Vụ Loạn Đấu Võ Lâm bị vu lấy code Trung Quốc: Khi dốt nát biến thành phá hoại

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/03/2016 04:40 PM

Loạn Đấu Võ Lâm
10/03/2016 NCB: Emobi Games NPH:

Chỉ bằng một chữ TalkingData trong quá trình “đục code” Loạn Đấu Võ Lâm, hàng loạt thuyết âm mưu đã bị một vài người nghĩ ra...

Cuối cùng thì Loạn Đấu Võ Lâm, một sản phẩm do bàn tay người Việt tạo ra, thu hút được sự chú ý của đông đảo bộ phận game thủ yêu game online nước nhà cuối cùng cũng đã được ra mắt. Kể từ khi 7554 ra mắt, chúng ta cũng đã chẳng lạ gì đội ngũ phát triển tựa game này. Dù cho họ có đổi tên để bắt kịp với xu thế phát triển đi chăng nữa, có dùng cái tên Emobi Games, hay Hiker Games, hay bất kỳ cái tên nào khác, trong tâm trí của nhiều kẻ si mê game như chúng tôi, họ vẫn xứng đáng là một trong những tập thể có công lớn đóng góp vào làng phát triển game Việt Nam.

Thế nhưng sau những cái tên từ 7554, 2112 cho tới những dự án game online mobile dã sử khác trước đây, lần ra mắt lần này của Loạn Đấu Võ Lâm tuy vẹn tròn viên mãn trong mắt chúng tôi, nhưng lại vô tình để lại một nốt trầm từ những kẻ thích soi mói, thích sống theo “thuyết âm mưu” tạo ra, từ đó khiến niềm vui không còn trọn vẹn.

Câu chuyện mà tôi đang đề cập ở đây chính là việc một fanpage nào đó tự nhận là nơi đăng tải những thông tin trung lập chuyên về ngành game tại Việt Nam. Chỉ bằng một chữ TalkingData trong quá trình “đục code”, nôm na là mò mẫm trong mã nguồn của bản cài trò chơi Loạn Đấu Võ Lâm, những người đảm trách fanpage này đã đưa ra cả tá “âm mưu”, từ “Game của Việt Nam làm 100% và do một NPH Việt Nam đứng ra phát hành sao lại dùng nhiều công cụ đến từ Trung Quốc.” cho đến cả câu chuyện bản quyền, vân vân và mây mây.

Dĩ nhiên điều này không phải ai cũng biết tới, mà cũng chẳng phải ai biết chút ít về lập trình, biết cài Jar Explorer để khám phá data bên trong một file game nền tảng Java cũng muốn mò mẫm vào những file như thế này.

Đồng ý một điều, TalkingData là một nền tảng thu thập dữ liệu người sử dụng đến từ Trung Quốc, được nhiều nhà phát hành game tại xứ tỷ dân sử dụng để phân tích thói quen người dùng, nhưng việc sử dụng từ ngữ trong các bài post để đưa ra những nghi vấn về việc mã nguồn, hay nói chính xác hơn là ngầm ý chỉ Hiker Games dùng mã nguồn Trung Quốc để “xào” game lại là một sự quy chụp đáng thương, thiếu trầm trọng bằng chứng và lý lẽ.

Có thể khám phá một file Java như vậy, nhưng vì sao họ lại chỉ dựa trên dăm ba ký tự tiếng Hán có mặt trong file game đã được decompiled cũng như một cái tên TalkingData để “đưa ra nghi vấn”? Nếu như nghi vấn như vậy thì bản thân chúng tôi cũng có thể đưa ra… nghi vấn DOTA 2 là game được Valve “xào” dựa trên mã nguồn của người Trung Quốc, đơn giản vì khi mở bộ cài game và lùng sục trong đó, chắc chắn bạn sẽ tìm ra những file ngôn ngữ tiếng Trung, vốn được Valve đưa vào để phục vụ cho chính thị trường này thông qua công tác phát hành từ NPH Perfect World.

Nói ngắn gọn, hai ví dụ trên đây về cơ bản là giống nhau y chang về mặt bản chất. Nhưng các bạn có thấy cái “thuyết âm mưu” thứ 2 của chúng tôi nó nực cười, kệch cỡm và đáng thương đến chừng nào chưa? Ấy vậy mà những người tìm ra 3 ký tự tiếng Trung Quốc trong file game kể trên lại đặt ra nghi vấn một cách vô cùng thiếu thực tế và thiếu bằng chứng lý giải.


Tại sao lại nghĩ cứ là game có ngôn ngữ Trung Quốc là game Made in China nhỉ?

Tại sao lại nghĩ cứ là game có ngôn ngữ Trung Quốc là game Made in China nhỉ?

Nhân đây cũng xin được phép trích dẫn lại những lời được đăng tải trong thông cáo báo chí chính thức của Hiker Games, trả lời về chính vấn đề đang làm nóng làng game này:

“Về TalkingData, đây là một bộ công cụ phát triển để phân tích hành vi người dùng trong game. Dạng công cụ này, mọi game mobile tiên tiến đều tích hợp, với mục đích duy nhất là để tìm ra các điểm yếu trong game, từ đó mang lại những thay đổi, cải tiến nhằm phục vụ tốt hơn cho người sử dụng. Talking Data là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, là đối tác của rất nhiều công ty game lớn , và thậm chí tên tuổi công nghệ lớn trên thế giới. Đây đúng là một công ty Trung Quốc, nhưng thị trường của họ là toàn cầu.

Ngoài ra, nếu là người hiểu biết về các ứng dụng này, thì sẽ hiểu, những thông tin được thu thập qua TalkingData, không khác gì với những gì được Google Analytics thu thập, hoặc các công cụ khác như AppAnnie... Thông tin duy nhất thu thập, là liên quan đến hành vi trong game, tuyệt đối không có các thông tin cá nhân hay các thông tin vi phạm quyền riêng tư khác.”

Và như vậy mọi chuyện đã rõ ràng. Dĩ nhiên chúng tôi không có ác ý hướng tới những bạn coder đã có “công lao” khám phá ra những điều đủ sức gây tranh cãi. Tinh thần học hỏi, tìm tòi khám phá và cầu thị đã từ lâu là những đức tính tốt của con người Việt Nam. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, việc khám phá và nhiệt tình đôi khi cũng cần tới sự tinh ý một chút nếu không muốn bị coi là phá hoại.

Ngẫm lại, dù những người tìm ra “ký tự tiếng Trung” trong Loạn Đấu Võ Lâm tuy chưa rõ ràng về ý đồ, nhưng tiếc một chuyện, tôi lại nghĩ ngay tới thói ghen ghét lẫn nhau, tính xấu thích dìm hàng bên trong ngành game Việt Nam. Từ khi Loạn Đấu Võ Lâm chưa ra mắt, đã có phiên bản ăn theo copy với chất lượng thấp.

Việc dìm hàng đối thủ ở một khía cạnh nhất định có thể đem lại lợi thế và doanh thu về cho một doanh nghiệp, nhưng về lâu về dài, đó chính là hành vi kìm hãm sự phát triển của cả ngành game, và khi đó chỉ từ những hành động cạnh tranh không lành mạnh, cả làng game Việt cùng lúc sẽ phải nhận hậu quả khôn lường, khi tất cả phần còn lại của thế giới thì đang hợp tác để cùng phát triển song hành…