Cùng nhìn lại 10 sự kiện công nghệ đáng quan tâm nhất của giới làm game Việt Nam năm 2015

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/12/2015 02:40 PM

Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặc lớn với giới làm game Việt Nam khi mà có rất nhiều sự kiện nổi bật đã diễn ra.

1. Hội nghị Mobile Game Asia diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam

Đây là hội thảo về game mobile lớn nhất Đông Nam Á và được diễn ra thường niên quy tụ rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mobile trên thế giới, các nhà phát hành game tên tuổi hay các nhà phát triển trong và ngoài nước tham gia. Nó là một địa điểm lý tưởng để những tên tuổi lớn trong ngành game mobile chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng và ý tưởng mới trong thị trường game di động.

Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện Mobile Game Asia được tổ chức tại Việt Nam và đã thu hút hơn 2000 người đăng ký tham dự, tăng gấp 5 lần so với lần tổ chức tại Singapore năm ngoái.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, với 16 bài diễn thuyết và 8 bài thảo luận được trình bày bởi các diễn giả là các nhà lãnh đạo có tên tuổi tại Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, còn có hơn 40 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình.

2. Sự kiện "VIETNAM MOBILE DAY 2015 – AGE OF MOBILE" được tổ chức tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng

Vietnam Mobile Day là sự kiện quan trọng thường niên trong lĩnh vực di động tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Không chỉ mở ra diễn đàn chung để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong ngành cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau, chương trình còn đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp tạo dựng, mở rộng, duy trì các mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm, các bước tiến mới của mình đến cộng đồng. Qua ba năm tổ chức, Vietnam Mobile Day đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ và tham dự của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực di động nói riêng cũng như CNTT nói chung.

Tiếp nối chuỗi sự kiện Mobile Day diễn ra thường niên trước đây, Mobile Day 2015 hứa hẹn mang đến nhiều thông tin thú vị và hấp dẫn trong lĩnh vực di động trong nước nói riêng và xu hướng mới trên toàn cầu nói chung.

3. Thành lập Liên minh các nhà sản xuất game Việt

Hội Truyền thông số Việt Nam (TTSVN) đã công bố quyết định thành lập Liên minh các nhà sản xuất game Việt (tên tiếng Anh là Vietnam Game Developers Federation – VGDF) do ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội TTSVN làm Chủ tịch.

Quyết định được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/1/2015,

VGDF là tổ chức thành viên của VDCA, đại diện cho các studio có trụ sở tại Việt Nam bao gồm cả các sinh viên trong lãnh vực phát triển trò chơi Việt Nam. VGDF có nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy ngành sản xuất game Việt phát triển ổn định, sôi động, sáng tạo, có sức mạnh cạnh tranh trên toàn cầu và được công nhận về mặt văn hóa. Cung cấp nền tảng cho sự hợp tác và thảo luận giữa nội bộ các nhà phát triển Game tại Việt Nam cũng như giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà phát triển Game.

4. Giải thưởng Chim Xanh (Bluebird Award 2015): lần đầu tiên một gameshow về game mobile được lên sóng truyền hình

Năm 2015, sau hiện tượng Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, giới công nghệ trong nước đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của trào lưu Startup với rất nhiều nhóm lập trình, studio nhỏ, các dự án game liên tục được mở ra. Tuổi đời của các thành viên trong những startup này ngày càng trẻ, chứng tỏ đã có một sự thay đổi không nhỏ từ phía tầng lớp học sinh, sinh viên trong việc định hướng và theo đuổi ngành công nghiệp phát triển game rất có tiềm năng này.

Đỉnh cao của nó là việc tôn vinh các lập trình viên trẻ trong chương trình gameshow Bluebird, mang tới cho đông đảo người xem một cái nhìn cận cảnh và chân thực hơn về nghề làm game, cũng như đam mê của các bạn học sinh, sinh viên với công việc mới mẻ này.

5. Chương trình "10 ngày thử thách để trở thành chuyên gia C++" do Gameloft Việt Nam tổ chức

Bắt đầu từ tháng 07 năm 2015, công ty Gameloft Việt Nam thực hiện chương trình thách thức mang tên "10 Days Challenge: To become a C++ Expert", theo một hướng đi mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo chương trình này, sinh viên tham gia sẽ có 10 ngày thử thách: ngoài việc được trang bị kiến thức, sinh viên được đặt vào những thử thách thực tế trên các sản phẩm với ngôn ngữ lập trình C++, để tự rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, qua đó rút cho mình kinh nghiệm làm việc trên các dự án sau này.

Để tăng thêm tính hấp dẫn cho chương trình, Gameloft sẽ giành tặng một giải thưởng cho sinh viên vượt qua thách thức 10 ngày với kết quả xuất sắc nhất trong năm 2015. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội nhận được một vị trí làm việc chính thức tại Gameloft nếu phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

6. Cuộc thi Gameloft Game Jam 2015: "48 giờ sáng tạo game để giành 8400 USD!" do Gameloft tổ chức

Gameloft Game Jam 2015 là cuộc thi do Gameloft SEA tổ chức. Cuộc thi là một cuộc tranh tài thú vị dành cho lập trình viên Android và bất kỳ ai đam mê phát triển Game tại Việt Nam và Indonesia. Không chỉ đơn thuần là một cuộc thị, đó là cơ hội để các bạn lập trình viên có cơ hội để cùng làm việc – chia sẻ kinh nghiệm – cùng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm game tuyệt vời nhất.

Với tổng giải thưởng lên đến 187 triệu đồng (8.400 USD), cuộc thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của 60 đội chơi với tổng số thành viên tham dự lên đến 200 người. Đây là lần đầu tiên cuộc thi mở ra sân chơi rộng rãi cho tất cả bất kỳ ai đam mê phát triển Game tại Việt Nam và Indonesia, không giới hạn sự tham gia trong nội bộ nhân viên của Gameloft như những lần tổ chức trước đây.

7. Các nhà phát triển đã có thể submit ứng dụng tvOS cho các thiết bị Apple TV mới của Apple

Ngay sau khi cho trình làng bộ đôi sản phẩm IP6S và IP6S Plus, Apple lại tiếp tục giới thiệu đến các tín đồ công nghệ phiên bản set-top box Apple TV thế hệ thứ tư với nhiều thay đổi và cải tiến mới mẻ rất đáng dùng. Nền tảng mới cho TV” của Apple được dựa trên một hệ điều hành mới có tên gọi "tvOS", chạy trên các mã cơ bản như iOS và có thể được phát triển cho việc sử dụng Xcode. Do hệ điều hành này có thể chạy được các ứng dụng và game nên đã mở ra một mảng mới đối với lập trình viên khi mà Apple đã bắt đầu cho lập trình viên có thể submit ứng dụng của mình lên Appstore tvOS của họ.

8. Micorosoft hợp nhất kho ứng dụng Windows Phone Store và Windows Store khi Windows 10 được ra mắt

Microsoft đã ra mắt Windows 10 vào ngày 29 tháng 7 và điều đó cũng có nghĩa là họ đã chính thức mở cửa Windows Store hợp nhất.

Chỉ mới ra đời được 3 năm, Windows Store đã bị chỉ trích rất nhiều lần về các ứng dụng "xấu" làm ảnh hưởng đến chất lượng của nó. Mặc dù nó có nhiều ứng dụng chất lượng cao, nhưng nó cũng là một thiên đường dành cho những ứng dụng spam và lừa đảo. Ngay sau khi Windows 10 ra mắt, Microsoft cũng công bố rằng họ sẽ bắt đầu thực hiện nghiêm nhiều chính sách đối với các ứng dụng trong Windows Store. Công ty cho biết sẽ xác định các ứng dụng không theo nguyên tắc của họ, thông báo cho các nhà phát triển về các vấn đề, và loại bỏ các ứng dụng không tuân thủ theo các nguyên tắc của họ.

9. Google ra mắt quảng cáo cho phép chơi thử game

"Quảng cáo chơi thử game" sẽ cho phép một người dùng chơi một game trong quảng cáo khoảng 60 giây. Nội dung game sẽ được streamed từ các ứng dụng thông qua các quảng cáo để người dùng có thể thử nghiệm trước khi download ứng dụng hay một game nào đó.

Google tin rằng nếu một người dùng chơi thử các game và thích nó, họ sẽ không chỉ download mà còn chơi nó, bởi theo ghi nhận, Google cho biết rằng một số lượng lớn người dùng đã download các ứng dụng nhưng chưa bao giờ mở chúng.

10. Xiaomi công bố trở thành nhà xuất bản Games

Xiaomi, một trong các nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc đã công bố rằng họ sẽ xuất bản game thông qua kho ứng dụng của họ. Game sẽ được phát triển bởi các đối tác và sau đó xuất bản thông qua kho ứng dụng trên các thiết bị di động và máy tính bảng Android của Xiaomi. Một logo "Mi" sẽ được chèn vào icon để cho biết rằng đó là một tựa game của Xiaomi. Hiện tại có 9 game nằm dưới “sự bảo trợ” của Xiaomi bao gồm cả Xiaomi Poker, Song of Knights, và Clash of Kings.

App Store của Xiaomi và tiền ảo Mi Credits là một trong rất ít những cách mà các nhà phát triển có thể kiếm tiền từ các game thủ Trung Quốc. Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà phát triển đều dùng đến quảng cáo hoặc các chương trình khuyến mãi chéo giữa các ứng dụng. Trung Quốc có khoảng 386 triệu người dùng Android và có game thủ di động nhiều hơn cả Mỹ. Google Play đã bị chặn tại Trung Quốc kể từ giữa năm 2014. Trước đó rất lâu người dùng Android tại đây cũng đã từ chối sử dụng App store Android chính thức, họ sử dụng một loạt các App store “cây nhà lá vườn” được thực hiện bởi những gã khổng lồ web Trung Quốc và các Startup. Nhưng hầu hết các store ở đây không cho phép các nhà phát triển tính phí cho các nội dung của họ và một số khác thì đầy ấp các game lậu.

Trung Quốc là một thị trường khổng lồ cho các nhà phát triển game với số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Hiện tại thị trường này đang tràn ngập các game của các nhà phát triển Trung Quốc cùng với một số lượng rất ít nhà phát triển game phương Tây đã xâm nhập được vào thị trường này.

Theo Game Studio