Sau sự kiện game Flappy Birds của lập trình viên Nguyễn Hà Đông gây được ấn tượng mạnh trên thế giới vào đầu năm 2014, doanh nghiệp game trong nước đã phát triển và đưa ra nhiều sản phẩm game di động (mobile) nhằm giành lại thị phần mà game ngoại thống lĩnh. Đây là thời điểm các nhà đầu tư nội bắt đầu thu lợi nhuận, tạo được sự chú ý với thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những thành quả bước đầu, các nhà làm game nội còn cần có chiến lược đầu tư đúng hướng để đưa ngành game mobile còn non trẻ phát triển bền vững.
Giành lại thị phần
Nếu như trước đây, thị trường game mobile tại Việt Nam chủ yếu là “sân chơi” của nhà làm game nước ngoài thì từ cuối năm 2013, các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu nhập cuộc để giành lại thị phần.
Báo cáo của VNG Game Studio cho biết đến tháng 12- 2014, các sản phẩm game do VNG nghiên cứu và phát triển đã phục vụ cho 11.315.517 người dùng tại hơn 233 quốc gia, trong đó có người dùng tại 119 quốc gia sẵn sàng trả tiền. So với đầu năm 2014, lượng người dùng sản phẩm game của VNG trong 1 tháng gần đây đã tăng hơn 1,7 lần, người dùng mới tăng 3,3 lần. Với 20 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm Khu Vườn Trên Mây, Zing Play và Dead Targe phát hành ra nước ngoài, doanh thu của bộ phận phát triển game VNG năm 2014 cũng tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước. Ông Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc bộ phận Phát triển game của VNG, cho biết: “Đón đầu xu hướng di động nên chúng tôi tập trung toàn bộ nhân sự vào việc phát triển game mobile. Dù chỉ phát hành ra nước ngoài vào tháng 7-2014, đến nay, Dead Target đã có hơn 7 triệu lượt người dùng tải về điện thoại di động ”.
Nhiều nhà làm game Việt tập trung cho mảng game di động
Theo ông Lê Giang Anh, Giám đốc điều hành JOY Entertainment JSC - một xưởng (studio) làm game di động tại Việt Nam, 2014 là năm thành công của ngành game Việt Nam với nhiều studio đạt kết quả ngoài mong đợi như game Emobi, Zoy game… “Năm 2014, chúng tôi chỉ phát hành một game mobile mới nhưng doanh thu đã tăng gấp 10 lần so với năm 2013” - ông Anh nói.
Ông Hà Trung Hiếu, Giám đốc hợp tác và kinh doanh SohaGame, cho biết dù chưa thể sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng quy mô của thị trường game mobile Việt Nam năm 2014 là khá lớn, bắt đầu có doanh thu. Nhiều studio làm game mới xuất hiện, các lập trình viên làm game mobile cũng đông đảo hơn. Trong năm 2014, SohaGame đã ra đời 22 game khác nhau, mở hơn 1.000 máy chủ phục vụ người dùng.
Cần đầu tư đúng hướng
Tuy bước đầu gặt hái được thành công song các chuyên gia nhận định các nhà làm game Việt Nam cần khắc phục những nhược điểm cũng như có chiến lược đầu tư lâu dài. Các chuyên gia nhận định khoảng 90% sản phẩm trò chơi trực tuyến của Việt Nam không thành công ngay từ khâu sản xuất, 9% không thành công khi bước vào thị trường và chỉ còn 1% những trò chơi trực tuyến hay nhất (hoặc may mắn nhất) có thể sống sót và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường game mobile năm 2015 còn khá lớn do mảng game trên máy tính ngày càng bị thu hẹp vì các sản phẩm đa phần có nội dung na ná nhau, các sản phẩm “hot” thì sớm rơi vào các nhà phát hành có tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy, phát triển game mobile được xem là một lối ra dành cho các nhà phát hành game nhỏ, nhân sự hạn chế và nguồn vốn có hạn.
Theo ông Lê Giang Anh, trong năm 2015, thị trường game mobile Việt Nam sẽ phát triển theo 3 hướng: làm game “na ná” các game Trung Quốc ; game “mì ăn liền” và game lớn, game online. Ngoài ra, việc các nhà phát hành đầu tư rất lớn cho game mobile cũng là điều hứa hẹn sẽ giúp game mobile Việt Nam phát triển. “Các nhà làm game Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế như: clone (sao chép), trộm cắp, nhái theo game nước ngoài. Trong quá trình làm ăn vẫn còn tình trạng chụp giựt, đố kỵ, làm game chất lượng thấp. Thêm khó khăn nữa là thiếu định hướng thị trường và đầu ra sản phẩm. Các nhà phát triển game cần đầu tư kỹ về chất lượng và nội dung cho sản phẩm, các giá trị sáng tạo, cần định hướng sản phẩm đúng với nhu cầu người chơi” - ông Anh nói.
Những khó khăn của ngành game online tại Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, là do nhiều yếu tố, trong đó có việc cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các công ty nước ngoài, các công ty kinh doanh xuyên biên giới, game lậu. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây ban hành Thông tư 24 hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 nhằm quản lý internet, game online chặt chẽ là một tin vui với ngành game online tại Việt Nam. Vì vậy, việc ban hành thông tư cũng như hoàn thiện các quy định pháp lý hướng đến hình thành hành lang pháp lý chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành game có thể cạnh tranh công bằng hơn.
Doanh thu lớn
Theo báo cáo tại hội nghị các nhà phát triển game mobile OGDC 2014 tổ chức ở TP HCM tháng 7-2014, trong năm 2013, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường game online lớn nhất tại Đông Nam Á với doanh thu khoảng 233 triệu USD, đứng thứ 6 châu Á, 25 thế giới. Trong số đó, game mobile chiếm hơn 10% thị phần (25,5 triệu USD). Theo dự báo của giới chuyên gia trong ngành game, hiện doanh thu ở mảng game mobile tại Việt Nam đang đạt khoảng 2 triệu USD/tháng; trong năm 2015, doanh thu dự kiến đạt 35 triệu USD và năm 2016 là 52 triệu USD toàn ngành.
Theo Thế Giới @
>> Những game online hot sắp đến tay game thủ Việt Nam