Nguyên nhân của suy nghĩ Bluetooth gây "hao pin"
Việc Bluetooth làm hao pin điện thoại đã có từ khi kết nối này được giới thiệu hồi những năm 90, và sau đấy là những năm 2005-2010 khi mà smartphone bắt đầu bùng nổ.
Tuy nhiên, đừng quên rằng cả dung lượng pin và Bluetooth đều đã tiến hóa trong suốt thời gian đó. Cục pin của một chiếc điện thoại phổ thông ngày xưa chỉ tầm 900mAh, thì nay đã lên đến hơn 2000mAh, 3000mAh, thậm chí nhiều dòng máy 4000mAh cũng chẳng còn là gì xa lạ. Biểu đồ bên dưới mình lấy từ trang Senion để bạn hình dung rằng pin của iPhone ra mắt năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với chiếc Sony Ericsson K550i ra đời 10 năm trước. Ý là iPhone không phải là điện thoại có dung lượng pin rộng rãi đấy nhé.
Về phần Bluetooth, khi mới ra đời, mục đích của nó là thay thế cho việc truyền dữ liệu qua dây cáp. Theo thời gian, Bluetooth có thêm nhiều ứng dụng khác như kết nối với các cảm biến, kết nối với thiết bị đeo trên người, kết nối với xe hơi, với các món đồ gia dụng… và người ta đã tạo nên chuẩn Bluetooth Low Enegery (BLE) để giảm mức độ tiêu thụ pin xuống cực thấp trong khi vẫn truyền tải được đủ dữ liệu để Bluetooth hoạt động, thậm chí dùng cho việc định vị nữa kìa.
Gần như mọi chiếc smartphone ra mắt trong khoảng 5 năm trở lại đây đều hỗ trợ Bluetooth Low Energy . Khi không truyền dữ liệu, BLE gần như không tiêu thụ điện, nên nó chỉ dùng khoảng 0,01W đến 0,5W điện mà thôi.
Song song đó, chuẩn Bluetooth thường, tạm gọi là Bluetooth Classic, vẫn tồn tại với mục đích riêng. Bluetooth Classic sẽ được dùng để truyền lượng dữ liệu lớn liên tục, ví dụ như khi bạn nghe nhạc bằng tai nghe, stream nhạc sang dàn âm thanh. Từ Bluetooth 4.0 trở đi (hiện bản mới nhất đang là 5), Bluetooth cũng liên tục giảm lượng điện tiêu thụ để phù hợp hơn với không chỉ các thiết bị di động và còn cả những chiếc smartwatch, hay đồ gia dụng thông minh. Hiện nay Bluetooth cần khoảng 1W điện để hoạt động.
Bạn có thể xem hình bên dưới để biết sự khác biệt giữa Bluetooth và Bluetooth Low Enegery, ở mức cơ bản nhất. Hình này mình Việt hóa lại từ trang Senion .
Bluetooth tiêu thụ nhiều pin hay không?
Theo như trang web chính thức của Hiệp hội Bluetooth , lượng điện tiêu thụ của Bluetooth phụ thuộc vào:
Chipset Phiên bản Bluetooth được dùng là bao nhiêu Firmware (phần mềm) điều khiểu chipset Bluetooth có hiệu quả hay không Tiêu chuẩn chung của Hiệp hội Bluetooth đó là các thiết bị hỗ trợ Bluetooth Low Enegery như tag định vị, ổ khóa thông minh… sẽ có thời gian dùng pin lên đến hơn 1 năm khi sử dụng pin tròn hoặc pin tiểu AA. Điều này giống với kinh nghiệm thực tế của mình về ổ khóa smarthome mình đang xài, gần 1 năm rồi và vẫn chưa hết pin, nó cũng dùng Bluetooth Low Enegery.
Với điện thoại thì thoải mái hơn vì dung lượng pin của điện thoại thường lớn hơn các thiết bị gia dùng này. Tuy nhiên, tuy cục pin của điện thoại to nhưng lại có nhiều thứ khác hút điện hơn, ví dụ như màn hình, chip mạng di động, chip xử lý trung tâm… và những thứ đó đáng lo hơn nhiều so với Bluetooth.
Mình cũng tìm thấy 1 tài liệu được lưu trữ trên diễn đàn của Apple . Lưu ý đây không phải tài liệu chính thức của Apple, chỉ là comment của một người được lưu trữ lại thành một hồ sơ tham khảo. Trong đó anh này viết như sau:
Khi Bluetooth có một kết nối đang active (đang sử dụng) với một chiếc tai nghe (hoặc một thiết bị thoại rảnh tay), nó sẽ dùng khoảng 2,5mW (miliwatt) điện. Dung lượng pin của iPhone 8 (không phải dòng Plus) có thể cung cấp khoảng 6900mWh. Số này cho biết cục pin có thể cung cấp được 6900mW điện trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Giả sử nếu chỉ có Bluetooth sử dụng cục pin này, mọi linh kiện khác đều tắt đi, thì bạn có thể dùng được 6900 / 2,5 = 2760 giờ liên tục, tức là hơn 3 tháng. Một số thiết bị Bluetooth có thể cần tới 10mW điện để hoạt động, khi đó bạn vẫn sẽ có thời gian sử dụng được gần 1 tháng.
Còn nếu bạn muốn có 1 con số trên thiết bị thật, thiết bị cụ thể thì mình chưa tìm được một bài test nào được thực hiện trên chiếc smartphone hiện đại. Có thể có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng nên người ta không thể đo chính xác được Bluetooth làm hao bao nhiêu % pin của bạn. Tuy nhiên ở trạng thái không kết nối với tai nghe hay bất kì thiết bị nào, mình từng tự thử nghiệm thì thấy rằng thời gian dùng pin chênh lệch là không thể nhận thấy được.
Tóm lại, có nên bật Bluetooth thường xuyên hay không?
Lời khuyên của mình là có, hãy bật thoải mái và đừng quá lo lắng về chuyện tiết kiệm pin. Bluetooth hiện nay được các chức năng như Airdrop (iOS) hoặc Nearby Share (Android) sử dụng để phát hiện các thiết bị xung quanh, từ đó giúp bạn có thể gửi file nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nếu bạn tắt Bluetooth, mỗi khi cần sử dụng bạn phải mất công đi mở Bluetooth, mất thêm mớ thời gian trong khi thời gian dùng pin không được cải thiện được bao nhiêu.
Nếu bạn có dùng tai nghe Bluetooth hoặc tai nghe true wireless, hoặc bạn dùng chung với đồng hồ thông minh, dù là Apple Watch hay chỉ là chiếc Xiaomi Mi Band giá rẻ, thì Bluetooth là đương nhiên cần bật thì cái đồng hồ mới phát huy hết tác dụng. Với các thiết bị này, Bluetooth Low Enegery sẽ là giao tiếp chính nên cũng đừng lo vụ hết pin điện thoại.
Nếu bạn lo lắng về thời gian dùng pin, thứ bạn nên để tâm tới sẽ là máy chạy chip có mạnh hay không, cục pin có đủ lớn để "gánh" cấu hình mạnh hay không, bạn đang để màn hình sáng tới mức nào, và màn hình của máy đang tiêu hao điện ra sao. Những yếu tố này hao pin hơn Bluetooth rất nhiều, và đây mới là thứ bạn cần quan tâm.