Những mảng tối của game mobile Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 28/03/2013 04:00 PM

Không ít những nhà phát triển/phát hành game mobile tại Việt Nam đã cùng lúc ăn cắp của hai phía: Những studio phát triển game mobile và người tiêu dùng.

Như chúng ta đã biết, thị trường game di động tại Việt Nam là một thị trường mới, non trẻ và đầy tiềm năng phát triển. Sở dĩ có được điều này, đó là nhờ vào tầm giá của những mẫu smartphone đã khiến cho ngày càng nhiều người sử dụng phổ thông tiếp cận được chiếc điện thoại cấu hình mạnh, đủ sức cho người dùng thưởng thức những tựa game với nền đồ họa ngày càng cao cấp.
 
Những mảng tối của game mobile Việt Nam 1
 
Thế nhưng như một lẽ dĩ nhiên, ở một thị trường đầy tiềm năng, thì việc xuất hiện những doanh nghiệp với cung cách làm việc theo kiểu cẩu thả, hút máu người sử dụng để làm lợi cuối cùng cũng lần lượt xuất hiện tại Việt Nam. Mới đây, một thành viên diễn đàn tinhte.vn mang tên NeonNo đã chia sẻ một bài viết mà qua đó, lần lượt những góc tối của những nơi được mang danh “nhà phát triển” game mobile, lần lượt được thành viên này phơi bày. Một trong số đó là vấn đề vi phạm bản quyền.
 
Chúng ta hãy khoan nói đến việc người sử dụng tải miễn phí nhiều game mobile thu phí từ nhiều nguồn. Dù sao đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Cái đáng đề cập, đó là tình trạng “rip-off” game của những “nhà phát triển” game mobile Việt Nam. Nói cách khác, theo như lời của NeonNo, “hóa ra thị trường Game trên Android ở Việt Nam không ngờ lại đa dạng và nhiều đến vậy… và đa số toàn là Game Clone và Game Rip-off, gọi nôm na là game đi ăn trộm.
 
Game Rip-off đầu tiên mà tôi tiếp xúc là Tank Pro của nhà sản xuất pipoonline. Vào đầu game, thấy hình ảnh game tệ đến không thể tệ hơn, toàn bộ là lấy trộm từ game Tankzor vốn đã rất nổi tiếng và được nhiều game thủ biết đến. Chơi được vài giây thì bắn hết đạn, đang loay hoay để làm cách nào mua thêm đạn thì được biết thì 1 cái bảng hội thoại đập vào mắt bắt nạp thêm 15.000 vnđ để có thể mua đạn mà muốn chơi tiếp bắt buộc phải nạp thẻ, bằng không xe tăng lấy gì bắn.
 
Những mảng tối của game mobile Việt Nam 2
 
Quá nản với kiểu thu phí bóp cổ người dùng, tôi quyết định đi tìm sản phẩm khác của 1 nhà sản xuất khác là Su**et-Qplay thì lại được tiếp xúc với cả một mớ Game lậu và Game Trộm lớn nhất từ trước đến giờ mà tôi từng biết. Nào là Where is my Water, Asphalt, Irunner, thậm chí là cả Plants Vs Zombies… gi gỉ gì gi cái gì cũng có. Where is my Water thì được Việt hóa là Kì lưng cá sấu, Asphalt thì là Quái xế, còn Plants Vs Zombies thì là Cuộc chiến thây ma.”
 
Rốt cục, “quy trình Việt Hóa” mà nhiều nhà phát triển/phát hành game hóa ra lại là đem những bản game miễn phí hoặc có mức giá rơi vào khoảng 0,99 USD (20 nghìn VNĐ) về… xào lại ngôn ngữ. Thế nhưng điều khiến cho không ít game thủ mobile cảm thấy khó hiểu, từ đó dẫn đến khó chịu, đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam tự động thay thế một cách trắng trợn logo của những studio gốc đã phát triển tựa game này.
 
Những mảng tối của game mobile Việt Nam 3
 
Chưa hết, sau khi đi ăn cắp, nhiều nhà phát hành game mobile Việt Nam còn hành xử trắng trợn hơn, thông qua việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới tựa game ví dụ như kích hoạt game sau vài phút chơi thử, bỏ tiền để đăng tải thành tích của mình lên leaderboard. Đáng buồn hơn là, kiểu làm ăn “vơ bèo vạt tép” như thế này lại khiến không ít người chơi bị mắc bẫy:
 
“Tôi có tải trò chơi của họ về, chơi được vài phút đã thấy hiện thong báo thu phí với giá 15.000 Vnđ, tôi đang ham chơi nên đành chấp nhận trả số tiền này. Nào ngờ 1 tuần sau lại có thong báo bắt thu phí mới cho tôi tiếp tục chơi, chẳng lẽ bỏ ngang nên tôi đành chấp nhận mất tiếp. Đến khi có người bạn biết mới cho tôi hay rằng Trò chơi này ở nước ngoài hoàn toàn miễn phí, tôi mới ngã ngửa người ra là mình đã bị móc túi bởi mấy Cty lừa đảo này”.
 
Những mảng tối của game mobile Việt Nam 4
 
Nói một cách ngắn gọn, không ít những nhà phát triển/phát hành game mobile tại Việt Nam đã cùng lúc ăn cắp của hai phía: Những studio phát triển game mobile nước ngoài, những người đã bỏ công sức để tạo ra những tựa game đầy lôi cuốn, và sử dụng chính công sức “đi mượn” đó để hút máu người sử dụng ứng dụng. Thiết nghĩ người sử dụng smartphone Việt cũng nên tìm hiểu những kênh phân phối game chính thống như AppStore hay Play Store, cũng như tham khảo nhiều nguồn tin về game mobile trước khi quyết định chọn ra tựa game ưa thích.
 
Thêm vào đó, cũng là điều cần thiết để các cơ quan chức năng về sở hữu trí tuệ vào cuộc và thanh lọc những tựa game “xào nấu” một cách trắng trợn như thế này.
 
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết tại đây: http://www.tinhte.vn/threads/mang-toi-cua-nganh-phat-trien-mobile-game.2017194/