Trước khi đọc bài viết này, GameK xin mạn phép giải thích cho một số độc giả nghĩa của khái niệm Freemium, nó có gì khác so với Premium? Mô hình Freemium (Free + Premium) là mô hình kinh doanh dựa vào việc cung cấp trò chơi/ứng dụng với các tính năng cơ bản hoàn toàn miễn phí, người chơi có thể bỏ thêm tiền nếu họ muốn sử dụng nhiều tính năng cao hơn (Premium).
Chúng ta có thể thấy mô hình này rất phổ biến trên Google Play và App Store, đễ dễ liên tưởng, hệ thống In-App Purchase/Payment (Mua hàng ngay trong ứng dụng bằng tiền thật) chẳng hạn.
Freemium: Cứu cánh của các studio
Có người cho rằng: Freemium là tương lai, Freemium là cách tốt nhất để kiếm tiền từ trò chơi, Freemium là chén thánh của những tựa game di động. Nếu bạn nhìn vào những tên tuổi lớn và các thương hiệu lớn, chỉ có một con đường duy nhất để thành công về mặt tài chính trong việc phát hành game di động: cung cấp game dưới dạng Freemium.
Tiền thật giúp unlock những nội dung ẩn trong ứng dụng.
Nhận định nói trên dựa trên tình hình tài chính trên Google Play Store. Sở dĩ rút được ra nhận định như vậy dựa vào nhiều nguyên nhân: Đối lập với nền tảng iOS, tình trạng vi phạm bản quyền trên Google Play Store đã trở nên vô cùng tồi tệ.
Google không coi iTunes như một đối thủ đúng nghĩa đối với Google Play Store (Thực chất, Google vốn vẫn coi Play Store là nơi các nhà phát triển giới thiệu sản phẩm của mình). Đó chính là lí do tại sao khách hàng không sẵn lòng rút hầu bao ra để mua những ứng dụng trên cửa hàng của ông trùm tìm kiếm. Vậy các nhà phát triển Android phải làm gì để kiếm tiền từ trò chơi của họ? Về cơ bản, các nhà sản xuất chỉ có ba lựa chọn chính:
- Sử dụng hệ thống In-App-Advertising(Quảng cáo ngay trong ứng dụng).
- Cung cấp ứng dụng tính phí.
- Thực hiện mô hình Freemium.
Lợi ích không ngờ
In-App-Advertising (quảng cáo trong ứng dụng) không được lòng nhiều người. Nó không mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà phát triển, và song song đó họ cũng không thể kiểm soát nội dung quảng cáo và các bảng quảng cáo xấu xí sẽ phá hủy hoàn toàn bầu không khí của trò chơi.
Trong khi đó, việc cung cấp ứng dụng tính phí là một vấn đề khá mơ hồ nữa: Ngay sau khi bạn ra mắt một trò chơi với giá 1.99$ chẳng hạn, bạn có thể chắc chắn rằng một nửa số khách hàng sẽ tránh trò chơi của bạn như “tránh hủi”. Nửa còn lại sẽ chờ đến khi bạn giảm giá ứng dụng xuống còn 0.49$ hoặc chỉ đơn giản là tìm kiếm bằng cụm từ khóa: “Tên Game + .apk” để sở hữu một cách trái phép bằng cách tải file đã crack trên những ứng dụng như Blackmart.
Đó chính là lí do tại sao mô hình Freemium (có vẻ) là giải pháp tốt nhất. Nó cho người dùng cơ hội để trải nghiệm trò chơi miễn phí và làm hài lòng các nhà phát triển vì các tùy chọn cho phép mở khóa các nội dung trả phí. Nghe có vẻ dễ dàng trên giấy tờ và lý thuyết, nhưng thực tế thì không như vậy.
Cuộc chiến bánh mì
Hãy thử tưởng tượng, rằng thế giới chỉ có một cách duy nhất để kiếm tiền, nướng bánh mì chẳng hạn. Mọi người hoàn toàn trở nên điên loạn vì bánh mì và cố gắng tiêu thụ từng ổ bánh họ có được. Tất nhiên mỗi người ai cũng muốn trở thành thợ nướng bánh, mỗi lò bánh đào tạo ra hàng chục thợ nghề, mỗi cử nhân đều chọn “bộ môn” nướng bánh mì thay cho bất kỳ bộ môn nào khác, bất chấp tài năng, kĩ năng và khả năng thiên phú riêng của mỗi con người.
"Bánh mì cũng có dăm bảy loại".
Thế giới sẽ bị chia ra bởi người nghèo không có cơ hội làm việc trong tiệm bánh nhưng vẫn có thể tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn bằng cách làm bất cứ những gì họ có thể làm. Trong khi đó người giàu cũng bị phân hóa bởi những kẻ tài năng làm ra những cái bánh thơm ngon và những kẻ không có tài với những ổ bánh mì cứng như đá.
Đó là những gì đang xảy ra trong thế giới game của Android OS. Một sự thật phũ phàng đang hiện diện là khách hàng, người sử dụng chúng ta, đang “đói” game, “đói bánh mỳ” theo nghĩa đen.
Một mặt, có rất nhiều các nhà phát triển Indie(độc lập) với các trò chơi tuyệt đẹp, đáng buồn họ không thể kiếm được tiền từ chúng mà không thực hiện mô hình In-App-Payment. Mặt khác, một vài nhà phát triển đưa đến chúng ta một trải nghiệm game tuyệt vời có thể có hoặc không khiến chúng ta móc hầu bao, nhưng trong khoảng thời gian gần đây, Google Play đang nhồi nhét những ổ bánh mì đen thui và cứng như đá vào dạ dày chúng ta.
“Xịn” và “có vẻ xịn”
“Quá nhiều đâu bếp sẽ làm hỏng nước dùng”. Câu ngạn ngữ phương Tây này hóa ra lại hết sức đúng đắn trong thời kỳ những tựa game mobile đã và đang trỗi dậy. Một vài người, hay đúng hơn là một vài studio không biết cách để ngăn lòng tham của họ lại.
Hãy lấy Ocean Tower của FlareGames làm ví dụ. Trò chơi này vô tình đứng chênh vênh trên con đường nhỏ hẹp giữa việc miễn phí và tính phí nội dung. Thật không may, nó đã sai lầm khi nâng cấp lên phiên bản mới nhất. Sau khi ra mắt phiên bản 1.2.0 với nhiều ”tính năng” mới, trò chơi trở nên đắt hơn nhiều và gần như không thể chơi được mà không bỏ ra thật nhiều tiền. FlareGames đã bị cộng đồng gamer cũng như người sử dụng di động “ném gạch” khá nhiệt tình trên Facebook, AppStore và Google Play. Peter, một khách hàng buồn bã than phiền về việc kéo dài trò chơi một cách không cần thiết mà lại buộc khách hàng chi tiền ra.
Không khó để tìm thấy nhiều ví dụ khác về các nhà phát triển Android với mô hình Freemium. Hãy nhìn hai tựa game lớn của Gameloft: Dungeon Hunter 3 và Real Football 2012. Trong Dungeon Hunter 3, mỗi level bạn sẽ phải chơi đi chơi lại 10 lần (hoặc bỏ ra chút tiền vào hệ thống IAP) chỉ để đủ khả năng đi tiếp màn tiếp theo. Còn trong Real Football 2012, bạn sẽ không thể nào chơi 2 trận đấu liên tiếp mà không mua một vài loại thuốc tăng lực cho các chân sút đã kiệt sức.
"Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham!"
Những ví dụ trên cho thấy: Mô hình Freemium đã và đang bị các nhà sản xuất lạm dụng và khách hàng càng ngày càng không thế chấp nhận nó một cách bình tĩnh nữa.
Gameloft, thông qua 2 tựa game kể trên, đã phá vỡ điều luật bất thành văn bằng cách kiếm tiền từ các yếu tố cần thiết trong trò chơi thay vì cung cấp các nội dung bổ sung như trang phục, tăng EXP… với số tiền bỏ ra. Đó là lí do chúng ta không đề cập tới các trò chơi “Free to Play” nữa, bởi vị nó không đơn thuần là chơi miễn phí các tựa game mà không phải bỏ tiền. Giờ đây nhiều người hiểu rằng “Free to Play” trên nền di động đồng nghĩa với việc nếu bạn không chịu khó bỏ “một chút” tiền thì những gì bạn có sẽ là sự khó chịu khi gameplay khóa quá nhiều chức năng cần thiết.
Vậy, cuộc hành trình của các nhà sản xuất game sẽ dẫn đến đâu? Nếu Freemium là những chiếc phao cứu hộ, còn con tàu Android vẫn chạy tốt, vẫn lênh đênh trên biển những trên đó toàn những hành khách cuồng loạn ăn thịt lẫn nhau. Liệu giải pháp có phải là mặc cho ngọn gió thổi con tàu trôi đến những nơi chưa ai biết? Hay chúng ta phải “liều mạng” làm nên một cuộc cải cách lớn, với sự hy sinh là điều tất yếu?
Tạm kết
Một cách nghiêm túc, nhiều người nghĩ rằng Freemium là giải pháp cực kỳ hữu ích cho các game thủ, vì họ có cơ hội được chơi những tựa game chất lượng cao một cách miễn phí. Nó cũng là cơ hội lớn cho các nhà phát triển kiếm tiền từ Android mà không phải lo nghĩ tới vấn đề vi phạm bản quyền.
Tương lai Freemium phụ thuộc vào chính các studio game.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang nói về việc chơi game, và chơi game thì phải vui vẻ. Trò chơi cũng là một hình thức tái hiện nghệ thuật, chứ không phải là phương tiện để moi tiền khách hàng. Các trò chơi nên được thiết kế bởi những người yêu game cho những người thích chơi game.
Nếu một trò chơi tốt, doanh thu của nó sẽ phản ánh chất lượng, hoàn toàn không ảnh hưởng từ việc nó có là Freemium hay không. Còn nếu nó chỉ là một nốt nhấn, một sản phẩm được làm cẩu thả, nó sẽ làm hỏng mô hình Freemium nói riêng cũng như danh tiếng của các trò chơi nói chung, và mặc nhiên nó không có quyền để tồn tại.
Tham khảo PlayAndroid