- Theo Trí Thức Trẻ | 03/08/2016 0:00 AM
Nói không ngoa, quán game là nơi cả chục thành phần xã hội góp mặt tại đây, với cùng một mục đích: Thưởng thức những tựa game online hay offline mà họ hâm mộ. Chính vì điều này, mà nhiều người cũng cho rằng quán game là một trong những nơi vô cùng phức tạp. Sự thực chỉ đúng một phần. Về phần những chủ quán game, tuy “làm dâu trăm họ”, thét ra lửa, là “trùm cuối” tại mỗi quán game, thế nhưng vẫn có những đối tượng game thủ khiến họ rất ”ngại”.
Dưới đây là một vài kiểu game thủ điển hình như vậy:
Thanh niên “chầy bửa”
Từ trước tới nay, việc những game thủ "Chí Phèo" nợ tiền phí giờ chơi tại các quán game luôn khiến cho hàng loạt những chủ quán game phải đau đầu. Có tới 1001 cách "xin nợ" đến "quịt nợ" của không ít những game thủ Việt. Một vài trong số đó, như được mô tả bởi chính một chủ quán game dưới đây, không hề thua kém về độ lỳ của nhân vật mang tính "tượng đài" ở làng Vũ Đại trong tác phẩm của văn hào Nam Cao.
Tuy nhiên về cơ bản, chẳng một chủ phòng máy nào muốn chứa chấp những anh chàng chầy bửa, ngoan cố chơi nợ tiền hoặc nhơn nhơn chơi game xong nói “em không mang tiền” mà không cần chớp mắt. Đối với họ, biện pháp nhanh nhất là cấm những game thủ như thế này đến chơi game tại quán của mình, hoặc “bá đạo” hơn, như chúng ta từng được chứng kiến, đó là in ảnh game thủ ra dán trước cửa phòng máy với thông báo “cấm cửa”.
Game thủ trốn học
Trong cuộc đời học sinh, bản thân tôi cũng từng có những lần trốn học thêm để ra quán cày Võ Lâm Truyền Kỳ hay bắn Đột Kích. Thế nhưng may mắn cho cái thân tôi, đó là chưa bao giờ bị các bậc phụ huynh phát hiện, dù chỉ cần đi lướt qua là có thể bị bắt quả tang vì chiếc xe đạp chẳng giống ai dựng ngoài cửa quán net.
Đối với những chủ quán game, đôi khi họ rất ngại khi tiếp đón những cậu game thủ như thế này. Lý do là chẳng may nếu bị phát hiện, các bậc phụ huynh sẽ chẳng hề e ngại mà làm um lên ngay giữa quán. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quán game, khi thứ quan trọng nhất của việc chơi game đối với nhiều game thủ chính là không khí thoải mái.
Chắc sẽ chẳng có ai chơi game vui vẻ được khi trong quán đang có một bậc phụ huynh bắt gặp con mình trốn học đi chơi và ra sức mắng nhiếc, thậm chí đánh đòn cậu bé xấu số. Mới đây nhất đã có hẳn một đoạn clip quay được cảnh ông bố cáu gắt vì đứa con trai trốn học đi chơi game, thậm chí còn dọa đánh cả chủ quán vì anh này… can ngăn hai cha con.
Thành phần... lười tắm
Vì đặc thù của cộng đồng game thủ: “Tốn quá nhiều thời gian dán mắt vào màn hình máy tính, bỏ quên đi thời gian sinh hoạt” nên ngoại hình, tính cách nhanh chóng bị thay đổi. Theo như chúng tôi biết, phải đến 60-70% số người năm trong danh sách “lười tắm”. Do vậy, game thủ “bẩn” gần như chắc chắn sẽ “lười”, chưa kể tới mùi khói thuốc, mất vệ sinh ở quán nét, bàn phím chứa đầy vi khuẩn.
Chính vì lẽ đó, bản thân những chủ phòng máy chơi game cũng chẳng ưa gì những game thủ lười tắm, cho dù khoảng thời gian ngồi ngoài phòng máy của họ đem lại khoản tiền phí giờ chơi không hề nhỏ. Thế nhưng nếu những chủ quán net coi trọng những game thủ như thế này chắc chắn sẽ là “tham bát bỏ mâm”.
Vì sao lại như vậy? Nếu những game thủ ở bẩn được ngồi chơi game một cách cực kỳ thoải mái trong các phòng máy, những khách hàng khác sẽ bị ảnh hưởng, gây khó chịu cho quá trình thưởng thức game của họ. Điều chắng sớm thì muộn sẽ xảy ra sẽ là quán vắng khách dần khi những game thủ quyết định tìm tới những địa chỉ mới, những nơi không gian thoáng đãng thơm tho hơn, và không bị mùi cơ thể đầy khó chịu của những game thủ ở bẩn kể trên làm phiền.
Anh hùng bàn phím
Phàm là một ông chủ phòng máy chơi game, ai cũng muốn đầu tư gear xịn, chuột ngon phím đẹp để chiều lòng cộng đồng game thủ. Lý do là giờ đây, việc chơi game không chỉ phụ thuộc vào máy xịn cấu hình khủng đủ sức cài game nặng như xưa. Xu thế eSports len lỏi vào Việt Nam với những tựa game từ Đột Kích thuở trước, cho tới CS:GO hay DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại…
Những chú chuột chơi game và bàn phím rẻ tiền mà các quán net hay đầu tư trước đây đã chẳng còn phục vụ được yêu cầu khắt khe của những game eSports kể trên. Vậy là họ buộc lòng phải đầu tư mạnh tay để chiều chuộng khách hàng, những “thượng đế” khó tính của mình. Nhưng trớ trêu thay, “cha chung không ai khóc”. Không phải game thủ nào cũng có được ý thức sử dụng trang thiết bị ngoài quán game một cách đúng đắn. Trong một giây bực tức, họ có thể phá phím, đập chuột, gây thiệt hại cho chủ phòng máy, những thiệt hại không đáng có.
Nhẹ thì chủ quán phải sửa lại bàn phím chuột, nặng thì họ phải mua đồ mới thay thế nếu không muốn “treo máy”. Chính vì lẽ đó, những chủ quán net luôn cực kỳ ái ngại trước những game thủ “cục súc”, có cá tính mạnh và vô ý thức, đến mức phá hỏng những thiết bị vốn không phải của họ.