- Theo Nhịp Sống Việt | 29/03/2020 09:35 PM
Trong tháng 3/2020, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 từ 0h ngày 28/3/2020 đến hết 15/4/2020.
Trước đây chị Quỳnh Anh làm công việc chính là bán vé máy bay.
Ngày 29/3, Bộ Giao thông vận tải có công điện hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam, về việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ Hà Nội và TPHCM đối với các địa phương, kể từ 0h ngày 30/3 đến hết 15/4, các hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác vận chuyển hành khách 1 chuyến/ngày trên đường bay: Hà Nội-TPHCM - Hà Nội; Hà Nội-Đà Nẵng/Phú Quốc-Hà Nội và chặng bay TPHCM-Đà Nẵng/Phú Quốc-TPHCM.
Trước diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc kinh doanh buôn bán và một số ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong số đó, nghề bán vé máy bay cũng thuộc Top đầu bị ảnh hưởng do từ 0h ngày 30/3 đến hết 15/4, các hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác vận chuyển hành khách 1 chuyến/ngày.
Trước khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, việc bán vé máy bay của chị Quỳnh Anh diễn ra thuận lợi, đem lại thu nhập ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Quỳnh Anh, (trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một nhân viên bán vé máy bay tại các đại lý phân phối vé của các hãng hàng không cho biết, thời gian trước chị đã từng có thu nhập ổn định từ nghề bán vé máy bay và coi đây là công việc chính của bản thân. Tuy nhiên thời gian gần đây, chị đã phải chuyển qua bán bánh bột lọc online và một số công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
"Khoảng trước dịp Tết Nguyên Đán 2019, tôi vẫn gắn bó với công việc bán vé máy bay ở đại lý phân phối cho các hãng là công việc kiếm thu nhập chính. Thế nhưng kể từ sau Tết dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thì việc bán vé trở nên khó khăn hơn rất nhiều", chị Quỳnh Anh cho biết.
So với những năm trước, thời điểm sau dịp Tết là lúc mọi nhà đi du xuân, tham quan các khu du lịch và lễ hội ở nhiều nơi nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên năm nay để phòng chống dịch bệnh, người dân không còn nhu cầu đi lại nhiều nên việc bán vé càng trở nên "ế ẩm".
"Khó khăn nhất là sau khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 dương tính với COVID-19. Sau thời điểm đó chúng tôi không còn bán được vé bay nào nữa. Những khách hàng đã đặt vé đi du lịch trong nước và các chuyến bay nước ngoài sau khi biết tin này thì cũng đồng loạt huỷ chuyến. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận mất tiền để huỷ vé", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Sau khi việc bán vé không mang lại hiệu quả, chị Quỳnh Anh đã chuyển qua làm thêm nhiều công việc khác.
Không bán được vé máy bay, những nhân viên như chị Quỳnh Anh buộc phải xoay sở làm thêm những công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
"Vé không còn ai mua, tôi chuyển làm cô gái bán bánh bột lọc online rồi. Do bánh này quê tôi làm, thấy ăn ngon và đảm bảo nên tôi nhập về bán cho mọi người, tôi cũng làm thêm một số công việc bán hàng khác để kiếm thêm thu nhập. Một số đồng nghiệp của tôi cũng chuyển qua bán trang sức, bán quần áo online chứ biết làm sao được", chị Quỳnh Anh tâm sự.
Để xoay sở trong dịch bệnh COVID-19, chị Quỳnh Anh cũng phải tiết kiệm mọi khoản chi tiêu hàng ngày để giảm bớt gánh nặng: "Trước đây tôi "nghiện" mua sắm lắm nhưng từ khi dịch bệnh đến thì cũng đỡ rồi. Các khoản làm đẹp, spa hay đi siêu thị cũng bỏ hết để đỡ gánh nặng tiền bạc và phòng tránh dịch bệnh luôn. Mong dịch sớm bị đẩy lùi để công việc của tôi sớm trở lại bình thường như trước đây", chị Quỳnh Anh bày tỏ.
Ngoài việc bán vé máy bay bị ảnh hưởng, những hướng dẫn viên du lịch cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp khi không còn du khách đi tham quan như trước đây. Hầu hết mỗi người đều phải tự xoay sở tìm một công việc mới để vượt qua đợt dịch bệnh này.
Anh Hiệu cũng từng gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch và bán tour.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Tín Hiệu, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhân viên bán Tour du lịch và hướng dẫn viên du lịch cho biết, kể từ sau dịp Tết 2019, công việc của anh bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi lượng khách đi du lịch bất ngờ giảm nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Hiệu nay đã chuyển qua làm "shipper chân chính".
Công việc này giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
"Kể từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 khách hàng không còn đặt tour đi du lịch nữa. Không có người đi du lịch thì chúng tôi cũng không còn ai để dẫn. Sau ca nhiễm COVID-19 thứ 17 thì mọi người cũng huỷ hết tour, tôi đành nghỉ làm ở nhà chống dịch đến gần đây thì đi làm shipper chân chính, vận chuyển đồ ăn rồi", anh Hiệu chia sẻ.
Theo anh Hiệu, việc làm Shiper không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh COVID-19 do nhu cầu mua hàng online của người dân tăng.
"Không bán tour không làm hướng dẫn viên du lịch thì tôi không còn biết làm gì nữa nên đành chuyển qua làm shiper, công việc vừa đơn giản mà lại kiếm được thu nhập cũng ổn định. Thời điểm này mọi người không ra đường nhiều để phòng tránh dịch nên đặt mua đồ online nhiều. Mình chạy chăm thì cũng có thu nhập ổn để vượt qua đợt dịch bệnh này", anh Hiệu chia sẻ.
Làm MC dẫn chương trình và hướng dẫn viên du lịch đã nhiều năm nay, anh Phan Hưng (Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân chưa từng trải qua thời điểm nào làm việc khó khăn như hiện nay.
Anh Phan Hưng đã gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch và MC dẫn chương trình đã nhiều năm nay.
Công việc hướng dẫn viên du lịch từng một thời đem lại thu nhập ổn định và là đam mê cháy bỏng của Hưng nhưng nay anh cũng phải tạm gác lại công việc do dịch bệnh COVID-19.
"Tôi làm nghề đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp thời điểm nào khó khăn như hiện tại. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam thì công việc của tôi ít hẳn do người dân hạn chế đi du lịch. Thời gian gần đây bệnh dịch diễn biến phức tạp, mọi người không còn đi du lịch nên tôi cũng không còn đi dẫn đoàn du lịch nữa", anh Phan Hưng cho biết.
Việc làm MC dẫn chương trình đám cưới cũng không còn mang lại thu nhập do người dân không tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
Ngoài công việc hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng, việc làm MC chương trình cũng không còn khả quan khi người dân hạn chế tụ tập đông người, các buổi tiệc, chương trình, lễ hội hầu như không còn.
Để xoay sở trong dịch bệnh, anh Phan Hưng phát triển mạnh qua làm MC dẫn chương trình đám cưới nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Do người dân không còn tổ chức cưới hỏi trong đợt dịch bệnh này.
"Tôi dự tính thời gian tới sẽ xin chuyển tạm qua làm văn phòng để vượt qua đợt dịch bệnh này. Sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi tôi sẽ lại trở về với công việc trước đây, còn hiện tại tôi đã quyết định ở nhà để chăm sóc gia đình, vợ con. Dù sao cũng đi làm quanh năm rồi, dịch bệnh như hiện nay thì ở nhà cùng mọi người chống dịch", anh Phan Hưng bày tỏ.