"Làm game thuần Việt không để làm gì, mua còn hơn"

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 08/04/2013 12:30 AM

Đó là tâm sự chung của các NPH game trong nước, sau nhiều thất bại của game thuần Việt thời gian qua.

Trong khoảng 2, 3 năm gần đây, một trong những phong trào phát triển mạnh mẽ của ngành game Việt Nam là tự sản xuất trò chơi với nhân lực nội địa. Sự phát triển ấy một phần là do nhiều studio được chính các NPH lớn thành lập với đội ngũ nhân lực đông đảo và số vốn đổ vào rất nhiều (điều mà khó studio tự túc nào lo được).
 
Có thể đơn cử như VTC Studio trực thuộc VTC Game, VNG North & South Studio trực thuộc VNG, FPT Studio trực thuộc FPT Online... Với việc được một doanh nghiệp lớn đỡ đầu nên họ không cần phải quá lo lắng về vấn đề nhân sự hay thời gian đào tạo lâu dài (tại Việt Nam đa phần team phát triển game đều vừa làm vừa học nên đòi hỏi đầu tư dài hạn).
 
"Làm game thuần Việt không để làm gì, mua còn hơn" 1
 
Xu thế trên đã từng khiến nhiều người mơ về tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp game Việt, khi chúng ta chiếm lĩnh phần lớn thị phần và đẩy các MMO nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) về thứ yếu, giống như quốc gia này từng làm được với làn sóng game Hàn Quốc trong quá khứ. Tuy nhiên thực tế gần đây lại đi ngược lại hoàn toàn những kỳ vọng đó.
 
Không mặn mà
 
"Bây giờ đầu tư tự làm game cực lắm, mà lại khó thành công", đó là tâm sự của đa phần những người làm lâu năm trong ngành game Việt Nam. Đây là điều dễ hiểu vì các NPH đứng ra thành lập studio thì mọi thứ đều phải xây dựng từ con số không, nhất là họ phải chịu tốn tiền cho đội ngũ của mình học việc, tích lũy kinh nghiệm trước khi làm ra sản phẩm.
 
Tại Việt Nam, ngành đào tạo lập trình game và các chuyên ngành liên quan còn khá manh mún và mới chỉ được thành lập lẻ tẻ trong thời gian gần đây, vì thế nhân sự tại các studio trong nước đều vừa làm vừa học, đòi hỏi sự đầu tư dài hơi mà không biết có thành công hay không. Sự thất bại của một số dự án tốn tiền của như SQUAD, G3 của VTC Studio hay sự ngập ngừng của FPT Online với B-Kool là minh chứng rõ nhất (B-Kool làm xong chỉ thấy đưa đi tranh giải chứ không mở cửa rộng rãi).
 
"Làm game thuần Việt không để làm gì, mua còn hơn" 2
 
Ngay cả với VNG, sau Thuận Thiên Kiếm đóng cửa thì các dự án lớn khác của VNG South Studio cũng biến mất không tăm tích, thay vào đó là các game dành cho mobile hoặc MXH. Điều đó cho thấy sự kém mặn mà hẳn của doanh nghiệp lớn với con đường tự túc phát triển và phát hành game của chính mình.
 
"Mua game bây giờ đỡ cực hơn nhiều, mà lại thu hồi vốn nhanh", một đại diện NPH tâm sự. Rõ ràng đây là suy nghĩ hợp lý vì hiện tại chỉ cần bỏ ra khoảng vài chục đến vài trăm ngàn USD là đã có thể sở hữu ngay một MMO "ngon lành" từ Trung Quốc, có thể phát hành được ngay mà không cần phải lo phát triển. Như vậy thì tốn công sức tự túc để làm gì?
 
"Làm game thuần Việt không để làm gì, mua còn hơn" 3
 
Dĩ nhiên, tính về lâu dài thì cách làm trên có phần hơi "xổi" nhưng khi mà thị trường cạnh tranh khốc liệt cộng với tình hình kinh tế khó khăn như lúc này thì hiếm NPH nào chịu đầu tư dài hơi cho phát triển game cả. Nếu họ chậm chân đôi chút là đã bị các doanh nghiệp nhỏ hơn vượt mặt, và thế là không ai bảo ai đều chuyển dịch hết sang nhập game như cũ.
 
Cần nhìn lại mình
 
Nói đi cũng phải nói lại, không thể trách các NPH thờ ơ với phát triển game thuần Việt vì với họ lợi nhuận vẫn là thứ được coi trọng đầu tiên. Thay vào đó nên chăng các studio trong nước nên nhìn lại chính mình, phải chăng thời gian qua chúng ta phát triển quá nhanh chóng mà không xây dựng từ cái gốc nên mới dễ thất bại như vậy.
 
Với trường hợp của Trung Quốc, game của họ chiếm lĩnh hết thị trường nội địa và đánh bật các đối thủ Hàn, Nhật chủ yếu vì ngành công nghiệp trò chơi của họ quá phổ biến và được sự hỗ trợ tối đa từ chính phủ. Ngay cả khâu đào tạo cũng mạnh và phổ cập nên nguồn nhân lực chất lượng đông đảo. Dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua việc họ nắm bắt xu thế rất tốt, điều mà các studio Việt Nam còn yếu.
 
"Làm game thuần Việt không để làm gì, mua còn hơn" 4
 
"Nhiều đơn vị sản xuất nắm bắt thị trường chưa nhanh, hay làm theo đam mê", đó là nhận xét của không ít đơn vị đang phát hành các dự án game thuần Việt. Nhiều game làm ra ban đầu được ủng hộ nhiệt liệt nhưng rốt cuộc dần dần không mấy người mặn mà (dẫu được update thường xuyên) vì lối chơi cũng như cốt truyện không phù hợp thị hiếu.
 
Gần đây, việc Emobi Games công bố đang phát triển MMORPG Sát Thát Truyền Kỳ cho thấy hãng này cũng đã bắt đầu tập trung vào thể loại game được nhiều người chơi ưa thích, thay vì game chiến thuật hoặc bắn súng. Có lẽ đây mới là bước đi đúng đắn nếu không muốn mãi mãi lép vế so với các MMO ngoại nhập.
 
Tóm lại, lúc này con mắt nhìn game thuần Việt của các NPH nội địa đang hết sức thiếu tự tin. Hy vọng rằng các studio sớm nhìn nhân lại bản thân mình, kịp nắm bắt xu thế để đạt được một vài thành công lớn ban đầu và làm bước đệm cho giai đoạn tăng tốc sau này.