Tổ Quốc | 20/06/2023 12:45 PM
Đó là làm việc từ xa. Theo các chuyên gia tại công ty Furniture At Work dự đoán, việc sử dụng thiết bị điện tử trong một thời gian dài có thể làm biến đổi hình dáng của những người làm việc từ xa trong tương lai.
Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo duy trì tiến độ công việc. Tuy nhiên, nếu làm việc từ xa trong nhiều năm, hình dáng của con người sẽ biến đổi.
Công ty Furniture At Work mới đây đưa ra dự đoán về hình dáng của các nhân viên làm việc từ xa vào năm 2100. Mô hình được các chuyên gia tại công ty này xây dựng tên là Anna. Người mẫu Anna có phần lưng gù, đôi mắt thâm quầng, bàn tay giống như móng vuốt do phải làm việc tại nhà. Cơ thể của Anna có nhiều thay đổi do sử dụng các thiết bị công nghệ liên tục, tiếp xúc với màn hình và có tư thế không chuẩn, đồng thời tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn.
Làm việc từ xa trong một thời gian dài khiến cơ thể con người biến đổi. Trong ảnh là hình dạng mô phỏng con người vào năm 2.100. Ảnh: Furniture At Work
Nhóm các chuyên gia đã tạo ra Anna sau khi nghiên cứu từ ĐH Leeds (Anh) phát hiện ra rằng, 1/3 số nhân viên là việc tại nhà ở Anh không có không gian làm việc phù hợp.
Để hình dung ra những ảnh hưởng của việc này, Furniture At Work đã sử dụng nghiên cứu khoa học và làm việc với những chuyên gia về chăm sóc sức khỏe nhằm dự đoán được hình dáng của nhân viên thường xuyên làm việc từ xa trong tương lai.
Theo các chuyên gia, thói quen làm việc ở trên giường đã ảnh hưởng nhiều đến Anna, gây ra gù lưng và phần vai bị nhô cao. Trong khi đó, việc nhìn chằm chằm vào màn hình laptop cả ngày khiến đôi mắt của cô bị sưng đỏ. Chưa hết, nhiều giờ sử dụng chuột máy tính khiến ngón tay của Anna cong lại thành hình móng vuốt.
Ngoài ra, Anna cũng bị thừa cân, có hệ thống miễn dịch kém do ít tiếp xúc với không khí trong lành, lo lắng và bị trầm cảm.
Không chỉ có nguy cơ bị gù lưng, con người cũng dễ bị thừa cân do làm việc tại nhà trong một thời gian dài. Ảnh: Furniture At Work
Dựa trên những phát hiện này thông qua hình dáng của Anna, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng những nhân viên làm việc ở nhà cần phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe.
Ông Brian Clark, nhà sáng lập của tổ chức United Medical Education, cho biết: "Những người làm việc từ xa nên nghỉ giải lao thường xuyên để giãn cơ và vận động cơ thể nhằm tránh bị đau lưng và cổ".
Đặc biệt, theo bà Sarah Gibson, giám đốc của tổ chưc Proactive Healthcare, những người làm việc ở nhà nên tuân thủ nguyên tắc 20 – 20 – 20 để bảo vệ mắt nếu phải nhìn màn hình máy tính liên tục trong một thời gian dài. Cụ thể, bạn hãy nghỉ 20 giây sau 20 phút nhìn màn hình máy tính và tập trung nhìn vào thứ gì đó ở khoảng cách 20 feet (khoảng 6m).
Ông Clark nhấn mạnh rằng, nếu bạn thường xuyên phải làm việc tại nhà thì nên thiết lập một không gian là việc riêng với các đồ nội thất tiện dụng.
Mô hình Mindy mô phỏng hình dáng của con người trong năm 3000 do sự ảnh hưởng của công nghệ. Ảnh: Toll Free Forwarding
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra cảnh báo về sự thay đổi hình dáng của con người do lạm dụng các đồ công nghệ.
Trước đó, vào tháng 11/2022, các chuyên gia đã tạo ra một mô hình kỳ lạ có tên là Mindy. Đây là mô hình mô phỏng lại hình dáng của con người vào năm 3000 khi bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.
Mindy vào năm 3000 sẽ có lưng gù, bàn tay bị biến dạng và thậm chí còn có thêm một mí mắt để ngăn tiếp xúc ánh sáng xanh quá mức.
Mô hình Mindy được các chuyên gia tại công ty công nghệ Mỹ Toll Free Forwarding tạo ra dựa trên phân tích của một số nhà khoa học về phương thức tiến hóa cơ thể người theo lối sống hiện đại. Đây có thể là một cách để giúp chúng ta hình dung được về cách công nghệ ảnh hưởng tới cơ thể người như thế nào.
Đặc biệt, tác động của những thiết bị điện tử cũng làm phát sinh ra tình trạng mới ở con người, gọi là cổ công nghệ. Bởi khi con người nhìn xuống điện thoại quá lâu và liên tục trong thời gian dài, các cơ ở phần gáy sẽ co lại để giữ đầu ngẩng lên. Cuối cùng, do các cơ này có thể quá đau nhức và mệt mỏi nên không thể ổn định trở lại.
Bài viết tham khảo nguồn: Dailymail, Independent