Nói đến One Piece không thể không nhắc đến sự thành công trên toàn thế giới của bộ manga cực kì vui nhộn đậm chất phiêu lưu của thuyền trường “cao su” Monkey D. Luffy và “đồng bọn”. Nhờ có những nhân vật cực kì đặc biệt từ tính cách cho đến ngoại hình kì dị, One Piece đem đến nhiều cung bậc cảm xúc đậm chất “Epic” cho người đọc.
Sự thành công của One Piece có lẽ không cần phải bàn đến, trong phạm vi bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự thành công không kém của One Piece ở một góc độ khác, đó chính là game online tại Việt Nam.
Chặng đường hơn 2 năm
Ra mắt trong năm 2012, webgame
Vua Hải Tặc nhanh chóng được cộng đồng hâm mộ One Piece chú ý bởi sự kết hợp khá đồng bộ giữa cốt truyện với gameplay. Đặc biệt với hệ thống hiệu ứng skill cực kì bá đạo và có tiết tấu nhanh,
Vua Hải Tặc nhanh chóng chinh phục game thủ Việt lúc bấy giờ trong “thời đại webgame”.
Mặc dù có rất nhiều đối thủ trong thời gian Vua Hải Tặc xuất hiện, thậm chí trải qua giai đoạn bão hòa webgame và bị game thủ Việt tẩy chay coi là “rác”, nhưng Vua Hải Tặc vẫn giữ được một lượng game thủ trung thành không nhỏ. Sự thành công đó một phần đến từ “theme One Piece” vẫn đang làm mưa làm gió trên thị trường manga Nhật, phần khác đến từ gameplay đơn giản nhưng có tính “gây nghiện” của Vua Hải Tặc.
Hiện nay, tựa game này đang sở hữu tới 119 server tính đến thời điểm hiện tại. Sau gần 2 năm phát hành sự thành công của Vua Hải Tặc là không thể phủ nhận. Thế nhưng cũng như bao webgame khác, tình trạng mở server quá nhiều, lạm dụng cash shop đang là vấn đề rất lớn của tựa game này khiến nhiều game thủ bức xúc.
Một phân khúc hỗn loạn
Sau webgame, phân khúc tiếp theo đang đem lại lợi nhuận cực kì lớn cho các tựa game ăn theo One Piece chính là game mobile. Dù đây là thị trường ngách, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường game mobile vừa qua, các tựa game ăn theo này đang thu hút khá đông game thủ tham gia tải về nhờ theme One Piece.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất lại chính là sự hợp pháp của các ứng dụng, trò chơi ăn theo theme One Piece hiện nay trên các cửa hàng trực tuyến. Nếu để ý sẽ thấy đa phần đều là các sản phẩm tự phát của một cá nhân, không hề có thông tin của NPH hay đơn vị chịu trách nhiệm. Đúng hơn, đó là những sản phẩm game “lậu” với những NPH không tồn tại, không trách nhiệm pháp lý và đương nhiên là không đóng thuế.
Vậy với sự “mờ ám” như vậy, quyền lợi của game thủ - khách hàng liệu có được đảm bảo? Tất nhiên là không. Theo ghi nhận của nhiều khách hàng phản ánh, họ bị thu hút bởi hàng trăm ứng dụng, trò chơi ăn theo đề tài One Piece trên các chợ ứng dụng trực tuyến. Nhưng khi tải về thì lại là game… kiếm hiệp, hoặc các ứng dụng lừa đảo, có hình ảnh đồi trụy…
Ngay sau khi được tải về, các ứng dụng này sẽ bắt đầu truy cập các mã tài khoản cá nhân của khách hàng, yêu cầu hoặc tự động nhắn tin đến những tổng đài “ma” để rút tiền trong tài khoản điện thoại. Nguy hiểm hơn, với những người sử dụng smartphone để giao dịch qua ngân hàng, họ có nguy cơ bị hack tài khoản rất lớn do thói quen lưu mật khẩu trong smartphone.
Tạm kết
Dù có rất nhiều vấn đề nổi cộm xoay quanh đề tài One Piece đang được khai thác thông qua môi trường game tại Việt Nam, thế nhưng không thể phủ nhận được sức hút kì lạ của đề tài One Piece đối với cộng đồng game thủ Việt. Liệu sau Vua Hải Tặc, ai sẽ là người “dẹp loạn hàng ngàn sứ quân” đang hỗn loạn trên phân khúc mobile?