Đời chơi game, ai cũng sẽ có một series game mà mình cảm thấy yêu thích và tâm đắc. Có người sẽ nói là Call of Duty, có người lại là Battlefield, hay cũng có thể là những series Assassin’s Creed hay thậm chí là Dark Souls. Với bản thân tôi, series game luôn luôn chiếm vị trí cao nhất trong lòng tôi, chỉ có thể là Metal Gear Solid – series game đã làm nên tên tuổi của Hideo Kojima, một trong những nhà làm game thiên tài bậc nhất.
Gọi tôi là một fan lâu năm của Metal Gear Solid có lẽ cũng không đúng, tôi không lớn lên với Metal Gear Solid, tôi cũng chẳng bắt đầu đời chơi game bằng Metal Gear Solid, cách mà tôi đến với series này, thực ra hoàn toàn là tình cờ.
Đó là vào năm 2014, khi Metal Gear Solid V: Ground Zeroes ra mắt, lúc đầu thì thú thực tôi cũng không quan tâm lắm đến nó, vì hai lý do: thứ nhất là lúc đó tôi còn quá nhiều game chưa hoàn thành, hơi đâu mà nghĩ đến một tựa game mới nữa chứ? Thứ hai là vì tôi chẳng biết gì nhiều về series, mà đây lại là phần thứ năm của series rồi, cho nên chắc chắn là phải chần chừ rồi đúng không? Thế rồi đến đầu năm 2015, khi những tựa game cũ đã hoàn thành và đang trong tình trạng không biết nên chơi gì, tôi lại nghĩ đến Ground Zeroes, có vẻ là một tựa game được đánh giá cao đấy, ồ, đồ họa cũng khá đẹp đấy chứ? Và thế là tôi quyết định chơi tựa game này.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là đoạn cutscene mở đầu quá ấn tượng, giống y như một bộ phim đỉnh cao của Hollywood vậy! Toàn những nhân vật mà tôi không biết gì về họ, Skull Face, rồi Chico, Paz, hay Big Boss, tôi không biết gì về họ, nhưng lạ thay, tôi lại thấy bị hấp dẫn ngay lập tức. Rồi đến khi chơi, tôi thực sự choáng ngợp trước gameplay của game. Đây là một game stealth ư? “Hoàn hảo” là từ duy nhất tôi có thể nghĩ ra để nói về gameplay của game khi mới chơi. Đòi hỏi một sự tập trung cao độ, một gameplay thử thách, một khu vực rộng lớn để tìm hiểu, quá nhiều thứ! Tôi còn nhớ tôi đã bỏ ra 3 tiếng mới có thể hoàn thành hết nhiệm vụ “Ground Zeroes” – mà vẫn chỉ nhận được Rank B! Thế rồi đến các nhiệm vụ phụ, lại thêm một lần nữa bất ngờ vì có nhiều hơn một cách để hoàn thành nhiệm vụ, nói tóm lại là chúng ta hoàn toàn tự do lựa chọn cách hoàn thành nhiệm vụ! Không nhiều tựa game mà tôi biết cho chúng ta sự thoải mái ấy.
Ground Zeroes chỉ là phần prologue cho The Phantom Pain, và dĩ nhiên là tôi lại phải đợi đến khi The Phantom Pain ra mắt, và tôi đã bắt đầu có hứng thú với series này. Tôi muốn hiểu nhiều hơn về các nhân vật của nó, tôi muốn biết nhiều hơn về cốt truyện, và hơn hết là tôi muốn tiếp tục được trải nghiệm những giờ phút căng thẳng của một tựa game stealth đúng chất!
Và thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về series này, và một phen nữa bất ngờ. Quá nhiều phiên bản từ chính đến phụ, chúng lại nằm trên quá nhiều nền tảng chơi game mà PC chỉ là thứ yếu: PS1, PS2, PSP, PS3, thậm chí là có tới hai phần game nằm trên SNES! Tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, chơi phiên bản nào trước tiên. Thế là lại phải nhờ sự chỉ giáo của các fan Metal Gear Solid đi trước, nhờ những lời khuyên của họ, rốt cuộc tôi cũng có một khái niệm rõ ràng về việc nên bắt đầu từ đâu.
Đầu tiên đó là đọc cốt truyện của hai tựa game cũ nhất trên SNES, cũng khá đơn giản, nhưng tôi lại hơi bất ngờ một chút khi nhân vật chính lại là Solid Snake nào đó chứ không phải Big Boss như tôi nghĩ (tôi đã nghĩ cả series là câu chuyện về Big Boss), và Big Boss hóa ra lại là kẻ phản diện? Sự cuốn hút tăng lên, tôi muốn biết Solid Snake là ai, liệu có liên quan gì đến Big Boss? Tôi muốn biết tại sao Big Boss lại trở thành kẻ phản diện đứng đầu Outer Heaven? Quá nhiều câu hỏi cần giải đáp, và thế là đến với Metal Gear Solid bản đầu tiên.
Không ngoài dự đoán, quả thật đó là một tựa game xuất sắc, dù lúc đầu có đôi chút khó chịu với camera và cách di chuyển của game (một vấn đề với mọi tựa game PS1). Nhưng càng chơi lại càng cuốn, mặc dù game lại cho chúng ta biết thêm hàng lô những nhân vật, từ chính đến phụ, chính diện đến phản diện, nào là Liquid Snake, Revolver Ocelot, Otacon, Sniper Wolf, Gray Fox, Psycho Mantis,… Tất cả đều để lại cho tôi những ấn tượng thật sâu sắc, và một điểm tuyệt vời nữa là những đoạn cutscene đậm chất điện ảnh, thời điểm ra mắt năm 1998, có bao nhiêu game đầu tư nhiều đến như vậy vào cutscene chứ? Rồi những trận đấu boss đáng nhớ với Sniper Wolf, với Gray Fox, với Psycho Mantis, với Liquid Snake và Metal Gear REX. Những giờ phút chơi Metal Gear Solid quả thực là những giờ phút hạnh phúc bậc nhất với tôi.
Kết thúc Metal Gear Solid, lại tiếp tục đến với Metal Gear Solid 2. Một chút bất ngờ khi nhân vật chính lại là Raiden chứ không còn là Solid Snake, cũng chẳng sao, Kojima luôn biết cách tạo bất ngờ. Một lần nữa đắm chìm vào thế giới của Metal Gear Solid, một lần nữa đối đầu với một Metal Gear khổng lồ, một lần nữa đối đầu với những kẻ địch ấn tượng. Đó là Fatman, là Fortune, là Vamp, là Metal Gear RAY, là Solidus Snake, cũng lại là anh em với Solid Snake và Liquid Snake.
Thêm một phần của câu chuyện về Big Boss được hé lộ và lại thêm một phần trong tôi háo hức đến với phần tiếp theo. Ừ thì tiếp tục với Metal Gear Solid 3, lần này thực sự Kojima cho tôi được vào vai Big Boss – người lính huyền thoại. Đối với tôi, Metal Gear Solid 3 thực sự là một tuyệt phẩm của PS2, đứng cạnh những tuyệt phẩm khác như Okami hay Shadow of the Colossus. Thật khó tìm ra được một khuyết điểm lớn nào của Metal Gear Solid 3, có chăng vẫn chỉ là những vấn đề mà phần cứng PS2 không đáp ứng nổi, còn lại, mọi thứ từ gameplay, âm nhạc, cốt truyện, đều tuyệt vời.
Cả game là hành trình từng bước trở thành huyền thoại Big Boss của Naked Snake, đau đớn có, mất mát có, buồn bã có, mọi cung bậc cảm xúc đều có trong Metal Gear Solid 3, để rồi đến những trường đoạn cuối cùng của game khi Naked Snake đối đầu với người thầy của mình – The Boss một lần cuối cùng, mọi thứ của trường đoạn đó… đơn giản là hoàn hảo, chẳng còn một mỹ từ nào có thể thích hợp hơn.
Tôi thực sự không muốn spoil cốt truyện ở đây, vì thực sự trải nghiệm Metal Gear Solid một cách đúng nhất, phải nên là chẳng biết gì trước thì hơn. Tôi chỉ có thể nói rằng, khi chơi xong Metal Gear Solid 3, bạn sẽ một lần nữa ngả mũ thán phục trước thiên tài Hideo Kojima, và có lẽ tự hỏi rằng phải chăng đây đã là đỉnh cao của Metal Gear Solid?
Tất nhiên là không, bởi vì Metal Gear Solid 4, theo tôi mới đúng là đỉnh cao thực sự của series. Metal Gear Solid 4 là đoạn kết cho câu chuyện của Solid Snake, giờ đây, ông đã già, diện mạo chẳng khác gì với Big Boss cả. Phần game được Gamespot chấm điểm tuyệt đối 10/10 và những điểm số 94 đến từ Metacritic, 10/10 đến từ IGN hay 40/40 đến từ Famitsu,… là những minh chứng rõ nhất cho sự hoàn hảo của nó. Phần kết của câu chuyện về Solid Snake, về Liquid Snake, về Big Boss. Người lính huyền thoại của Shadow Moses năm nào giờ đã già và quay lại để thực hiện một nhiệm vụ cuối cùng – ngăn cản Liquid Snake thực hiện kế hoạch của mình.
Lại là những gương mặt quen thuộc, giờ đã thay đổi, cũng như chính bản thân series game này vậy. Solid đã già, Raiden giờ đã thành một cyborg, cùng nhau, với sự giúp đỡ của Otacon và Meryl, một lần cuối cùng họ chiến đấu, cho một thế giới hòa bình… và cho tự do của chính họ. Nghẹn lòng, buồn thương, đau đớn khi chứng kiến những nhân vật ta gắn bó chịu thêm nhiều đau khổ, nhưng cũng thật hào hùng khi một lần nữa tung hoành khắp chiến trường với họ, và trong số các khoảnh khắc của Metal Gear Solid 4, đáng nhớ nhất vẫn là khoảnh khắc Solid trở lại Shadow Moses năm nào, là lúc Metal Gear REX đối đầu với Metal Gear RAY trong một trận đấu kinh điển, là khoảnh khắc Solid và Liquid đối đầu một lần sau cuối….
Và là khoảnh khắc khi Solid một lần nữa gặp lại Big Boss… Là khi Big Boss nói với Solid: “Let it go, my son… or should I call you brother?”. Khi cuối cùng mọi sự thật về Big Boss được hé lộ, cũng là lúc chúng ta chợt nhận ra, đã đến lúc nói lời tạm biệt rồi. Thế giới đã hòa bình, những con người ấy dù phải chịu quá nhiều đau khổ, mất mát, cuối cùng cũng đã được tự do, cuối cùng cũng được làm chủ chính mình. Thật sự đoạn kết của Metal Gear Solid 4 khiến cảm xúc trong tôi lẫn lộn giữa buồn thương, tiếc nuối với vui vẻ, hy vọng vào một tương lai mới. Đó âu cũng là dụng ý của Hideo Kojima, rốt cuộc thì chẳng có kẻ phản diện lẫn chính diện. Tất cả chỉ theo đuổi mục tiêu của mình, lý tưởng của mình mà thôi.
Câu chuyện của Solid đã khép lại, nhưng những khoảng trống trong câu chuyện của Big Boss vẫn cần được thêm vào, và đó là lúc Metal Gear Solid Peace Walker ra đời. Với một tựa game trên PSP, tôi không đòi hỏi quá nhiều về gameplay và đồ họa, nhưng phần cốt truyện, thực sự lại một lần nữa tỏa sáng. Peace Walker là câu trả lời cho câu hỏi về lý tưởng của Big Boss, đó là một nơi dành riêng cho người lính, một nơi mà “Soliders without Borders”, một Militaires Sans Frontières (MSF). Trôi theo câu chuyện của Peace Walker, hiểu thêm về Big Boss và lý tưởng của ông, cái định kiến “kẻ phản diện” vốn đã mờ nhạt sau khi chơi những phần game trước của tôi đã biến mất hoàn toàn. MSF chính là tiền thân của Outer Heaven – là quốc gia lý tưởng của Big Boss, một nơi dành cho những người lính.
Và thật sự cho đến đoạn kết của Metal Gear Solid Peace Walker… có lẽ bạn sẽ thấy mắt mình cay cay đấy.
Một hành trình dài 28 năm từ khi Metal Gear ra mắt năm 1987 đến khi Metal Gear Solid V The Phantom Pain ra mắt năm 2015, cuối cùng series đã đi đến đoạn kết, và với những gì tôi đã trải nghiệm, thực sự tôi hy vọng The Phantom Pain sẽ là một tựa game xuất sắc để khép lại series này.
Và một lần nữa, Hideo Kojima đã không làm tôi thất vọng. Bỏ qua sự thực rằng The Phantom Pain chưa hoàn thiện (bằng chứng là sự hụt hơi trong cốt truyện phần sau), vẫn phải thừa nhận nó là một tựa game vượt mức mong đợi. Chuyển mình ra thế giới mở rộng lớn, khoác lên mình bộ cánh mới là engine FOX được cải tiến, gameplay được đổi mới, âm nhạc thì vẫn luôn luôn là một thế mạnh của series, thực sự khó mà chê The Phantom Pain được.
Cho dù cốt truyện thực sự không đột phá được như các phần trước, nhưng nó vẫn là một mắt xích vừa đủ để gắn kết giữa Peace Walker, Ground Zeroes và phiên bản Metal Gear đầu tiên. Hơn nữa, có thể nói The Phantom Pain là một tựa game Metal Gear Solid rất khác. Bao trùm lên cả game là một sự khát khao trả thù cháy bỏng đến độ bất chấp tất cả. Kazuhira Miller, Big Boss, họ đã chứng kiến MSF – gia đình của họ bị sụp đổ, họ đã chứng kiến Mother Base – nơi họ gọi là nhà bị thiêu rụi, để rồi từ đống tro tàn của MSF, Diamond Dogs trỗi dậy, mạnh mẽ và tàn bạo hơn. Big Boss giờ chẳng còn là Big Boss, giờ đây là Punished Venom Snake – là người sẽ trừng trị những kẻ đã phá hủy gia đình của ông. The Phantom Pain trần trụi, tàn khốc và chết chóc, y như cái tên của mình.
Và càng về sau game, bạn sẽ càng bị cuốn vào câu chuyện, càng nhập tâm vào những nhân vật đó. Và một trong những mission mà tôi đánh giá cao nhất chính là mission 43 – Shining Lights, Even in Death. Quá đau đớn, quá tàn khốc, quá chân thật nhưng cũng quá cảm động. Đó chính là Metal Gear Solid, đó chính là tài năng của Hideo Kojima.
28 năm, một hành trình dài với bao nhiêu phiên bản, Metal Gear Solid đã kết thúc câu chuyện của mình, để lại bao nhiêu những suy nghĩ, những trăn trở cho người chơi. Nếu bạn đã một lần chơi series này, bạn tất sẽ hiểu được nó hay và tuyệt vời đến thế nào. Còn nếu bạn chưa chơi, tôi hy vọng bạn sẽ tìm được cảm hứng để đến với nó, như tôi đã từng như vậy. Đây là tác phẩm của Hideo Kojima, đây là một thiên trường ca về số phận những người lính trên chiến trường. Đây, là một series của những tuyệt phẩm. Đây, là Metal Gear Solid.
Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư info@gamek.vn.
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.
Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.