Divmob hiện được coi là một trong những tên tuổi tiên phong cho game mobile tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2011, Divmob đã tạo được một số thành công nhất định tại thị trường quốc tế. Họ được biết đến qua nhiều đầu game trên hệ điều hành Android như Ninja Revenge hay Zombie Age.
Nhưng, tại sao lại là dấu ấn trên thị trường quốc tế chứ không phải là tại Việt Nam? Tìm ra câu trả lời là trong những lý do mà chúng tôi muốn có buổi trò chuyện với anh Ngô Văn Luyến, CEO và founder của hãng phát triển game Divmob.
Hẹn gặp anh tầm 9h30 tại một quán cafe nằm trên đường Trần Quốc Thảo, anh đến rất sớm và ngồi ở một góc khuất. Vậy là chẳng kịp chuẩn bị máy chụp hình và sổ tay để setup như thường lệ, tôi chào hỏi anh vài câu qua lại cho “nóng máy” rồi bắt đầu buổi phỏng vấn.
Tại sao lại có sự chênh lệch giữa game Trung Quốc và Game Việt Nam trên thị trường hiện nay? Cán cân có vẻ nghiêng về phía Trung Quốc, phải chăng game Trung Quốc dễ ăn khách vì có liên quan đến phim kiếm hiệp hoặc có lồng vào những tính chất sử thi của họ hay là vì lý còn vì lí do gì khác ?
Thật ra mình có nhiều kiến thức về mảng mobile, mình biết nhiều hơn về mảng PC và Webgame. Tuy nhiên lý do chính là nguồn cung tại Việt Nam không đủ. Thật sự mà nói, các nhà phát hành nếu muốn tồn tại họ phải lấy game Trung Quốc để có nguồn cung. Bên cạnh đó cũng có một số lý do khác như sự đa dạng về thể loại. Số lượng game của Trung Quốc rất phong phú và đa dạng hơn nhiều so với Việt Nam.
Ngoài ra, game Trung Quốc còn đạt được sự ổn định sau một thời gian thử nghiệm tại một thị trường rộng lớn. Các nhà phát hành Việt Nam khi lựa chọn phát hành game sẽ lựa chọn những game đã thành công tại Trung Quốc hoặc đã có lượng doanh thu nhất định, như vậy việc đầu tư của họ sẽ an toàn hơn. Nếu một ngày, Việt Nam có đủ nguồn cung cũng như sản phẩm đa dạng, những nhà phát hành sẽ rất sẵn sàng để ủng hộ sản phẩm trong nước thôi.
Theo anh thì thị trường Trung Quốc có giống như thị trường Việt Nam không? Nếu game thành công ở Trung Quốc cũng sẽ thành công tại Việt Nam ?
Không thể chắc chắn 100% rằng nếu game thành công ở Trung Quốc cũng sẽ thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên có thể nói khả năng thành công sẽ nhiều hơn vì sản phẩm đã qua một thời gian dài thử nghiệm và có một lượng users nhất định, vậy nên game sẽ có độ ổn định hơn.
Theo tôi thấy, hiện nay hiện đang có khá nhiều nhà phát triển game tại Việt Nam, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, theo anh lý do vì sao lại có sự thiếu hụt này?
Nghành phát triển game mobile Việt Nam hiện đang rất mới và non trẻ, và phát triển dựa trên những nền tảng trước đó không được tốt lắm, ví dụ như PC hay webgame, thế hệ nhân lực từ nền tảng đó đi lên đã không tốt và không đủ, cộng thêm sự non yếu của ngành công nghiệp game mobile hiện nay dẫn đến việc mọi người phải loay hoay để tìm lối đi cho phù hợp, nên chưa thể cất cánh được.
Nhiều ý kiến cho rằng, game mobile Việt Nam vẫn chưa tạo được bản sắc cho mình: một game thuần Việt. Khi nhìn vào các game Trung Quốc thành công ta thấy họ lồng vào nhiều yếu tố thần thoại và sử thi của mình, vậy có phải đó là lý do đem lại thành công cho game Trung Quốc? Thậm chí họ chỉ cẩn sản xuất game cho thị trường nội địa của mình là đủ.
Không riêng gì game, xưa nay cả phim và truyện của Trung Quốc từ xưa nay đã rất hay và cuốn hút, đủ sức để tạo ra nội dung cho game. Việt Nam không thể đi theo hướng như vậy được. Ví dụ như game về Điện Biên Phủ, có thể rất hấp dẫn, nhưng ngoài ra bạn cũng khó có thể tìm được những nội dung có thể làm được.
Nói chung đề tài thì vẫn có nhưng nó có quá ít nội dung mình có thể làm được. Nên mình nghĩ, không nhất thiết phải làm những nội dung như vậy, nên làm những game có nội dung mở hơn cho cộng đồng quốc tế chứ không hẳn chỉ dành riêng cho Việt Nam. Ví dụ như Flappy Bird, Candy Crush hay Clash of Clans, ở đâu chơi đều được cả.
Tôi được biết các đối tác của Divmob thường là từ những nước ngoài như Hongkong, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, hay Myanmar. Vì sao lại có sự hợp tác từ ngoài mà không phải là từ thị trường game mobile nội địa?
Vì định hướng của bên mình là làm cho thị trường quốc tế. Theo cá nhân tôi, tại sao lại phải làm riêng cho thị trường Việt Nam vì hiện nay, mọi thứ hiện nay đã rất là mở. Mình có thể làm cho cả thể giới chứ không nhất thiết phải là trong nước. Đối với Divmob, mình có tham vọng tạo nên tên tuổi trên thị trường quốc tế. Do đó từ mặt thiết kế đến nội dung đều hướng đến thị trường này.
Anh có thể chia sẽ kinh nghiệm của mình vấn đề bản quyền sản xuất game?
Bên mình đã có một số va chạm về vấn đề bản quyền, và đặc biệt là khi tham gia vào thị trường quốc tế. Phải tuân thủ khắt khe các điều luật, vì xây dựng tên tuổi rất khó và hơn hết là tên tuổi trên thế giới. Thường thì, nội dung gameplay chúng ta không thể đăng ký bản quyền về gameplay được, nhưng có thể đăng ký bản quyền về mặt hình ảnh và âm thanh.
Ví dụ, bạn có thể làm một game có cách chơi tương tự Flappy Bird nhưng không thể bắt chước hình ảnh chú chim đó được. Thứ 2 là về phần âm thanh, phần này sẽ hơi phức tạp vì rất khó để phân biệt âm thanh khác nhau, của ai làm, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu bạn muốn đi đường dài.
Tại sao Divmob chọn phát triển game chủ yếu trên hệ điều hành Android mà không phải là iOS?
Thật ra nó chỉ là sự lựa chọn thôi. Tại thời điểm phát hành, bên mình làm cho cả hai, tuy nhiên sau đấy, mảng Android phát triển tốt hơn nên mình muốn tập trung cho nó. Divmob tự phát triển và tự đầu tư nên không thể thử trải nghiệm rộng trên các nền được.
Xét về mặt kỷ thuật thì chúng ta có thể chuyền từ Android sang iOS khá nhanh, nhưng khi nói về mặt trải nghiệm người dùng thì nó lại là vấn đề khác. Người dùng iOS thường đòi hỏi chất lượng hình ảnh cao hơn. Ví dụ khi chơi game trên iphone và Ipad bạn không thể sử dụng 1 loại cho cả hai được. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu muốn phát triển cho cả iOS thì sự đầu tư phải lớn hơn và phải thực sự nghiêm túc hơn. Hiện nay, khi nền tảng của Divmob đã vững vàng hơn, bên mình đang quay lại với cả hai nền Android và iOS.
Một góc văn phòng Divmob
Với một nhà phát hành game tốt, đến từ nước ngoài chẳng hạn, thì liệu điều đó có giúp cho game mobile Việt dễ dàng cất cánh từ thị trường trong nước sang các nước khác trên thế giới được hay không?
Theo mình, chất lượng chung của game mobile Việt Nam thì chưa đủ để các nhà phát hành game nước ngoài chú ý tới. Tuy nhiên, đối với những game thành công và đặc thù dành cho Việt Nam thì những nhà phát hành thế giới sẽ lại không thể phát hành được vì tính đặc thù của nó chỉ có những nhà phát hành trong nước là có thể phát hành được thôi.
Nói tóm lại, nếu muốn đi quốc tế, thì game phải cực kỳ tốt mới có thể lọt vào mắt xanh của các nhà phát hành, vì thực tế hiện nay đang có quá nhiều game, chỉ cần so với Trung Quốc chúng ta đã thua xa rất nhiều chứ chưa nói đến những nước khác.
Vậy theo anh, các nhà phát triển game Việt cần làm gì mới có thể phát triển và tiến xa hơn nữa trong thị trường game trong nước cũng như nước ngoài, hay ít nhất là tạo ra những sản phẩm hoàn thiện?
Hiện này để làm một game cần có 3 nhóm developer, artist và game designer (người thiết kế game). Theo mình thấy developer hiện nay ở Việt Nam đã là khá tốt rồi, artist cũng khá tốt tuy nhiên game designer vẫn chưa được đào tạo một cách bài bản.
Để có những game có chất lượng tốt như vậy, chúng ta cần nhiều hơn nữa những game designer tốt, những đạo diễn-những người viết nên kịch bản và gameplay cho một game. Game designer còn khá mới mẻ tại Việt Nam, mình cần phải có một cách nào đấy để tăng chất lượng của game designer.
Đối với e-commerce, một startup có thể dễ tồn tại hơn vì có thể tạo ra cash flow ngay tức khắc. Trong khi làm game thì lại rất khó để làm được chuyện đó. Vậy thì anh có lời khuyên nào cho các startup trẻ khi họ muốn dấn thân vào thị trường này?
Thật ra mình nghĩ, ở bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ có chỗ đứng cho những người có đủ đam mê với nó. Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cơ hội hơn ngày xưa rất nhiều. Vì đang có rất nhiều nhà phát hành cũng như công ty sẵn sàng chi tiền cho các dự án sáng tạo và hấp dẫn, đủ để giúp cho một team yên tâm hoạt động trên sản phẩm của mình. Ví dụ, Divmob hiện nay sẵn sàng làm nhà phát hành và chi một khoản tiền cho các team có tiềm năng.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ của mình, hẹn gặp lại anh tại buổi meet up Game in Asia ngày 17/4 này.
Theo Techinasia.