Việt Nam hiện đang có khoảng 120 triệu thuê bao di động (mỗi người dân sở hữu khoảng 1,5 thuê bao, số liệu cuối tháng 7/2012 của bộ TT&TT). Rõ ràng với số lượng người sử dụng điện thoại di động còn nhiều hơn cả số lượng người sử dụng internet (30 triệu thuê bao, số liệu tháng 6/2012), cộng thêm việc dân số trẻ, thì thị trường các nội dung số dành cho thiết bị di động là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Bên cạnh việc nghe nhạc trực tuyến, cũng như việc vào mạng đọc tin tức, thì game mobile từ trước đến nay luôn là một trong những mảng không thể thiếu đối với những người sở hữu những chiếc điện thoại di động cũng như máy tính bảng.
Thị trường trẻ, và đầy tiềm năng
Khởi đầu từ những tựa game java chạy trên nền hệ điều hành Symbian của Nokia, cho đến nay những game mobile trên nền các hệ điều hành cao cấp như iOS hay Android đã đứng rất gần với chất lượng của những tựa game console, cả ở mảng đồ họa lẫn gameplay. Cũng không thể quên một mảng thị trường mới sơ khai nhưng hứa hẹn sẽ còn phát triển với tốc độ cũng như quy mô trong tương lai, đó là những tựa game online trên di động.
Game offline: Lựa chọn đa dạng nhưng thiếu “hàng nhà”
Hiện nay, những chiếc smartphone chạy HĐH Android có thể được mua với giá chỉ tầm 4 triệu Đồng, từ đó dẫn đến việc ngay cả những người tiêu dùng bình dân cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại mang trong mình sức mạnh của những chiếc máy mà các thương hiệu lớn bán ra thị trường với cái giá không bao giờ dưới 7 triệu Đồng. Chính nhờ vậy mà người tiêu dùng phổ thông Việt Nam cũng đã và đang dần biết đến những cái tên như Google Play Store, hay cao cấp hơn 1 chút là Appstore đi kèm với những thương hiệu như iPhone hay iPod Touch.
Iron Mouse (Emobi)
Điều này dẫn đến một hệ quả, là đa phần người sử dụng Android vũng như iOS trẻ tại Việt Nam đều đã “nhẵn mặt” những nhà phát triển game lớn trên thế giới, với những cái tên không thể thiếu trên mỗi chiếc máy như Fruit Ninja, Angry Birds, Asphalt hay Cut The Rope. Thêm vào đó, kho game trên Play Store hay Appstore đều vô cùng đồ sộ với chất lượng “thượng vàng hạ cám”, là nguồn cung cấp dồi dào những tựa game mobile cho người tiêu dùng Việt.
Dalton - The Awesome, dự án của một nhóm sinh viên Việt
Nếu đã đề cập đến các nhà phát triển thế giới, thì sẽ thật thiếu sót nếu như chúng ta bỏ quên những nhà phát triển game mobile của Việt Nam. Hẳn các độc giả cũng đã từng nghe nói, hoặc thậm chí là đắm chìm hàng giờ liền để chinh phục các câu hỏi của ứng dụng “Ai Là Triệu Phú” trên nền Symbian, Android và iOS. Đó là một trong những sản phẩm đầu tay của nhà phát triển SunNet, một công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, những tựa game với đồ họa bắt mắt, ví như Iron Mouse mới ra mắt thời gian gần đây của Emobi Games. Tất cả đều chứng minh rằng thị trường game mobile Việt đã và đang được các nhà phát triển trong nước khai thác và dần chiếm được cảm tình của người sử dụng.
Tuy nhiên vẫn còn đó một sự thật cần phải nhìn nhận khách quan, đó là số lượng những studio làm game mobile tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, nếu đem so sánh với mức độ phủ rộng cũng như tiềm năng của thị trường này.
Online: Mảnh đất cần sự quan tâm
Tại thị trường Việt Nam, game online mobile hiện là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ, hứa hẹn có thể qua mặt hoàn toàn thị trường webgame đang có xu hướng bão hòa. Lý do rất đơn giản, chỉ với kết nối 3G hoặc WiFi, người sử dụng di động hoàn toàn có thể có những trải nghiệm online MMO đúng nghĩa đen mà những tựa webgame đã và đang đi vào lối mòn gameplay “không cần click” và không mấy linh động với việc bó buộc người chơi vào những trình duyệt trên máy tính.
Yeah1 Avatar
Tuy nhiên, giống với tình trạng những tựa game offline thuần Việt trên nền di động đã đề cập ở trên, sân chơi mobile MMO tại Việt Nam vẫn còn chờ một “cú hích” đúng nghĩa đen. Sở dĩ như vậy là do nếu so sánh số lượng người sử dụng di động với số lượng thuê bao internet tại Việt Nam, cũng như so sánh số lượng người chơi mobile MMO với MMO truyền thống trên PC thì quả thật khập khiễng.
Hoàng Đế Online
Số lượng các game mobile MMO tại Việt Nam có thể lên đến con số 20. Thế nhưng hai thể loại MMO trên di động duy nhất đang thịnh hành tại Việt Nam là game online dạng thành phố ảo, với những cái tên tiêu biểu như Yeah1 Avatar hay Zim City của VTC mobile. Thể loại còn lại là những tựa MMORPG được Việt hóa và phát hành tại Việt Nam. Hiện thị trường mobile MMORPG đã và đang là nơi chứng kiến cuộc đua của ba cái tên trên bản đồ game Việt Nam: VTC Online (Hoàng Đế, Hạo Thiên), ME Corp (Kỳ Tiên) và MC Corp (MC Võ Lâm 3, Vấn Kiếm).
Nhờ vào việc hỗ trợ nhiều dòng máy từ “cổ lỗ” đến hiện đại, các nhà phát hành game mobile MMO đã và đang dần có được cảm tình của cộng đồng người chơi. Tuy nhiên một số rào cản cả khách quan lẫn chủ quan đã vô tình kìm hãm khả năng phát triển của những tựa mobile MMO, ví như đường truyền mạng, cũng như cơ chế điều khiển. Những điều này sẽ được phân tích kỹ hơn trong bài viết sau.
Vấn Kiếm
Một điều nữa còn thiếu sót ở thị trường GMO Việt, đó là sự thiếu hụt những thể loại game khác như casual hay shooter. Nền tảng phần cứng của các thiết bị di động hiện đã có thể sánh ngang với những chiếc PC phổ thông, vì vậy việc cho ra đời những tựa game mobile online với đồ họa “lung linh” cũng như cách chơi đột phá hoàn toàn không phải bất khả thi. Trong tương lai, GameK chắc hẳn người sử dụng Việt Nam sẽ được tận tay trải nghiệm những tựa MMOFPS nền mobile với đồ họa đủ sức sánh ngang với những tên tuổi như Dead Trigger!