Trong bài viết đã giới thiệu với các bạn độc giả trước đây, nói về thị trường game mobile Việt, GameK đã đưa ra những nhận định khái quát về thị trường game mobile (cả online lẫn offline) tại nước ta. Nếu như thị trường game mobile online càng lúc càng có nhiều cái tên tham gia cuộc đua, với những tựa game hầu hết là MMORPG với đề tài kiếm hiệp và giả lập thành phố ảo trên nền java. Trong khi đó những game mobile offline lại tỏ ra “hụt hơi” khi số lượng dự án, cũng như những nhóm phát triển game tỏ ra khá mờ nhạt tại thị trường trong nước.
Thế nhưng, khi nhìn vào những cửa hàng ảo như Play Store của Google, Appstore của Apple, Ovi Store của Nokia hay Amazon Appstore, chúng ta có thể lạc trong “bạt ngàn” những tựa game mobile đủ thể loại. Sự phát triển của những studio game mobile đã lên tới mức một tựa game đi trước, giành được một số thành công nhất định sẽ là tiền đề cho một “cơ số” game khác ăn theo với lối chơi và nền đồ họa có phần tương đồng theo sau, dẫn đến hiện tượng bão hòa, trong khi những tựa game mới với lối chơi đột phá, dễ gây nghiện thì khá khó tìm.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là, phải chăng thị trường game mobile cả ở Việt Nam lẫn thế giới đã chạm tới ngưỡng bão hòa? Câu trả lời là có, và không. Thực hư ra sao, mời các độc giả cùng tiếp tục đi sâu vào thị trường cực kỳ tiềm năng này cùng GameK.
Thị trường quốc tế: Bạt ngàn!
Và khi nói đến từ bạt ngàn, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng tính từ này cho hầu hết tất cả những cửa hàng ảo phân phối ứng dụng di động hiện đang tồn tại. Theo thống kê vào tháng 4/2012 của trang tin Android Authority, hiện Google Play Store đang là nơi phân phối khoảng 430.000 ứng dụng của các nhà phát triển ứng dụng Android. Trong khi đó, con số này đối với Appstore là khoảng 650.000 ứng dụng.
Điều này có nghĩa là, chi cần 1/5 tổng số lượng app kể trên của cả 2 cửa hàng ảo là các tựa game, thì chúng ta, những người sử dụng hoàn toàn có thể “chết chìm” trong đống game trên tablet hay iPhone của mình rồi. Một điều đáng tiếc là thay vì đào sâu để có những thống kê chính xác về số lượng game mobile trên Play Store, thì những người thống kê chỉ đưa ra những thông tin chung nhất, khiến cho số liệu trong bài viết của chúng ta kém chính xác.
Vấn đề đối với người sử dụng cũng như các ông lớn nảy sinh khi mặt bằng chung về chất lượng của những ứng dụng trên các cửa hàng ảo hoàn toàn không đồng đều. Các tựa game cũng vậy. Một điều quá rõ ràng là không phải game mobile nào cũng có chất lượng và đáng chơi. Chỉ một tựa game Angry Birds của Rovio đã có hàng tá bản ‘clone’ chất lượng kém như Cats Cannon, Worms vs Birds hay thậm chí là… Angry Poo! Cứ 1 game hay lại có 5 game dở xuất hiện với nội dung, cách chơi hay cả nền đồ họa như vậy đã khiến Play Store hay Appstore trở nên bão hòa.
Trong khi đó, những dự án đầy triển vọng và sáng tạo như Super Hexagon, Jazz: Trump’s Journey thì ngày càng hiếm. Có lẽ, những game mobile đáng chơi nhất trong thời điểm này chỉ là những cái tên lớn được các nhà phát triển port từ những tựa game đỉnh trên console hay PC trước đây nhưFinal Fantasy III, Beat Hazard hay mới đây là Street Fighter X Tekken.
Tình trạng “clone game” đã lên tới mức mà Google đã phải thay đổi một số điều luật cho các ứng dụng có mặt trên Play Store vào cuối tháng 7 vừa qua, theo đó những ứng dụng hay game có sự tương đồng với những ứng dụng ra mắt trước đó, gây nhầm lẫn cho người sử dụng sẽ bị gỡ bỏ khỏi Play Store. Đây hứa hẹn sẽ là đòn bẩy giúp thanh lọc cửa hàng ảo của Google trước thực trạng như đã đề cập ở trên.
Việt Nam: Cũng không kém cạnh, nhưng ở phương diện khác
Có thể nói, sự “bạt ngàn” các game mobile từ các nhà phát triển nước ngoài là một trong số những nguyên nhân khiến cho người sử dụng Việt Nam vô tình quay lưng lại với những sản phẩm làm ra bởi chính người Việt. Sự hiện diện của những tựa game Việt (ứng dụng di động do người Việt thực hiện lại khác hoàn toàn) trong thiết bị di động của người sử dụng dường như quá thưa thớt, trước một rừng game như Asphalt 7, Fruit Ninja hay Cut The Rope.
Dĩ nhiên, công sức của những người Việt trẻ đầy hoài bão không hề bị đánh giá thấp. Nhiều game được nhào nặn dưới bàn tay người Việt vẫn tỏa sáng trên Appstore hay Play Store, có điều chúng chưa thu lại thành công về tài chính như các nhà phát triển mong muốn.
Trở lại thị trường trong nước. Sẽ là có lý khi kết luận rằng chính thu nhập bình quân đã khiến Android và iOS không phải là thị trường chủ yếu cho các nhà phát triển cũng như phân phối ứng dụng di động tại Việt Nam. Kỳ thực, theo thống kê, thì nguồn thu chủ yếu của những nhà phát hành game tại nước ta vẫn cứ là cộng đồng người sử dụng feature phone, với khả năng chạy mượt mà những ứng dụng nền Java với chất lượng đồ họa không khác nhiều những game cho Nintendo DS.
Chính vì lẽ đó mà các nhà phát hành game online mobile như VTC hay MC Corp vẫn tập trung đánh vào thị phần người sử dụng ứng dụng java, mà bỏ quên đi số lượng người dùng smartphone, máy tính bảng chạy các HĐH di động cao cấp đang ngày một tăng, vì giá thiết bị đã và đang rẻ đi trông thấy. Những người sử dụng Android và iOS Việt Nam cũng rất cần những game mobile online với nền đồ họa tương xứng với sức mạnh mà chiếc máy của họ sở hữu, chứ không phải là vô số những game mobile online được port từ bản game java lên, và không có chút chỉnh sửa nào về đồ họa như Vấn Kiếm, Hoàng Đế Online hay MC Võ Lâm 3. Một điều đáng buồn nữa, là hầu hết chúng đều là những sản phẩm đến từ người hàng xóm Trung Quốc.
Nói như vậy, nhưng GameK hoàn toàn không có ý muốn “bỏ quên” cộng đồng sử dụng java đông đảo như hiện nay. Tuy nhiên mọi chuyện đã khác nhiều so với thời điểm 5 năm về trước, “thời kỳ hoàng kim” của những ứng dụng cho feature phone. Chỉ với vài ba triệu Đồng, sinh viên hay người sử dụng phổ thông tại Việt Nam cũng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone Android hay một chiếc iPod Touch. Nhu cầu của thị trường cũng đang dần thay đổi, tạo ra những thị trường mới béo bở cho những nhà phát triển ứng dụng cũng như phân phối ứng dụng tại Việt Nam.