- Theo Nhịp Sống Việt | 10/02/2020 11:03 AM
Thế giới công nghệ xoay chuyển như chong chóng theo từng ngày từng giờ với hàng loạt những điều mới mẻ, chỉ xét riêng với chiếc smartphone cá nhân quen thuộc thôi cũng chưa chắc bạn đã hiểu và khám phá hết những tính năng ẩn sâu bên trong hệ thống. Đặc biệt là công cụ có thể giúp cứu sống con người trong trường hợp hi hữu, dám cá rằng rất hiếm người có cơ hội nghĩ đến hay sử dụng chúng trong cuộc sống đâu nhỉ?
Chẳng hạn như khi đặt ta vào một hoàn cảnh tỉnh dậy bỗng thấy mình bị giam giữ trong một căn phòng lạ, kẹt trong đó như một con mồi chờ "lên thớt" mà điện thoại chỉ còn 1% pin, bạn sẽ làm gì để có thể thoát ra khỏi đó? Rất nhiều viễn cảnh và khả năng có thể xảy ra, nhưng câu trả lời từ Austin Fitz - một anh chàng chuyên ngành IT tại Mỹ - trên mạng xã hội hỏi đáp Quora thực sự đã khiến gần 20.000 người gật gù tán thưởng bởi sự thông minh, quyết đoán nhanh gọn nhẹ.
Theo Austin, nếu đặt ra giả thuyết tự áp dụng cho chính bản thân mình với chiếc iPhone 7 Plus đang dùng lúc bấy giờ, cách tốt nhất là... nhấn 5 lần nhanh, dứt khoát và liền mạch lên nút nguồn iPhone. Việc còn lại chỉ là ngồi chơi xơi nước và chờ/hy vọng một đội cứu hộ tới giải cứu mình.
Thao tác nhấn 5 lần liên tục lên nút nguồn chính là cử chỉ kích hoạt chế độ "Khẩn cấp SOS" mà Apple đặt ra cho mọi người dùng. Sau khi thực hiện chuỗi hành động đó, iPhone sẽ lập tức tự gọi tới số của dịch vụ cứu hộ hoặc cơ quan xử lý có thẩm quyền. Số điện thoại cứu hộ này cần được thiết lập thủ công từ trước, chọn theo địa phương mình sống để có thể đạt hiệu quả liên lạc nhanh nhất. Tùy từng quốc gia mà những lựa chọn này có thể đa dạng khác nhau, một số nước có đường dây cứu hộ chung toàn quốc, một số nước lại bắt buộc chỉ có thể phân ra cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương...
Trong trường hợp tin tưởng cá nhân người khác, bạn hoàn toàn có thể chọn một số điện thoại của người thân/bạn bè làm đại diện cứu hộ để tính năng SOS liên lạc khi có lệnh kích hoạt khẩn cấp. Sau khi cuộc gọi khẩn cấp kết thúc, dù người kia có nhấc máy hay không, iPhone sẽ tiếp tục gợi ý gửi thêm một tin nhắn nữa, thông báo toàn bộ dữ liệu về vị trí hiện tại để có thể truy cập và lần theo. Trong quá trình này, iPhone sẽ bắt buộc tự bật tính năng định vị của máy dù trước đó chủ nhân đã tắt đi. Thậm chí, nếu bạn di chuyển đi khỏi nơi cũ, iPhone có thể tự nhận biết và tiếp tục gửi tin nhắn thứ 2 về địa điểm mới.
Cách thêm người được chọn gọi SOS: Truy cập ứng dụng "Health" mặc định > Chọn cài đặt Medical ID > Chọn thêm địa chỉ liên hệ ở dưới cùng.
Lưu ý: Cách kích hoạt chế độ SOS sẽ khác hơn kể từ thế hệ iPhone 8 trở đi.
- Đối với iPhone 7/7Plus trở về trước: Nhấn thả liên tục 5 lần nút nguồn, sau đó bảng thông báo SOS sẽ ngay lập tức hiện lên.
- Đối với iPhone 8 trở về sau: Nhấn và giữ tổ hợp phím nguồn + một phím volume bất kỳ, giữ yên tới khi nào chỉ dẫn SOS hiện lên.
Cẩn tắc vô áy náy, đã có rất nhiều vụ việc có nạn nhân được cứu sống kịp thời nhờ tính năng này của Apple. Không chỉ iPhone hay iPad, người dùng cũng có thể thiết lập trên cả Apple Watch để tiện thao tác hơn trong tầm tay.