Ngay sau khi bài bài viết
“Nhức nhối thực trạng ứng dụng đồi trụy trên mobile” ra mắt bạn đọc, GameK đã nhận được không ít những phản hồi từ bạn đọc. Cũng giống như những chia sẻ tâm sự trước khi bài viết xuất hiện, chủ nhân của những phản hồi này già có, trẻ có, và đang làm rất nhiều ngành nghề.
Nhìn chung, nội dung của những chia sẻ gửi về cho chúng tôi đều có nội dung phê phán những ứng dụng “đen” đang có số lượng ngày một nhiều trên những chợ ứng dụng dành cho các thiết bị di động. Một số khác thì tỏ rõ những lo ngại những tác động mà những ứng dụng, những “trò chơi” người lớn này đem lại cho giới trẻ, đặc biệt là những người được coi là “chưa đủ tuổi” truy cập những ứng dụng mang nội dung nhạy cảm như vậy.
Ảnh chụp màn hình một ứng dụng 16+
Anh Nguyên (Hà Nội) cho rằng “Phải có cầu thì mới có cung. Nếu không ai có nhu cầu truy cập hay sử dụng những ứng dụng như vậy thì sẽ chẳng có ai chịu làm những ứng dụng như vậy, đơn giản là vì tiền quảng cáo sẽ chẳng thể nào đủ chi phí để ứng dụng hiện diện trên Play Store hay những cửa hàng ảo khác. Nhìn vào tablet của anh bạn đồng nghiệp, tôi cũng phát hoảng với đống app 16+ (phần lớn là ứng dụng tương tác dạng “cởi đồ” hot girl) của cậu ta. Đối với những người đã đủ tuổi thì không vấn đề gì, nhưng nếu những cô bé cậu bé sử dụng ‘đồ chơi’ của ba mẹ và vô tình phát hiện những ứng dụng như thế này bên cạnh những tựa game thì tôi thật không dám nghĩ tới hậu quả”.
Cũng có cùng quan điểm, nhưng sở hữu ý kiến gay gắt hơn là bác Tâm (58t, Hà Nội): “Cá nhân tôi cho rằng pháp luật cần có chế tài quản lý những trò chơi như vậy. Cơ quan quản lý cần thật sự phối hợp với những đơn vị phân phối nội dung số để tìm ra những tổ chức hay cá nhân đăng tải và phát tán những ứng dụng đồi trụy như vậy lên các điện thoại di động, sau đó xử lý nghiêm trước pháp luật. Việc làm ngơ cho những cá nhân như vậy sẽ chỉ khiến cho số lượng những trò chơi 18+ ngày càng nhiều, lấn áp những ứng dụng phục vụ học tập và công việc.”
Bạn Long (Nghệ An) thì chia sẻ: “Nói đi thì cũng phải nói lại, phải có người cần thì những app như vậy mới có cơ hội lộng hành. Có thể kể ra rằng, từ khi các ISP (nhà cung cấp mạng internet) tại Việt Nam đồng loạt chặn truy cập tới một số trang web người lớn, nhu cầu của người sử dụng vô tình chuyển sang những ứng dụng miễn phí đã được đề cập trong bài viết. Và như thế, những người sở hữu thiết bị di động lại một lần nữa vô tình tiếp tay cho những cá nhân viết ra những ứng dụng mang nội dung không phù hợp như vậy”.
Ảnh minh họa
Là một người mẹ đã có con đang trong độ tuổi trưởng thành, chị Phương (Hà Nội) chia sẻ với GameK những lo lắng của bản thân: “Con trai tôi đang học cấp 2, cháu cũng đã bắt đầu có tiếp xúc với những thiết bị công nghệ cao như máy tính bảng hay smartphone. Tuổi nhỏ dễ tò mò, nhất là khi trong lớp không chỉ có mình cháu là con trai. Những bạn đồng trang lứa khác của cháu cũng rất tò mò tìm hiểu những thứ mới, đặc biệt là những thứ mà bố mẹ cảm thấy khá tế nhị hoặc không giải thích tường tận được cho các cháu. Sẽ thật nguy hiểm nếu con em vô tình biết được những nội dung đồi trụy như thế nào và lạm dụng chúng, ngay khi các em còn chưa đủ tuổi.”
Trên đây mới là số lượng rất ít những chia sẻ mà GameK nhận được tính đến thời điểm này. Bên cạnh việc chia sẻ sự đồng tình về tác hại của những ứng dụng như thế này nếu sử dụng không hợp lý, những chia sẻ gửi về cho chúng tôi còn phần nào đưa ra những bất cập đã tạo điều kiện cho những ứng dụng “đen” có cơ hội phát triển, ví dụ như lý do chủ quan từ chính người sử dụng, hay khách quan từ các bậc phụ huynh hay hơn nữa là cả những doanh nghiệp điều phối nội dung số trên các thiết bị di động.