Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 05/03/2013 12:10 AM

Cần có sự đầu tư và lắng nghe game thủ nhiều hơn từ các NPH.

Nếu như các bạn đã có được không gian bàn luận một cách cởi mở về thị trường MMOFPS Việt Nam, một thị trường vì nhiều lý do đã trở thành cực kỳ khắc nghiệt và khó thâm nhập, thì có lẽ sẽ là bất công nếu như cộng đồng game thủ chơi webgame tại Việt Nam không có được một bài viết tương tự. Dù sao, sau gần 4 năm xuất hiện trên thị trường, được khai phá bởi những cái tên như Loạn 12 Sứ Quân hay Đế Chế Quật Khởi, webgame cũng đã có được chỗ đứng tương đối trong cộng đồng, nhờ vào số lượng NPH cũng như số webgame đang hoạt động không hề ít một chút nào.
 
Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác 1
 
Sở hữu nhiều ưu điểm, dễ chơi, dễ khám phá, hệ thống game đơn giản, không tồn quá nhiều tài nguyên máy khi chỉ chạy trên nền trình duyệt, webgame đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn của không ít các NPH, cũng như một bộ phận đông đảo người chơi. Tại Việt Nam, có thể xác định được những thể loại webgame được ưa chuộng nhất bao gồm nhập vai, chiến thuật và casual. Trong số đó, thể loại webgame chiến thuật dường như có phần lép vế hơn so với hai thể loại còn lại.
 
Số lượng nhiều, lượng người chơi đông đảo (vì dễ chơi), dĩ nhiên chẳng có lý do gì các nhà phát hành lại không tiến sâu vào khai thác những tựa MMO trình duyệt như vậy. Điều này vô tình dẫn tới một vài vấn đề khiến cho thời gian gần đây, không ít game thủ đã quay lưng lại với thị trường web game nước nhà.
 
Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác 2
 
Bắt đầu với vấn đề số lượng web game. Tại Việt Nam, việc “sóng sau xô sóng trước” là chuyện rất thường xuyên xảy ra, đặc biệt là với thị trường game trình duyệt. Những tựa game có vòng đời, tuổi thọ ngắn sẽ rất nhanh bị đào thải để nhường chỗ cho những webgame mới hơn, đồ họa đẹp hơn và có lối chơi cuốn hút hơn. Tuy nhiên đó mới chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, không phải cứ webgame mới hơn là sẽ chơi hay hơn, hoặc sở hữu nền đồ họa đẹp hơn. Chính tư tưởng mới phải hơn cũ về mọi mặt đã khiến không ít game thủ vô tình bỏ qua những webgame chất lượng với lối chơi mới lạ nhưng mảng nghe nhìn chỉ đạt mức trên trung bình.
 
Ngay trên GameK, không khó để tìm ra một comment có nội dung đại loại như “Lại webgame à?” của độc giả sau mỗi bài viết giới thiệu việc NPH chuẩn bị đưa về Việt Nam một game trình duyệt. Điều này nếu giải thích một cách nôm na, âu cũng là hệ quả sau một thời gian dài các nhà phát hành tại Việt Nam quá chú trọng tới game trình duyệt, đi đến đâu cũng thấy MMO trình duyệt, thay vì tập trung khai thác đồng đều những game client và game browser. Thế nhưng, chính vì những ưu điểm quá rõ ràng được đề cập ở trên đây, cộng với việc đầu tư vào webgame nhanh hoàn vốn, mà các NPH ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ chẳng ngần ngại gì tiếp tục đầu tư mạnh tay cho những webgame trong tương lai.
 
Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác 3
 
Vấn đề thứ hai là về lối chơi. Webgame có thể đơn giản về kết cấu và quy mô, thế nhưng bản thân game thủ vẫn mong muốn có được một sự đột phá, không trong đồ họa thì phải ở lối chơi. Một sự thật đáng buồn là đại đa số những webgame dạng MMORPG hiện tại lại không có được nền tảng gameplay tốt. Sau khi thử qua không ít những webgame RPG, cảm nhận chung của tôi đó là game vẫn quá lạm dụng hệ thống auto, thứ “chất độc” bao nhiêu năm qua đã ăn mòn tư duy chơi game của người Việt.
 
Bạn ngại tìm đường hoàn thành nhiệm vụ? Auto! Bạn lười tìm quái để tiêu diệt theo đúng nhiệm vụ? Auto! Có đến hàng tá lý do để người chơi vin vào hệ thống giúp đỡ tự động của một webgame. Điều này, như tôi đã chia sẻ trong vài bài viết trước đây, vô tình khiến cho thói quen chơi game của chúng ta trở nên lười nhác. Bạn sẽ chỉ muốn game tự động làm những phần việc mà trước đây, trên những RPG khác, bạn sẽ mất cả ngày để tự mình hoàn thành. Sau đó bạn chỉ cần ngồi một cách thư giãn và chờ đợi thành quả mà hệ thống auto của game mang lại.
 
Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác 4
 
Không ít độc giả GameK hay những game thủ đã lên tiếng phê phán việc lạm dụng auto. Thế nhưng giả sử, một webgame dám nói không với auto, bắt người chơi phải tự mình khám phá mọi thứ từ đầu đến cuối cũng chưa chắc gặt hái được thành công ở thị trường Việt Nam. Lý do? Có thể game thủ phê phán, nhưng hệ thống auto, công cụ “rảnh tay” của không ít người chắc chắn sẽ không thể biến mất một sớm một chiều.
 
Tiếp đến là vấn đề muôn thuở của game online Việt, cash shop. Việc nạp tiền mặt để sở hữu những món đồ hay chức năng riêng trong game đã trở thành việc quá quen thuộc, nếu không muốn nói là nhan nhản. Cụm từ “VIP” vô tình lại là thứ bị lạm dụng một cách triệt để trong các webgame. Tương ứng với số tiền người chơi “cống nạp” cho các NPH, họ sẽ có được cái danh VIP với những con số đi kèm. Vấn đề nằm ở chỗ, nhằm hút máu người chơi, NPH nhiều khi chẳng ngại ngần gì việc biến cash shop trở thành nơi ranh giới giàu nghèo của game thủ được thể hiện rõ ràng nhất.
 
Thị trường webgame: Đến bao giờ hết bị coi là rác 5
 
Sở hữu những món đồ khủng, những chức năng chỉ có ‘VIP’ mới có, những gamer nạp tiền mặt vào cash shop của một tựa game cũng kéo cấp nhanh hơn, chuyện cày top cũng hóa ra vô cùng đơn giản. Điều này dẫn tới tình trạng mất cân bằng trầm trọng trong những MMO trình duyệt, nơi game thủ hay ví von rằng “Nếu có tiền bạn sẽ có tất cả”.
 
Như GameK đã chia sẻ trong bài viết trước đây, chính game thủ Việt Nam mới là những người định đoạt số phận của thị trường webgame nước nhà. Những chia sẻ, nguyện vọng của cộng đồng cần được các nhà phát hành lắng nghe với mục tiêu cầu thị và tư tưởng sẵn sàng thay đổi để phù hợp với cái chung, cũng như phù hợp với chính các khách hàng của họ. Bằng không, việc webgame mới về Việt Nam sở hữu những chức năng không hơn gì những sản phẩm tiền nhiệm, và bị cộng đồng chê là “rác” hẳn sẽ còn tiếp diễn.