Nếu có 5 dấu hiệu này, bạn đã trở thành một người 'nghiện game'

Hoàng Hôn  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/06/2016 08:46 PM

Nếu như cảm thấy mình đang có những dấu hiệu này thì bạn hay nhanh chóng nói chuyện với một ai đó mà mình tin tưởng để có thể thoát ra khỏi việc trở thành một người 'nghiện game'.

Chơi game là một hình thức giải trí rất tốt cho những ai muốn tìm đến để giảm stress những giờ làm việc mệt mỏi hay cho những người muốn quên đi những muộn phiền của cuộc sống hàng ngày mình thường phải trải qua. Đặc biệt hơn với việc smartphone và các thiết bị di động khác ngày càng phát triển, giờ đây game thủ có thể chơi game mobile ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào hay bất kể đang làm gì. Thế nhưng, nếu bạn không biết kiểm soát thời gian dành cho game thì nhiều khi vô hình chung chính bạn đã trở thành một "con nghiện" game mobile chính hiệu từ lúc nào mà mình không hay.

Những đối tượng nghiện game đến từ nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm, ở nhà, hoặc có thể đến từ cả những vị sếp khó tính hàng ngày mà bạn tiếp xúc nữa. Tất cả mọi người đều có thể nghiện game và chính bạn cũng vậy. Sau đây 5 dấu hiếu báo động cho thấy bạn hoặc người nào đó xung quanh bạn đã nghiện game

Không thể rời tay khỏi các thiết bị chơi game

Những người bình thường họ sẽ chỉ chơi game trong một khoảng thời gian nhất định là sẽ thôi hoặc sẽ nhanh chán. Thế nhưng, những người nghiện game luôn có thể chơi hàng giờ liên tục không nghỉ bên cạnh máy tính hay smartphone của mình. Người nghiện game sẽ không có khái niệm hay định hình được thời gian hay không gian khi chơi game.

Luôn nghĩ và nói chuyện về game

Trong tâm trí người nghiện game luôn xuất hiện những hình ảnh của trò chơi nhảy múa trong đầu kể cả khi đang ngủ hay đang thức để rồi lại ảo tưởng về sức mạnh của mình . Nếu bạn biết một người nào đó mà ngày nào cũng phải vào game ít nhất 4, 5 lần và luôn miệng nhắc tới game mình đang chơi thì đấy thực sự là một game thủ nghiện game chính hiệu rồi đó. Điều này thật sự không đến mức là những biểu hiện của người nghiện game tiêu cực hay quá lố mà chỉ do họ có sự đam mê quá mạnh mẽ về những game mình chơi mà thôi.

Quên hết thế giới xung quanh

Họ không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game nên nhiều dự định chỉ là chơi game trong 15 - 20 phút hay chỉ vào xem một chút thôi rồi đi ra, nhưng họ không thể ngừng lại như dự kiến mà chơi game liên tục trong nhiều giờ. Nhiều game thủ đã chơi thâu đêm khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi do đó bỏ bê những công việc quan trọng hay bỏ dở việc học hành của mình. Họ bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Các trường hợp nghiện game nặng, đôi khi những game thủ bỏ qua cả việc vệ sinh cá nhân và không chịu tắm rửa đến cả tuần.

Cáu giận khi không chơi game

Đối với những người nghiện game thì game là cuộc sống, là chân lý của cuộc đời họ. Thường thì khi không được chơi game, họ sẽ chẳng biết làm gì khác và cảm thấy buồn chán hay để lâu hơn nữa là cáu giận, luôn cảm thấy không thoải mái dẫn đến đập phát. Tuy nhiên khi cầm trên tay chiếc smartphone, chạm vào biểu tượng của tựa game mình đang chơi trên màn hình cảm ứng, trong họ là một cảm giác phấn khích tột độ. Và đương nhiên khi đó, vạn vật xung quanh dường như không tồn tại.

Đầu tư nhiều tiền vào game

Người nghiện game thường có xu hướng sử dụng đồng tiền rất phóng khoáng và thoải mái một cách khá phung phí vào trong tựa game của mình. Họ có thể đổ tiền vào đầu tư một bộ máy tính chơi game hàng khủng với giá vài chục triệu hay một chiếc smartphone có giá tương tự. Họ luôn tìm cách nâng cấp phần mềm, phần cứng, và ngay cả đường truyền internet cũng phải là cáp quang để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình. Ngoài ra khi thấy một món đồ nào đó mà mình muốn, họ sẽ không ngần ngại, tìm đủ mọi cách để được sở hữu thứ đó dù cho có cần phải nạp nhiều tiền đến cỡ nào.

Kết

Nếu như cảm thấy mình đang có những dấu hiệu trên thì bạn hay nhanh chóng nói chuyện với một ai đó mà mình tin tưởng. Có thể là cha mẹ, anh em ruột hoặc một người bạn thân, những người đang quan tâm tới mình. Có thể không ngay lập tức nhưng họ cũng sẽ giúp đỡ và cho bạn những lời khuyên để không quá chìm đắm vào thế giới ảo.