thần rất có năng lực. Ông đã duy trì các chính sách đối nội của Gia Cát Lượng hết sức ổn thỏa, giúp triều đình tiếp tục duy trì sự ổn định ngay cả khi vị Thừa tướng trụ cột là Khổng Minh đã qua đời.

Tương truyền rằng khi Gia Cát Lượng vừa mới qua đời, triều đình Thục Hán ngập trong bầu không khí bi thương và lo sợ. Bấy giờ, duy chỉ có Tưởng Uyển là vẫn hành xử như ngày thường, không biểu lộ chút cảm xúc tiêu cực hay bất thường nào.

Chính thái độ này của ông đã giúp cho triều đình ngày đêm chìm trong không khí ngột ngạt đã dần dần bình thường và ổn định trở lại.

Bàn về nhân cách của Tưởng Uyển, các sử gia cũng đánh giá ông là người khoan dung với các mối bất hòa và luôn tỏ ra khiêm nhường.

Với tài năng và phẩm chất của mình, Tưởng Uyển đã không phụ sự ủy thác và tín nhiệm của Khổng Minh năm nào.

Công lao lớn nhất của ông chính là duy trì sự ổn định và cân bằng của nội bộ triều đình trong thời điểm nhạy cảm và suy yếu nhất, từ đó giúp cho Thục Hán củng cố quốc lực và tạo thành cơ sở để Khương Duy tiến hành Bắc phạt sau này.

Phí Y - Đại thần giúp Thục quốc có cơ hội nghỉ ngơi dưỡng sức

Nếu không có 4 nhân vật này, Thục Hán đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vũ đài lịch sử sau khi Gia Cát Lượng qua đời - Ảnh 2.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Phí Y (? – 253), tự Văn Sĩ, là một quan lại cấp cao của triều đình Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc.

Ngay từ khi còn làm quan dưới thời Gia Cát Lượng tại thế, ông đã được biết tới là một người có cách hành xử dễ chịu và luôn cố gắng để giữ hòa khí trong triều đình.

Sau khi Tưởng Uyển qua đời, ông tiếp tục trở thành người kế nhiệm giữ vai trò nhiếp chính bên cạnh Hoàng đế Lưu Thiện.

Có ý kiến cho rằng, Phí Y không phải là người không thích gây hấn về mặt quân sự như Tưởng Uyển.

Tuy nhiên hiểu rõ tình hình quốc gia khi ấy, ông cũng không cho phép tiến hành các đối đầu quân sự ở quy mô lớn như khi Gia Cát Lượng còn tại thế.

Ông một mặt sau Khương Duy tổ chức các cuộc đột kích mang tính chu kỳ nhằm quấy rối biên giới với Tào Ngụy, nhưng mặt khác cũng chưa bao giờ để vị tướng này thực hiện những trận tấn công lớn.

Dưới thời vị quan họ Phí này làm nhiếp chính, Thục Hán về cơ bản vẫn tiếp tục thực hiện chiến lượng nghỉ ngơi lấy sức. Đây cũng là yếu tố trọng yếu giúp đất nước này dần khôi phục lại nguyên khí sau hàng loạt biến cố đã xảy ra trước đó.

Đổng Doãn - Đại thần can gián khiến Hoàng đế phải nể, nịnh thần phải sợ

Nếu không có 4 nhân vật này, Thục Hán đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vũ đài lịch sử sau khi Gia Cát Lượng qua đời - Ảnh 3.

Tranh minh họa chân dung Đổng Doãn (thứ hai từ phải sang). (Nguồn Internet).

Đổng Doãn (? – 246), tự Hưu Chiêu, là đại thần nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc. Năm 223 sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện kế vị, ông được phong làm Hoàng Môn thị lang.

Sinh thời, Đổng Doãn được biết tới là một vị quan  luôn chuyên tâm làm việc, hết lòng can gián nhà vua và dốc lòng nêu cao đạo lý.

Điểm đáng nhắc tới hơn cả nằm ở chỗ, Đổng Doãn lúc sinh thời không chỉ đóng vai trò phụ chính các công việc chính vụ mà còn góp phần không nhỏ vào việc áp chế những hành vi bất lương của Hoàng đế Lưu Thiện như trọng dụng hoạn quan, nạp nhiều thê thiếp…

Cũng bởi vậy mà khi vị quan này còn đương chức, Lưu Thiện vẫn hành xử rất mực khuôn phép, đám quan lại nịnh thần trong triều cũng bị áp chế hết sức gắt gao.

Trong suốt hơn 20 năm phục vụ cho tập đoàn chính trị Thục Hán, Đổng Doãn dù chưa từng giữ ngôi vị Thừa tướng nhưng vẫn luôn được xem là người điều hành triều chính có uy tín đương thời.

Cùng với các tên tuổi khác là Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển và Phí Y, Đổng Doãn cũng được người đất Thục xếp vào hàng "Tứ Anh đệ nhất hào kiệt" thời bấy giờ.

Khương Duy - Vị tướng tài hiếm hoi còn lại của Thục Hán trong giai đoạn hậu kỳ

Nếu không có 4 nhân vật này, Thục Hán đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vũ đài lịch sử sau khi Gia Cát Lượng qua đời - Ảnh 4.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Khương Duy (202 – 264), là một đại tướng Thục Hán thời Tam Quốc. Năm xưa, ông từng có thời gian phục vụ Tào Ngụy trước khi về dưới trướng Gia Cát Lượng.

Khi trở thành một truyền nhân của Khổng Minh, Khương Duy đã nhận được sự coi trọng và thăng tiến một cách nhanh chóng.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông tiếp tục được trọng dụng và trở thành phụ tá đắc lực của Thừa tướng Phí Y.

Cho tới năm 253 sau khi Phí Y qua đời, Khương Duy tuy kế nhiệm chức vụ này nhưng chỉ tập trung vào quyền lực trên phương diện quân sự.

Với tư cách được xem là một trong những người kế nghiệp của Khổng Minh, vị tướng họ Khương này được xem là một trong những trụ cột quân sự hiếm hoi của Thục Hán, nhất là ở vào thời điểm các lão tướng năm xưa của tập đoàn chính trị này đều đã qua đời.

Ông cũng tiếp tục lý tưởng của Khổng Minh với nhiều lần tiến hành Bắc phạt. Thế nhưng chỉ tiếc rằng lịch sử đã không còn ủng hộ Thục Hán.

Những chiến dịch Bắc phạt của Khương Duy chẳng những không đem lại kết quả như mong đợi mà còn khiến tập đoàn chính trị này càng thêm tổn thương nội lực. Kết quả là tới năm 263, Thục Hán đã chính thức diệt vong dưới tay Tào Ngụy.

Dù vậy, Khương Duy vẫn được đánh giá là một trong những trọng thần và là trụ cột của triều đình Thục Hán trong giai đoạn hậu kỳ.

Xuất thân là tướng nước Ngụy, thế nhưng ông gần như đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ nước Thục.

Với tài năng văn võ song toàn, có chí lập công danh, cả đời lại sống cần kiệm, cúc cung tận tụy, Khương Duy còn được người đời sau đánh giá là phảng phất có phong thái giống như Gia Cát Khổng Minh năm nào.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).