Nếu
cộng đồng game thủ mà không có các nhà phát hành trong nước đứng ra mua game về phát hành tại thị trường Việt Nam, thì có lẽ họ sẽ luôn phải chịu những rủi ro cũng như khó khăn từ server game nước ngoài cũng như những server lậu mở cửa chui.
Ngược lại, nếu các nhà phát hành đem game về mà không có được sự ủng hộ của cộng đồng gamer, thì tình trạng “game đắp chiếu” vì không ai chơi sẽ là hệ quả tất yếu. Ấy vậy mà từ trước tới nay, mỗi khi lướt qua một vài trang tin game hay những diễn đàn về game tại Việt Nam, luôn tồn tại một luồng ý kiến của một bộ phận không nhỏ
game thủ.
Cụ thể hơn, không ít game thủ cho rằng những game online tại Việt Nam phần lớn đều không đáng chơi. Lý do được đưa ra thì quả thật vô vàn: “Game rác từ Trung Quốc”, “Game hút máu”, “Nhiều hack”, “Nhà phát hành không coi trọng game thủ”, v.v và v.v… Dĩ nhiên, một số khác thì có phần bàng quan hơn với làng game nước nhà, đơn giản vì họ đang mải dành niềm đam mê của mình với những game online bom tấn được phát hành tại nước ngoài.
Vấn đề các nhà phát hành, nếu công bằng mà nói, đã được GameK phân tích khá nhiều trong những bài viết trước đây, từ vấn đề “hút máu” game thủ, lựa chọn webgame như một giải pháp an toàn để kinh doanh tại Việt Nam… Sẽ là hơi bất công với các nhà phát hành nếu chúng ta không thử nhìn lại mắt xích thứ hai của làng game Việt:
Cộng đồng game thủ.
Game thủ Việt muốn gì?
Họ muốn rất, rất nhiều. Nếu điểm lại những chia sẻ, bình luận của những game thủ trong các bài viết trước đây của GameK, chúng ta có thể tổng hợp một vài chi tiết đại loại như sau:
Game thủ Việt muốn các nhà phát hành Việt Nam đem về những game bom tấn, những game online đã khẳng định được thành công trên thế giới. Mặt khác, họ (hoặc một phần của họ) ra sức tẩy chay những webgame hay những game client có chất lượng thấp, hầu hết có xuất sứ từ nước láng giềng Trung Quốc.
Game thủ Việt muốn một tựa game phải thật trong sạch. Trong sạch ở chỗ, không có hack, cheat, không có những chiêu trò như dupe đồ hay gian lận, game thủ có ý thức hơn trong game khi không chửi bậy, không có hành động chơi bẩn,…
Quan trọng hơn cả, game thủ Việt muốn một tựa game không hút máu. Theo họ, một tựa game online nên có được sự cân bằng giữa một người chơi miễn phí và người chơi bỏ tiền mua vật phẩm trong game. Hoặc đơn giản hơn là chuyển về kiểu kinh doanh game… thu phí để ai cũng được bình đẳng.
Đó là những gì chúng ta có thể tạm đúc rút từ những chia sẻ hay đóng góp của game thủ Việt Nam. Thực tế ra sao? Tiếc thay, những gì cộng đồng game thủ Việt đang thể hiện lại trái ngược hoàn toàn với những gì được đề cập trên đây, vốn từng được coi là “tâm nguyện” của không ít game thủ nước nhà.
Nói vậy mà… chẳng phải vậy
Hãy nhìn vào tình trạng của một số game online đã và đang hoạt động tại Việt Nam: Một tựa game bắn súng với tình trạng hack, cheat tràn lan. Cộng đồng lên tiếng, kêu gọi nhà phát hành có những hướng đi để những game thủ chân chính có thể thoải mái thưởng thức tựa game. Thế nhưng tình trạng này cho đến nay vẫn chẳng suy giảm đi chút nào, thậm chí không ít game thủ không sử dụng hack cũng chẳng buồn đoái hoài đến kẻ chơi bẩn kia, đơn giản vì có họ, những game thủ còn lại sẽ có được một trận thắng dễ dàng để làm đẹp thêm bảng thành tích.
Câu chuyện thứ hai là về một tựa game nhập vai đã từng được xếp vào hàng bom tấn, cũng có được một cộng đồng game thủ đông đảo. Thế rồi hack xuất hiện và ngày một lan rộng. Nhà phát hành quyết tâm dẹp tận gốc tình trạng này. May mắn thay, quá trình bài trừ nạn hack thành công, với vô số account bị khóa vĩnh viễn. Thế nhưng ngay sau đó, do hứng chịu sự sụt giảm trầm trọng số lượng người chơi, chẳng bao lâu sau game cũng phải đóng cửa.
Hai câu chuyện này nói lên điều gì? Xin thưa, nó chính là tấm gương phản chiếu ý thức chơi game của một bộ phận game thủ Việt Nam. Vì chiến thắng ảo, số lượng người chơi (có lẽ gọi họ là game thủ sẽ là xúc phạm những gamer Việt khác) này chẳng cần biết đến sự tôn trọng nhà phát hành cũng như game thủ khác là gì.
Câu chuyện thứ 3 là về một game nhập vai khác đã từng ra mắt tại Việt Nam. Khi đó game thủ cũng hô hào mong muốn một nhà phát hành nào đó đưa game về Việt Nam. Thế nhưng khi về đến thị trường nội địa, cách chơi của tựa game này quá sâu và phức tạp, tới mức “kén người chơi”, trong khi ở các thị trường khác, nó luôn gặt hái được thành công vang dội. Chính câu chuyện này cũng một vài bài học nữa đã khiến các nhà phát hành trở nên vô cùng thận trọng và dè dặt trong việc đưa các game bom tấn về Việt Nam.
Nói tóm lại, cộng đồng game thủ Việt là một cộng đồng có sự mâu thuẫn nhất định giữa lời nói và hành động. Điều này cũng phần nào khiến cho các NPH luôn phải cẩn thận và tính toán kỹ càng, thậm chí áp dụng ngay giải pháp an toàn mỗi khi muốn đưa một tựa game mới về thị trường trong nước.