Trí Thức Trẻ | 13/07/2019 12:10 PM
Cho đến tận 2016, nhắc đến đầu bảng vẫn là nhắc đến một con số vô cùng đơn giản: 650 USD. Apple đã bán iPhone ở mức giá này kể từ thời của iPhone 4, cũng là phiên bản đầu tiên có hàng unlock bán rộng rãi. Các mẫu Plus được bán đắt hơn một chút (750 USD), nhưng nhìn chung cả thị trường đều sử dụng khung giá này. Các hãng khác cạnh tranh với iPhone, ở cùng một mức giá (600 - 800 USD) thì cũng được gọi là đầu bảng: Samsung Galaxy S/Note, LG G, Sony Xperia Z v...v...
Nhưng với những thay đổi bước ngoặt từ cả các hãng "chiếu trên" và "chiếu dưới", mọi thứ đã thực sự thay đổi.
Tiêu chuẩn nghìn đô
Đầu tiên là 2 tên tuổi đại diện cho phân khúc cao cấp: Apple và Samsung. Rất ít người nhận ra rằng Samsung mới là thủ phạm thực sự cho công cuộc "tăng giá ngấm ngầm" trên smartphone đầu bảng không phải là Apple mà là Samsung. Năm 2016, Galaxy S7 khởi điểm chỉ 670 USD thì đến 2017 Galaxy S8 đã tăng lên mốc 750 USD. Năm 2016, Note7 bản giá thấp nhất đã 850 USD thì một năm sau Note8 đã có giá 960 USD.
Samsung từ tốn đưa giá đầu bảng tăng dần
Để Apple chốt hạ ở con số "nghìn đô".
Dù vậy, rõ ràng là khi Apple vén màn iPhone X thì con số "nghìn đô" mới trở thành tiêu chuẩn cho smartphone đầu bảng – hay đúng hơn là smartphone đầu bảng của các thương hiệu lớn. Không chỉ là sản phẩm đánh dấu bước ngoặt cho Apple, iPhone X còn lập kỳ tích khi bán ra được 60 triệu máy trong vòng 1 năm, liên tiếp chiếm giữ ngôi vị "smartphone bán chạy nhất thế giới" trong suốt vòng đời. Thành công của iPhone X đã thực sự chứng minh rằng, giá cả không hề là trở ngại với smartphone.
Bước chân sang thế hệ đầu bảng mới, iPhone XS và iPhone XS Max ra mắt ở mức giá lần lượt là 1100 USD. Là đối thủ duy nhất của Apple, Samsung sẵn sàng để Galaxy S10 khởi điểm ở mức 900 USD và S10+ khởi điểm ở mức 1000 USD. Chắc chắn Note10 cũng sẽ không có giá rẻ hơn. Nghìn đô đã trở thành tiêu chuẩn của 2 gã ngồi "chiếu trên".
Trung Quốc dàn trải
Một khi 2 ông lớn đứng đầu thị trường đã thành công, những kẻ thách thức cũng phải cho mình quyền được đứng ngang hàng: với Mate 20 Pro và P30 Pro, Huawei đã sẵn sàng đẩy giá lên mức gần nghìn đô ngay tại quê nhà Trung Quốc. Đáng kinh ngạc hơn, các bản đặc biệt thuộc dòng Porsche Design được gã khổng lồ Trung Quốc này đặt giá gần... 2000 USD tại Trung Quốc (và đắt hơn nữa khi đi ra nước ngoài).
Trung Quốc: Nhiều tiền cũng mua được đầu bảng...
...ít tiền cũng vẫn mua được đầu bảng.
Nhưng những chiếc Porsche Design chỉ là một trường hợp đặc biệt. Từ OPPO Reno, Mi 9 Transparent Edition cho đến Vivo NEX Ultraview, các phiên bản cao nhất thường có giá vào khoảng 700 – 800 USD, tức là ngang ngửa với iPhone 8/8 Plus khi ra mắt. Phiên bản "không Pro" của P30 và Mate 20 đều khởi điểm ở mức 4000 NDT (chưa đến 600 USD).
Đặc biệt, Trung Quốc còn có một đặc sản khác: những chiếc smartphone "đầu bảng hạng hai" như OPPO Reno KHÔNG có zoom 10X, Mi 9/Mi 8 KHÔNG có vỏ lưng trong suốt hoặc P30/Mate 20 KHÔNG Pro. Các sản phẩm này có giá khởi điểm chỉ là 3000 NDT, tức khoảng 450 USD – biến chúng thành các sản phẩm tầm trung hơn là "cao cấp".
Kết quả là chưa bao giờ câu chuyện đầu bảng tại Trung Quốc lại rối loạn như hiện nay. Cùng một tên gọi "P30", sản phẩm trải dài từ mức giá thấp bằng một nửa iPhone 8 Plus cho đến mức giá mua ngang ngửa iPhone XS và XS Max cộng lại. Cùng một tên gọi Mi 9 hay Reno, bạn có thể mua được những chiếc điện thoại bao gồm nhiều tính năng cao cấp mà Apple hay Samsung cũng không có (ví dụ như zoom quang học 5X), hay đơn giản là những chiếc "đầu bảng hạng hai" chạy Snapdragon 7xx với dung lượng RAM vỏn vẹn 6GB.
Cùng 1 tên sản phẩm, các hãng đem rải ra nhiều cấu hình, nhiều mức giá.
Đầu bảng... hạng hai
Với thế hệ đầu bảng hiện tại, bất ngờ đã xảy ra khi Apple và Samsung lại theo chân chính đối thủ Trung Quốc. Với iPhone XR và Galaxy S10e, 2 ông lớn nghìn đô mang đến thông điệp rằng, chính bản thân họ cũng sẵn sàng vén màn "đầu bảng hạng hai". Chính Apple và Samsung cũng sẵn sàng cắt bỏ tính năng khỏi sản phẩm đầu bảng để đem đến cho người dùng một trải nghiệm đầu bảng không đầy đủ, tuy cao cấp mà vẫn có hạn chế.
Khái niệm đầu bảng giờ đã trở nên nhập nhằng hơn bao giờ hết. Từ một khung giá cố định, hãng nào nay cũng đã có ít nhất 2 khung giá dành cho sản phẩm gọi là "đầu bảng". Từ cụm từ để chỉ một sản phẩm mạnh mẽ nhất, biểu trưng nhất, đầu bảng giờ đã phân hóa thành một danh mục. Hãng ít thì cũng có 2, 3 phiên bản; hãng nhiều như Xiaomi thì biến Mi 9 thành một dòng sản phẩm với 4 mẫu khác nhau.
Hãng nào rồi cũng có "đầu bảng" hạng hai.
Liệu mọi thứ có thể quay trở lại và đơn giản như cũ? Có lẽ là không. Trong những năm qua, thị trường smartphone đã bão hòa, cuộc chơi giờ chuyển sang nâng cấp. Khi người dùng ồ ạt kéo lên các phân khúc giá cao hơn, các hãng cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm "đầu bảng" để thu hút khách hàng.