CHUYÊN TRANG VỀ CALL OF DUTY TRÊN GAMEK.VN
TỰA GAME ĐÃ VÀ ĐANG GÂY SỐT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
- Theo Trí Thức Trẻ | 24/04/2021 12:01 AM
Cách đây không lâu, trang tin QQ của Trung Quốc đã đưa tin hẳn về những hacker/modder của Việt Nam tại tựa game Đột Kích và PUBG. Thậm chí trang tin này còn cho rằng: "Nếu bạn đã học cách tồn tại trong một tựa game online tại Việt Nam, thì xin lỗi một người phàm chắc chắn không thể sống sót trong một chiến trường của những người bất tử.
Ảnh: QQ
Khi có những người bay lên trời và chui xuống đất thì điều bạn có thể làm được chỉ là một cơn "rùng mình" và xong game. Trò chơi sẽ kết thúc trước khi tay cầm chuột của bạn nóng lên, chỉ trong chưa đầy một phút". Trang tin QQ cũng lấy ví dụ về hình ảnh game Đột Kích tại Việt Nam. Dẫu biết là Trung Quốc cũng là thị trường mà hacker/modder nhiều "nhan nhản", nhưng CĐM nước này cũng tỏ ra bất ngờ với những gì mà hacker Việt Nam đã từng làm.
Ảnh: QQ
Ảnh: QQ
Quay trở lại với câu chuyện hàng loạt các bom tấn phát hành tại thị trường Việt Nam đều đã và đang đi vào "cánh cổng địa ngục", đặc biệt là những tựa game bắn súng. Hãy nhớ lại các ví dụ như Chiến Dịch Huyền Thoại của Garena, Crossfire Legends của VNG và sắp tới có thể là cả Call of Duty Mobile cũng của NPH VNG. Thậm chí kể cả nhiều tựa game MOBA khác như Liên Quân, Tốc Chiến... đều đã và đang bị hacker phá hoại.
Nhiều người đổ lỗi cho VNG và Garena không biết vận hành hoặc yếu kém trong khâu ngăn chặn hacker "từ trong trứng nước". Tuy nhiên trách cứ NPH có lẽ chỉ giải quyết được ở phần ngọn, gốc gác vẫn nằm ở ý thức người chơi. Đồng ý là nhiều công ty phát hành tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa thể khắc phục triệt để tình trạng hack game. Tuy nhiên cần lưu ý một điều rằng, đa phần các tựa game được phát hành tại Việt Nam hiện nay vẫn cần các công ty phát triển mà chủ yếu đếu từ Trung Quốc khắc phục những vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong game. Đó cũng là lý do mà khâu giải quyết trục trặc trong game thường mất thời gian và qua khá nhiều các bước như thu thập, phản hồi, báo cáo, cập nhật...
Khác với các tựa game tại Trung Quốc, nơi mà đội ngũ phát triển có thể tìm và nhìn ra ngay các vấn đề xảy ra, sau đó thực hiện giải quyết một cách nhanh chóng. Tại Việt Nam, đáng buồn thay lại luôn rơi vào trường hợp đầu tiên, tức là ý thức người chơi thì rất nhiều trường hợp "không muốn làm mà muốn có ăn", để rồi tìm các bản hack, chia sẻ tới những người "chung chí hướng".
Điều này dẫn đến hệ quả hacker tồn tại ngày càng nhiều trong khi NPH thì loay hoay thu thập đầy đủ các thông tin cần có để gửi sang đội ngũ phát triển tại Trung Quốc khắc phục. Khi ra một bản update mới thì vô hình chung phiên bản cập nhật đó đã trở nên "outdate" với những lỗi mới được hacker lợi dụng để phá game. Đó là một vòng lặp luẩn quẩn dẫn đến việc hậu quả hàng loạt các tựa game Esports mà điển hình là game bắn súng đi vào ngõ cụt.
Để rồi đến lúc NPH thì nản, game thủ thì chán, đội ngũ phát triển tại Trung Quốc thì bỏ mặc. Cái kết cuối cùng thì ai cũng biết: Đóng cửa là hệ quả tất yếu. Số phận của nhiều tựa game như Chiến Dịch Huyền Thoại và Crossfire Legends, sắp tới không biết chừng là cả Call of Duty Mobile là những ví dụ đầy đau đớn đối với thị trường game di động Việt vài năm trở lại đây.