- Theo Trí Thức Trẻ | 17/06/2016 04:42 PM
Trong ngày hôm qua, trang công nghệ Techpowerup đã đưa tin về vụ việc nói trên kèm theo nhiều dẫn chứng thuyết phục, ngay sau đó thông tin này cũng đã được nhiều trang khác dẫn lại.
Cụ thể, nguồn tin dẫn chứng rằng MSI và ASUS đã sử dụng "tiểu xảo" khi gửi các phiên bản card đồ họa được "ép xung sẵn" cho reviewer để thực hiện các bài đánh giá, trong khi đó hàng bán ra lại có xung nhịp mặc định thấp hơn.
ASUS GTX 1080 STRIX cũng nằm trong danh sách sử dụng "tiểu xảo".
Dẫn từ Techpowerup "Những chiếc carrds mà chúng tôi nhận được luôn có xung nhịp cao hơn so với khi người dùng vừa lấy ra khỏi hộp". Cụm từ "vừa lấy ra khỏi hộp" được nhắc lại khá nhiều trong bài viết, ám chỉ một vấn đề sẽ được nói tới ngay sau đây.
Techpowerup không cho rằng MSI hay ASUS đã gian lận thông số, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Nhưng rõ ràng 2 nhà sản xuất trên đã sử dụng một tiểu xảo nhỏ, nhằm nhận được những điểm số benchmark có lợi.
Bên trái là thông số của VGA gửi cho Reviewer, còn bên phải là sản phẩm thương mại.
Trong thực tế, không hề có bất cứ sự khác biệt nào về phần cứng giữa 1 chiếc card reviewer nhận được và người dùng mua tại cửa hàng. Vấn đề nằm ở chế độ mặc định khi "vừa lấy ra khỏi hộp" của chúng là khác nhau.
Nói rõ hơn về vấn đề này, tôi sẽ lấy các sản phẩm thuộc dòng GAMING của MSI làm ví dụ. Nếu bạn là người đã từng sử dụng qua một chiếc VGA cao cấp mang thương hiệu MSI GAMING, chắc chắn các khái niệm như "OC Mode", "GAMING Mode" hay "Silent Mode" đã không còn xa lạ.
Trong đó, GAMING mode được coi là chế độ cơ bản, mức xung nhịp trong profile này nằm ở giữa, thấp hơn OC Mode và cao hơn Silent Mode. Khi vừa mới bóc hộp, người dùng sẽ nhận được những chiếc VGA có BIOS thiết lập sẵn ở GAMING Mode, nó cân bằng mức điện năng tiêu thụ, tỏa nhiệt và độ ồn của quạt. Nói chung đây là mức mà hầu hết người dùng nên sử dụng, ở điểm này MSI và ASUS làm tốt nhiệm vụ của họ.
Nhưng với những sản phẩm được gửi cho các kênh truyền thông, để thực hiện bài đánh giá chi tiết hiệu năng, đó lại không phải là GAMING mode, giống như trên hàng thương mại. Trang Techpowerup đã thu thập số liệu và chứng minh được rằng MSI luôn thiết lập sẵn trong BIOS của VGA khi gửi cho reviewer có profile là OC Mode. Ở chế độ này, xung nhịp của card đồ họa cao hơn 1 chút, và điểm benchmark cũng vì thế được nâng lên.
Nhiều năm nay, MSI vẫn chơi bài này để có các kết quả benchmark có lợi.
Thực tế, người dùng vẫn có thể thay đổi profile lên OC Mode để tăng hiệu năng, tuy nhiên họ sẽ cần tới một phần mềm của nhà sản xuất. Và không phải ai cũng biết tới điều này, với nhiều người dùng, đơn giản chỉ là mua VGA, lắp vào máy, chơi game.
Về phía reviewer, để mang lại kết quả khách quan nhất, họ cũng rất hạn chế trong việc điều chỉnh xung nhịp hay thay đổi profile. Chính reviewer của Techpowerup cũng tự nhận là họ không biết được rằng nhiều sản phẩm mà họ nhận được thiết lập sẵn ở chế độ OC, trong khi luôn nghĩ đó là GAMING Mode.
Tại sao điều này lại là vấn đề?
Sự sai lệch thông tin là điều mà Techpowerup đang đề cập tới. Hãy thử tưởng tượng, bạn đọc một bài review trên mạng và cân nhắc về sức mạnh mà VGA A kia mang lại, sau đó mua nó. Sử dụng thực tế cho thấy trải nghiệm trong trò chơi B không đạt được như trong bài đánh giá từ trang web mà bạn tham khảo. Không may, bạn cũng chẳng biết gì về mấy khái niệm như OC Mode hay GAMING Mode, từ đây bạn đổ lỗi reviewer kia.
Lúc này, uy tín của các trang tin bị ảnh hưởng không nhỏ, còn người dùng lại không (chưa) có được thứ họ muốn.
Sau cùng, nhà sản xuất vẫn làm đúng theo những gì họ quảng cáo, và thông qua các bài đánh giá hiệu năng vô hình chung họ lại nhận được lợi ích không nhỏ.
Nhà sản xuất vẫn làm đúng với những gì họ quảng cáo trên trang chủ.
Chúng tôi không cho rằng MSI hay ASUS đã "gian lận", Techpowerup cũng không làm vậy. Nhưng người dùng cần biết được sự thực về những điểm số benchmark, chúng chỉ là những con số và hoàn toàn có thể bị can thiệp thông qua nhiều cách khác nhau. Hơn hết, hãy tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trước khi bạn quyết định chi tiền cho một sản phẩm máy tính bất kỳ nào đó.
(Theo GenK)