Sau nhiều bàn cãi, cuối cùng
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D (
VLTK 3) đã quyết định lựa chọn hình thức vận hành thuê bao và không bán vật phẩm gây mất cân bằng. Chọn lối đi riêng trong xu thế các game online đều đang thịnh hành hình thức miễn phí, liệu
VLTK phiên bản 3D có được nhiều người chờ đợi như trước?
Nhìn lại những hình thức vận hành cơ bản của game online
Game online có hai hình thức kinh doanh cơ bản là FTP (free to play, chơi miễn phí) và PTP (pay to play, chơi trả phí). Với hình thức miễn phí, người chơi không cần bỏ ra chi phí vẫn có thể trải nghiệm game. Hầu hết các game online ở Việt Nam đều áp dụng hình thức kinh doanh này.
VLTK phiên bản 3D thu phí 120.000 đồng/30 ngày
Ngược lại mô hình miễn phí là những tựa game đi theo con đường thu phí. Thu phí có hai kiểu, gồm thu phí theo giờ chơi và thu phí hàng tháng. Thu phí hàng tháng là tính thuê bao hàng tháng tương tự điện thoại hoặc internet. Kiểu này khá phổ biến ở thị trường Bắc Mỹ. Còn thu phí theo giờ là quy định người chơi phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ để mua giờ chơi. Với cách thức này, họ sẽ linh động theo túi tiền. Hiện nay, chỉ có game VLTK đang áp dụng hình thức thu phí này tại Việt Nam.
Game miễn phí có thực là miễn phí?
Thông thường, khách hàng luôn thích những gì được cho là miễn phí. Nắm bắt được tâm lý, phần lớn các tựa game ở Việt Nam đều áp dụng hình thức này.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tựa game đi theo hình thức kinh doanh miễn phí vẫn bị người chơi cho là “hút máu” (tốn nhiều tiền). Đơn giản, các nhà phát hành muốn thu lợi nhuận thì phải áp dụng hình thức bán vật phẩm (item). Những vật phẩm này cung cấp lợi thế cho người nào chịu chi so với số còn lại. Các khoản chi này thường dành cho những vật phẩm có sức mạnh vượt trội, các công cụ hỗ trợ ép vũ khí, các loại “pet” khủng,… đều có thể được nhà phát hành bán ra.
VLTK phiên bản 3D không bán các vật phẩm gây mất cân bằng
Tham gia game miễn phí, khách hàng không cần bỏ tiền để chơi, nhưng muốn nhân vật của mình mạnh, “pro” thì bắt buộc phải móc hầu bao. Và lắm lúc khoản chi này còn lớn hơn nhiều lần khoản tiền bỏ ra cho một trò chơi thu phí bởi nhiều NPH đã tận dụng hình thức cash - shop mọi lúc mọi nơi, từ ép đồ, đua top cho đến “cắn event”,…
Những tựa game này hỗ trợ tối đa cho người giàu với việc bỏ tiền ra là có mọi thứ. Chính điều này gây ra tình trạng mất cân bằng, game bị chi phối bởi thế lực “VNĐ thần chưởng”.
Thu phí, cái gì cũng có giá của nó
Cụm từ “thu phí” nghe có vẻ đắt đỏ nhưng thực ra “cái gì cũng có giá của nó”. Game thu phí mang lại sự công bằng cho những người chơi với nhau. Người nào chịu khó sẽ có cơ hội nhận được nhiều vật phẩm tốt. Những người “nghèo” vẫn có cơ hội “giàu” lên trong game và không bị ức chế khi bị các thế lực “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” bắt nạt.
Người chơi sẽ cân nhắc đầu tư vào một game thu phí
Game miễn phí vốn hay tồn tại việc có quá nhiều tài khoản ảo dẫn đến tình trạng máy chủ bị nghẽn, lag. Bởi đơn giản, việc tạo “acc” không mất gì khiến nhiều người tạo vô số tài khoản, có thể lên đến hàng trăm cái. Điều này cũng gây ra khó khăn cho Nhà phát hành khi quản lý khách hàng. Tình trạng nói bậy chửi thề, lừa đảo trong game cũng trở nên khó kiểm soát. Còn với game thu phí thì người chơi sẽ phải cân nhắc. Bởi muốn sở hữu nhiều tài khoản, họ sẽ phải tiêu tốn nhiều khoản tiền. Nhưng điều này lại vô tình làm cho game thủ thêm gắn bó với nhân vật của mình.
Game thủ Việt chắc chắn sẽ có những cân nhắc cho riêng mình
Sau một quãng thời gian khá dài tiếp cận với game online, có lẽ nhiều game thủ Việt đã đủ chín chắn để phân biệt sự khác nhau giữa hai hình thức kinh doanh thu phí và miễn phí. Chắc hẳn nhiều người đã sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhiều để được tham gia vào một thế giới game công bằng và văn minh. Đây chính là những cơ sở để tạo nên niềm tin vào sự thành công của
VLTK phiên bản 3D.