- Theo Trí Thức Trẻ | 30/10/2017 04:05 PM
Trong nhật ký phát triển tựa game Dead Space, game kinh dị được rất nhiều người Việt yêu mến, giám đốc sản xuất Glen Schofield đã từng đề cập đến một ví dụ điển hình của việc dùng âm thanh kích thích sự sợ hãi của con người: "Chúng tôi đã từng tắt hình mà chỉ nghe tiếng của một bộ phim kinh dị, nghe nó vẫn sởn gai ốc lắm. Nhưng nếu tắt tiếng mà chỉ xem hình thì chẳng còn gì sợ hãi nữa".
Âm thanh luôn là một khía cạnh không thể thiếu trong game kinh dị, nhưng không phải tác phẩm nào cũng thực hiện xuất sắc khía cạnh này. Và dưới đây là 5 tựa game mà bạn chỉ cần nghe tiếng qua chiếc tai nghe âm thanh vòm 7.1 của mình thôi cũng đủ lạnh sống lưng:
Hellblade: Senua's Sacrifice
Ngay những phút đầu tiên, Hellblade khiến bạn choáng ngợp với diễn xuất và âm thanh trong game. Nhờ có những chuyên gia thần kinh học giúp sức, mà cô nàng Senua, thông qua sự thể hiện của cô nàng diễn viên Melina Juergens trở thành một trong những màn diễn cực kỳ ấn tượng.
Để thực sự cảm thấy hiệu ứng về âm thanh, bạn rất nên chơi game bằng tai nghe thay vì loa ngoài. Những câu nói thì thầm bên cạnh tai, những lời chế nhạo, chửi bới hay tranh cãi trong đầu của một kẻ bị tâm thần phân liệt được mô tả theo một cách mà chúng tôi chỉ có thể mô tả bằng hai chữ, tuyệt phẩm. Những tiếng nói, thì thầm, la hét được thu âm có chiều sâu và không gian, giống như bạn đang ngồi giữa một căn phòng toàn những kẻ đang chực chờ mắng chửi, đánh giá bạn vậy, tương đối ghê rợn.
Observer
Observer của Bloober Team ném bạn vào câu chuyện liên quan tới tâm lý và bộ não con người, với câu chuyện của địa ngục trần gian trong tương lai nơi chính cảnh sát có thể hack vào bộ não bất kỳ ai. Khi dạo chơi bên trong tâm trí của một ai đó, bạn sẽ nghe được rất nhiều thứ, những lời thì thầm, và đừng cố chơi game bằng loa kẻo sẽ khiến độ hay của game mất đi vài phần. Từ sự sợ hãi những con quái vật dưới gầm cầu thang, cho đến việc trốn chạy khỏi một kẻ thích tấn công tình dục, những âm thanh bạn nghe thấy, những lời thì thầm đều thực sự ấn tượng và kinh hoàng.
Silent Hill series
Nếu có một series game kinh dị sử dụng âm thanh ở đẳng cấp thượng thừa, đó chỉ có thể là Silent Hill mà thôi. Bản thân nhà thiết kế âm thanh Akira Yamaoka cũng được tôn vinh là một trong những huyền thoại của làng game kinh dị Nhật Bản. Ai mà nghĩ được việc kết hợp những âm thanh máy móc công nghiệp bên trong các nhà máy với tiếng gào rú lồng tiếng của những con quái vật lại tạo ra một bầu không khí ngột ngạt và kinh hoàng đến thế?
Bản thân Yamaoka cũng từng thừa nhận: "Có những pha hù dọa game thủ đến đứng tim, tôi ngắt hết âm thanh chỉ có tiếng thở và bước chân của nhân vật chính. Nhưng cũng có lúc người chơi cảm thấy vô cùng bất an vì âm thanh cứ dồn dập không ngừng như có gì đang chờ đón họ vậy". Những lúc yên tĩnh nhất game, chỉ có tiếng piano hay những bản nhạc rock văng vẳng nhẹ nhàng, nhưng trong những trường đoạn lạnh gáy nhất, tiếng máy móc công nghiệp trộn lẫn với tiếng cầu nguyện với chất giọng đến từ địa ngục vang lên, và sau Silent Hill, chưa từng có một series game kinh dị nào làm được điều tương tự.
Yomawari
Nếu Silent Hill sử dụng những âm thanh khó chịu để khiến người chơi không thể có một phút giây thoải mái, thì Yomawari lại có cách tiếp cận trái ngược hoàn toàn. Trong cả hai phiên bản Night Alone và Midnight Shadows, bạn mò mẫm bên trong thị trấn với chỉ một cái đèn pin trong tay. Những lúc bình thường, bạn chỉ nghe thấy những tiếng ve kêu rả rích trong đêm hè, hay tiếng lạo xạo của cây cối khi bị gió thổi.
Mọi thứ ổn, cho tới khi bạn gặp một con ma trên đường. Nhịp tim của nhân vật bắt đầu tăng nhanh, và khi nó càng nhanh, bạn càng gần với việc bị biến thành một hồn ma, nhưng cùng lúc đó bạn chạy càng chậm. Chỉ cần nghe thấy tiếng thình thịch nhanh dần, bạn đã có thể hoảng loạn tìm đường tháo chạy rồi. Nó không hề phức tạp và nhiều tầng lớp âm như Silent Hill, nhưng hiệu quả gần như không khác biệt.
Dead Space
Một trong những series game kinh dị phương tây hiếm hoi thực sự khiến người chơi khiếp đảm. Đội ngũ phát triển âm thanh của tựa game này đưa vào game những đoạn âm thanh bí ẩn và kinh hoàng, ngay cả khi người chơi cố tình đi một con đường khác, hoặc tương tác với game theo những cách khác nhau. Họ không cho nhạc hay âm thanh gầm gừ tự chạy khi bạn đang đi qua một hành lang dài, mà đặt nguồn âm ở ngay con quái vật. Càng gần nó, âm thanh sẽ càng lớn.
Đôi lúc sẽ có đến 4 lớp âm thanh cùng được kích hoạt, đồng nghĩa với nhạc nền cũng trở nên kịch tính và căng thẳng hơn. Chính nhờ điều này mà bản thân Dead Space cũng đã nhận được không ít những giải thưởng về thiết kế âm thanh trong game.