Làng Game Việt trải qua hơn chục năm hình thành và phát triển có vẻ như đang tiến dần đến thời kì “tiền bão hòa”. Đây là một dạng khủng hoảng tương tự như các thị trường lớn khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc từng xảy ra khiến các game mất user cực nhanh. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng khi lượng cầu không có xu hướng tăng lên, nhưng cung thì liên tục tăng đột biến đã xé lẻ nhiều cộng đồng bền vững trước đó.
Thời điểm hiện tại, thị trường game Việt đang đi theo hướng “trọng chất lượng” hơn là “trọng số lượng”, khi mà các game phát hành khoảng giữa năm 2013 và trong 2014 đều là các game đặc sắc, có đồ họa và hệ thống gameplay “khủng”. Tuy nhiên ít game nào giữ được “độ hot” như thời gian đầu trước khi ra mắt, thậm chí với những game “đồ sộ” được mong chờ nhất bấy lâu. Vậy đâu là lý do?
Tinh hoa từ sự đơn giản
Mới đây, cộng đồng game smartphone đã thực sự "shock" với
Flappy Bird, một tựa game cực kì đơn giản nhưng có độ khó khiến game thủ phát điên. Đây là một game hiếm hoi của người Việt phát triển và đang giữ ngôi vị số 1 trên nhiều cửa hàng game trực tuyến như itunes và Google Play. Thành công của
Flappy Bird được coi là “sự may mắn” khi được nhiều người “tình cờ” biết đến và tạo nên trào lưu “
Flappy Bird” khắp các diễn đàn, facebook và trên cả youtube.
Thế nhưng, xét ở khía cạnh khác, Flappy Bird đã thực sự “dội một gáo nước lạnh” vào đầu rất nhiều người làm game. Họ cứ luôn đua tranh tạo ra những sản phẩm ngày càng rắc rối, ngày càng nặng nề và hỗ trợ người chơi “bám theo game” hết mức có thể, mà quên mất thực sự game thủ cần gì. Họ cần chơi game để khám phá, vượt qua chính mình chứ không phải để game “chơi” họ.
Ẩn chứa sau sự thành công của Flappy Bird là cả một bài học lớn đến từ sự đơn giản, nắm bắt được tâm lý của người chơi. Để tạo nên trào lưu lan truyền một cách nhanh chóng như vậy, Flappy Bird đã đánh trúng tâm lý “khao khát chinh phục” của game thủ. Dù chỉ là một tựa game vô cùng đơn giản, nhưng độ khó “siêu troll” của Flappy Bird sẽ làm nhiều người tức giận đến phát điên. Nhưng mỗi khi vượt qua được một kỉ lục của chính bản thân họ hoặc bạn bè, đó lại trở thành niềm vui rất lớn.
Điểm chung với thị trường Client 3D
Dù có thể không mấy liên quan, nhưng nếu so sánh thị trường game client 3D hiện nay với “key” Flappy Bird có thể thấy được điều gì thực sự cần cho game thủ. Liệu họ muốn chơi game hay để game “chơi” họ? Ở nơi nào game thủ được sử dụng kĩ năng chiến đấu của mình để vượt qua bản thân và những người khác? Đó là một thế giới chiến đấu tranh đoạt khốc liệt hay một nơi để ngắm cảnh?
Game thủ cần chơi một game thực sự “chất” với nhiều tính năng độc đáo, được thiết kế bởi những ý tưởng mới lạ chưa từng có, chứ không phải một tựa game na ná game khác vì chúng cùng một NSX. Họ muốn được thử thách bản thân để vượt qua chính mình chứ không cần auto tận răng để game “chơi” họ. Và trên hết, game thủ muốn được coi trọng trong thế giới của họ bằng cách chiến đấu với những người khác, thể hiện kĩ năng của bản thân.
Tạm kết
Game là một sản phẩm giúp con người giải trí, xả stress, nhưng cũng là nơi con người thực hiện những ước mơ, khao khát vượt qua bản thân mình mà trong thực tế không thể làm được. Flappy Bird trở thành một hiện tượng không chỉ nhờ “may mắn”, đó là cả một quá trình sáng tạo ý tưởng “đi ngược” thời đại để tôn vinh giá trị của sự đơn giản. Giúp con người thể hiện được kĩ năng, khao khát chinh phục bản thân và chia sẻ điều đó mọi nơi, mọi lúc. Bất cứ game nào sở hữu những “key” từ bài học này, đều xứng đáng để trải nghiệm và khám phá.