Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2)

AR2D Team  - Theo Helino | 18/01/2020 10:15 AM

Các xây dựng độc đáo thông qua lời thoại hay chữ viết cũng là một điểm thú vị của siêu phẩm Monster.

2. Cách xây dựng nhân vật bằng lời thoại, chữ viết và những cuốn sách hình

Có nhiều nhận xét rằng đất diễn thực sự của Johan không nhiều. Nhưng đâu cần, Johan vẫn luôn xuất hiện ở khắp nơi đó, qua những câu chuyện, sự cảm nhận của các nhân vật khác, những cái chết nơi anh ta ghé qua và nhất là trong những cuốn sách hình.

Lần đầu tiên đọc Monster tưởng rằng cuốn truyện "Quái vật vô danh" kia có thật ngoài đời và Franz Bonaparta là một tác giả truyện cổ tích có thật mà Naoki lấy cảm hứng dựa theo đó. Về sau mới biết cả hai đúng là đều có thật, nhưng Frank là một nhân cách khác của ông Naoki.

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 1.

"Các nhân vật đều là những con người đang sống, chỉ khi tác giả lắng nghe và thấu hiểu họ thì họ mới hiện ra sống động trên những trang giấy và người đọc có thể yêu thích và cảm thông được.".

Đối với Naoki Urasawa, mọi nhân vật trong câu chuyện ấy đều là những cá thể đang thực sự sống. Trong anime có đoạn ông biên tập viên lâu năm làm ở nhà xuất bản nói với Tenma rằng, dù Klaus Poppe có lấy bút danh là gì và thay đổi ra sao tôi đều vẫn nhận ra, nếu anh ở vị trí của tôi sẽ hiểu.

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 2.

Klaus Poppe

Quá thấu hiểu điều đó nên Naoki mới sáng tác ra một câu chuyện lồng trong câu chuyện ("The nameless monster" lồng trong "Monster") làm người ta thích thú và nghi ngờ lẫn tò mò đến vậy.

Cụ thể hơn, Monster dù lấy bối cảnh nước ngoài (Đức, Séc) nhưng vẫn thấm đẫm phong cách Nhật Bản và đậm tính nhân văn, trong khi "The nameless monster" (và những cuốn sách hình khác của K.Poppe) theo mình thì rất Tây và mang không khí lạnh lùng xa cách, ờ, chính xác là "hiểm độc" (theo nhận xét của ông biên tập viên kia).

Tác giả hai câu chuyện tựa như hai người khác nhau với tư duy, sở thích và thói quen sáng tác cũng khác nhau. Chắc không có gì mâu thuẫn nếu nói rằng có thể không thích Johan trong "Monster" của Naoki nhưng lại thích con quái vật trong "The nameless monster" của Klaus Poppe.

Nhưng con quái vật đó tên là Johan, mà Johan lại là con quái vật trong câu chuyện chính, vậy Johan là con quái vật hay Johan không phải là con quái vật? Johan đâu phải là tên thật, nhưng mà cuối cùng con quái vật lấy tên là Johan.

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 3.

Phân tích sơ như vậy để phần nào thấy được Naoki đã tâm huyết thế nào trong việc xây dựng nhân vật.

Monster là bộ truyện đặc biệt yêu thích những lời thoại.

Những lời thoại đẹp đẽ bay bướm, nghe như những câu thơ nhưng cũng dồn nén trong đó biết bao u sầu. "Anh được sinh ra để chôn em giữa biển hoa.", "Đừng để cháu quên mất Anna. Trên thế giới này chỉ có cháu và Anna.", "Tôi đã thức dậy khỏi giấc mơ... Tôi đã tỉnh dậy sau cơn mơ... Tôi đã tỉnh dậy.",

"Cháu không thể trở thành quái vật được. Các cháu đều là những viên ngọc đẹp đẽ. ""Em tha thứ cho anh, dù cho chỉ còn hai chúng ta trên thế giới này.", "Những cảm xúc của tôi không mất đi mà chỉ lạc ở đâu đó thôi, như một lá thư tôi gửi đã đến tay tôi sau hàng thập kỷ."

Những lời thoại thể hiện cá tính riêng của nhân vật này nhưng qua đó còn khắc họa nên hình ảnh những nhân vật khác. Chẳng hạn, khi nói về hiện trường những vụ án giết người ghê rợn có nét tương đồng so với vụ án Tenma theo đuổi, ông nhà báo nghiện thuốc lá kia không mô tả nó là "lạnh lùng, mất nhân tính" hay "kinh tởm" mà bảo rằng "kẻ làm ra nó là một con quái vật.".

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 4.

Thậm chí, Eva là người đã từng cười phá lên khen rằng Johan đã trở thành một thanh niên tóc vàng điển trai, nhưng đến khi đi mua súng (một khẩu súng lớn) được người ta hỏi mua để bắn gì, cô chỉ nói rằng "bắn quái vật".

Thanh tra Lunge khi xem xét hiện trường giết người liền nhận ra hung thủ khác với những vụ án liên hoàn kia bởi cảm nhận được tình người trong đó (còn những vụ kia hoàn toàn là vô cảm), rồi bước vào căn phòng kí túc của Johan thì nói rằng nó không có dấu vết của con người.

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 5.

Thanh tra Lunge

Ở thị trấn yên bình kia cũng vậy, người cha say rượu nhìn thấy xác người nằm khắp nơi thì lẩm bẩm "con quái vật đã đến đây", thậm chí chĩa súng bắn Johan cũng vì sợ con quái vật bảy đầu có sừng sẽ làm hại con trai mình

Như thế đó, tác giả gieo rắc nỗi sợ và sự bí ẩn ở khắp các trang truyện, qua miệng của rất nhiều nhân vật để vẽ nên một "con quái vật" thật sự tồn tại, như thể một điều hiển nhiên vậy.

Anh cần gì xuất hiện nhiều khi mà mọi người đều biết và đều nói về anh? Nhất là khi các nhân vật chính đều luôn đuổi theo anh hàng ngày hàng giờ, ngay cả trong giấc mơ cũng bị ám ảnh vì anh?

Có lẽ vì thế mà không thể nào thích được Johan dù nhân vật này rất xuất sắc; nó như là một nỗi sợ hãi bao trùm và bạn không thể thích nỗi sợ của bạn được.

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 6.

3. Lời thoại và những hình ảnh tượng trưng

Tiện thể nói về lời thoại, có hai câu khá hài mà người viết đặc biệt tâm đắc của nhân vật phụ. Một là, đoạn độc thoại của Martin khi nhìn theo Eva lần đầu mới gặp. Đại loại như này: "Nhìn cách cô ta ngoáy mông kìa, cả mùi nước hoa sặc sỡ, đúng là một con điếm. Ôi tôi ghét dây vào đàn bà."

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 7.

Đa phần những người đàn ông trong truyện không thích kiểu phụ nữ như Eva, say xỉn dễ dãi các kiểu, nhưng chắc chỉ có người thật sự bị ám ảnh như Martin mới nhận xét như vậy. Eva qua đó, lần đầu tiên, hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Trước đó người viết chỉ nghĩ là không thích Eva, còn lý do vì sao thì khá nhạt nhòa. Nhưng bấy giờ đột nhiên không ghét cô ta nữa, thấy khá buồn cười và đắng, chắc chỉ mình cô mới đối xử với Martin như vậy, dắt đi mua sắm, mặc đồ hệt như Tenma, để rồi cuối cùng người cô luôn bám riết theo sau đã bước đến sân ga gặp cô - là cái tên Kenzou cô hằng gọi trong mơ đó - nhưng không còn là người mà cô muốn đợi nữa.

Người cô muốn chờ hôm ấy đã chẳng đến, người nói rằng tôi không muốn dây vào đàn bà rốt cuộc lại hy sinh vì một người đàn bà. Thật trớ trêu, nhưng chiếm phần nhiều hơn là sự giải thoát đẹp đẽ. Nó làm thay đổi hoàn toàn con đường người đàn bà đó sẽ đi.

Câu thoại còn lại là của Christof Sievernich, được biết đến như là môn đồ của con quái vật ấy. Cũng không có gì quá quan trọng, anh ta gào lên với Eva như này: "Sao cô lại bắn vào tai tôi? Cô có biết chính trị gia làm ăn dựa vào gương mặt không?". Mình thấy khá thú vị, kiểu, thử tượng tượng anh ta thành chính trị gia mà mất một cái tai. Và các bạn có thấy là Naoki luôn chỉn chu cho tất cả nhân vật dẫu là phụ hay rất phụ không?

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 8.

Sievernich qua một câu thoại như vậy thôi cũng đủ gây ấn tượng về tính cách khá "thượng đẳng boy" và có tham vọng riêng cũng như một cuộc sống riêng.

Nói về chữ viết, dù cũng ít thôi nhưng hiếm có bộ manga/anime nào mà cái chữ viết trong đó lại gây ấn tượng mạnh như vậy (hay nói đúng hơn là ít bộ nào đào sâu phần chữ viết tay của nhân vật).

Những dòng chữ mà Johan để lại cho Tenma ấy, dị kinh khủng. Không máu me, chẳng phải lời đe dọa, nhưng đọc lên thấy sợ, "Nhìn tôi này! Nhìn tôi đi bác sĩ! Con quái vật bên trong tôi đã lớn đến ngần này rồi!",

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 9.

"Cứu tôi! Con quái vật trong tôi sắp nổ tung rồi!"

Một vài yếu tố làm nên cái hay của Monster – tuyệt phẩm manga của Urasawa Naoki (P.2) - Ảnh 10.

Câu trước đọc lên nghe như chế giễu và đùa cợt, câu sau lại là một lời cầu cứu đầy thống khổ. Nội dung thì dữ dội, nét chữ lại không xiêu vẹo, cũng không nghiêng về bên trái hay bên phải, mà khá đều, dàn ra cân xứng.

Giống như trong một Johan có hai nhân cách, nhân cách này bị nhân cách kia kìm kẹp. Một là ác quỷ một là nạn nhân. Một chơi đùa với đàn kiến để thấy chúng giãy giụa trong sợ hãi, một đi tìm lại phần nào đó ngây thơ thuần khiết ngày thơ bé.

Thật lòng không muốn đào sâu vào tâm lý của Johan (nếu không muốn nói là không muốn hiểu đâu). Nhưng nếu buộc phải trải nó ra vài ba câu chữ, thật khó cảm thông được chứ đừng nói là tha thứ cho con quái vật đó như Anna và Tenma đã làm. (Đây cũng là lý do mà suốt cả bài này toàn gọi Johan là con quái vật). Nói vậy bên trong mình vẫn thấy bản thân hơi tàn nhẫn, nhưng thôi, nghĩ về Johan như một con quái vật mang đến nỗi sợ hãi chắc là lựa chọn của mình để thể hiện sự tôn trọng cho một nhân vật quá đỗi xuất sắc và chân thật mà tác giả xây dựng nên.

Nếu như con quái vật ấy xuất hiện ngoài đời chắc phản ứngvẫn sẽ là sợ hãi thôi, có súng trong tay sẽ bóp cò mà không quá ngần ngại.