- Theo Trí Thức Trẻ | 23/09/2016 04:40 PM
Thời mà độ phân giải FullHD có thể làm hài lòng tất cả mọi người sẽ sớm qua, và việc giải trí trên những màn hình chất lượng hơn trở thành xu thế tất yếu.
Tương lai gần, đó sẽ là 4K (2160p). Trong khi đó, "bản lề" giữa màn hình 4K và màn hình FullHD chính là độ phân giải với chiều dọc 1440p, màn hình 2K lại không được nhiều người dùng cũng như các hãng sản xuất phần cứng quá quan tâm. Có lẽ, một bước nhảy lớn là lựa chọn hợp lý.
Xem phim ở độ phân giải 4K đã xuất hiện từ lâu và đang dần trở nên phỏ biến, điều này là nhờ vào việc màn hình TV độ phân giải cao ngày càng phổ biến, cũng như các thiết bị trình chiếu được nâng cấp liên tục. Nhưng trái lại, chơi game hay giải trí cao cấp ở độ phân giải cao không phải là điều mà tất cả mọi người đều có thể chạm tay vào được, ít nhất là tới thời điểm hiện tại.
Vậy muốn trải nghiệm chơi game ở độ phân giải cực cao, 3840x2160 hoặc 4096x2160, bạn sẽ phải chuẩn bị những gì?
1. Tiền
Vẫn là vấn đề "đầu tiên", trong khi tấm nền cỡ lớn cho TV 4K đã không còn quá đắt đỏ, thì các màn hình máy tính 4K, với nhiều yêu cầu hơn, vẫn có giá thành rất cao.
Chưa hết, nếu bạn muốn chơi game với màn hình độ phân giải cao, hệ thống máy tính cũng là thứ ngốn rất nhiều tiền bạc. Ước tính một dàn PC, bao gồm cả màn hình được dựng phục vụ mục đích chơi game 4K có thể tiêu tốn trên dưới 60 triệu đồng.
Vì bạn đang hướng tới một trải nghiệm cực cao cấp, nên hãy đảm bảo ví tiền của bạn cũng vậy.
2. Những lựa chọn
Đảm bảo lựa chọn phần cứng của bạn là đúng.
Màn hình
Màn hình 4K vượt trọi hơn hẳn so với các màn hình 1080p hay 1440p thông thường, bởi vậy giá bán giữa chúng chênh nhau rất nhiều. Các mẫu màn hình độ phân giải FullHD hiện nay chỉ có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Nếu muốn sở hữu một màn hình Ultra HD, số tiền bạn chi ra phải lớn gấp 3 lần, từ 13- 20 triệu đồng. Các dòng màn hình cao cấp hơn có thể có giá lên tới 35- 40 triệu đồng.
Hiện có rất nhiều màn hình 4K với giá thành hợp lý.
Vẫn có những mẫu sản phẩm giá rẻ hơn, đó có thể là một màn hình 4K cỡ nhỏ hay tấm nền đời cũ, và chắc chắn khả năng hiển thị màu sắc của chúng sẽ không hề ổn một chút nào. Điều đó đồng nghĩa với việc, số tiền bạn chi ra nhiều hơn sẽ mua được những tính năng cao cấp, thứ không hề xuất hiện trên những sản phẩm giá rẻ.
Những lưu ý:
- Kích thước màn hình: Với màn hình 4K bạn nên chọn các sản phẩm có kích thước 27-inch trở lên. Màn quá nhỏ sẽ không thực sự mang lại được hiệu quả của độ phân giả
- Tấm nền: Chắc chắn đó phải là IPS nhé!
- Công nghệ khác: Hãy chọn các sản phẩm với công nghệ theo kèm như Bluelight Filter hay tính năng chống lóa để đảm bảo mắt bạn không bị tổn thương khi làm việc trong thời gian dài trước màn hình máy tính.
Card đồ họa
Thực tế chọn mua card đồ họa chơi game 4K không khó, vì hiện nay cũng không có nhiều VGA thực sự đáp ứng đủ sức mạnh cho việc chơi game ở độ phân giải UltraHD.
Điển hình nhất có lẽ là NVIDIA GTX 1080 , một chiếc card đủ mạnh mẽ và nhà sản xuất không quên "khoe" là VGA của họ "4K Ready" và "VR Ready".
Nhưng không tính GTX 1080, bạn còn lựa chọn nào? GTX 1070, đại diện thấp cấp hơn có sức mạnh rất ổn, đủ sức gánh Full HD nhưng lại chưa tới tầm để đáp ứng cho việc chơi game 4K.
Nói như vậy đồng nghĩa với việc muốn chơi game 4K, bạn buộc phải chọn mua GTX 1080 hoặc card đồ họa cao cấp hơn như là GTX Titan Z Pascal chẳng hạn.
Thật đáng tiếc khi ở thời điểm hiện tại, các VGA thông thường của AMD vẫn chưa có đại diện nào thực sự mạnh để bạn lựa chọn. Đó có thể là Fury X, nhưng chưa đủ độ thuyết phục so với GTX 1080 bên phía đội xanh.
Ít nhất phải sang tới đầu năm 2017, khi GPU Vega cùng các VGA mới (có thể là RX490) ra mắt, bạn mới có thêm một lựa chọn để trải nghiệm game khủng ở độ phân giải UltraHD.
Tất nhiên bạn vẫn có thể xét đến trường hợp chạy nhiều card cùng lúc để tăng hiệu năng. Nhưng hiệu quả nhất vẫn luôn là chọn mua một chiếc card đủ mạnh.
Các thành phần khác
RAM và CPU cũng phần nào ảnh hưởng tới việc chơi game, nhưng thực sự là không nhiều. Trong trường hợp này, có lẽ một CPU đủ mạnh sẽ giúp bạn tránh được trường hợp nghẽn cổ chai và hỗ trợ stream game lên các trang mạng, hay lượng RAM lớn cho phép bạn chạy các ứng dụng chạy nền khác.
Các vi xử lý cao cấp của Intel giúp bạn giải trí và làm việc trên màn hình độ phân giải cực cao.
Dưới đây là một cấu hình tham khảo để người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc chọn lựa phần cứng hỗ trợ chơi game ở độ phân giải 4K.
Màn hình: ASUS PB279Q IPS 3840x2160
CPU: Intel Core Skylake i5-6600K hoặc i7-6700
Mainboard: Các sản phẩm sử dụng chipset B150 hoặc Z170 của Intel
Card đồ họa: NVIDIA Geforce GTX 1080 hoặc AMD FURY X
RAM: DDR4 32GB tương ứng
Lưu trữ: SSD mang tới tốc độ cao, đảm bảo khả năng xuất dữ liệu khi chơi game
Nguồn: Đáp ứng đủ điện năng tiêu thụ cho các thành phần trên, khoảng 600W chuẩn 80 Plus.
Kèm theo là các thành phần khác như vỏ case hay hệ thống tản nhiệt.
KHÔNG CẦN TỚI MÁY TÍNH
Thực tế, trên đây là lựa chọn về việc chơi game PC ở độ phân giải 4K, nhưng bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó để tìm tới một phương án tiết kiệm hơn.
Nếu như một bộ máy tính như trên sẽ gây tốn kém lên tới 2000 USD thì hoàn toàn có một sự lựa chọn bớt tốn kém hơn nhiều. Hãy tìm tới các dòng máy console hay PS4.
PS4 Pro và Xbox Scorpion.
Trong khoảng 1 tháng trở lại đấy, cả Microsoft và Sony đều đã giới thiệu loạt thiết bị chơi game mới của họ với cấu hình được nâng cấp, hướng tới việc chơi game 4K và thực tế ảo trong tương lai gần. Đó chính là Xbox Scorpion và Play Station 4 Pro, dự kiến cả 2 sẽ được bán ra trong dịp nghỉ lễ cuối năm nay.
Bộ đôi sản phẩm này đều có giá trong khoảng 400 USD, tức là rẻ hơn rất nhiều so với các thành phần máy tính mà bạn phải chi một số tiền lớn mới có thể chơi game 4K.
Lý do cho việc này là các tựa game được sản xuất riêng cho những hệ máy console trên đều đã tối ưu và thiết lập sẵn mức đồ họa phù hợp với cấu hình máy. Bạn có thể thoải mái lựa chọn độ phân giải phù hợp với màn hình của mình mà không cần lo lắng tới vấn đề giật lag xảy ra.
Tuy nhiên, hầu hết game thủ hiện nay vẫn gắn bó với PC nhiều hơn so với những hệ máy console này, bởi tính tương tác trên máy tính vẫn tốt hơn nhiều.
Theo GenK