Mê game, đừng dại dột chơi gaming gear, 1 khi đã nhúng tay bạn sẽ bị nghiện đó

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/02/2017 0:00 AM

Câu chuyện có thật của tôi, một người yêu game, nhưng giờ đây thậm chí còn yêu gaming gear hơn cả bản thân game nữa!

Hiểu một cách đơn giản, Gaming Gear nói chung về các thiết bị công nghệ điện tử - tin học và phi điện tử, là phần cứng quan trọng giúp hỗ trợ cho chơi game chuyên nghiệp. Những thứ cơ bản nhất bao gồm: 2 thứ quan trọng nhất là chuột và tấm lót chuột. Tiếp theo là tai nghe và bàn phím. Ngoài ra còn có lót tay, đồ giữ dây chuột, mouse feet...

Nói tóm lại, giờ đây ở một thị trường rộng và nhiều tầng mức giá sản phẩm như ở làng game Việt, thì cứ cái gì sử dụng để chơi game chúng ta đều có thể coi là gaming gear được rồi. Có ai cấm bạn chơi Liên Minh Huyền Thoại bằng Fuhlen thay vì bàn phím SteelSeries, cấm bạn chơi game đua xe bằng loa 2.1 thay vì tai nghe không dây của Razer đâu! Nhưng những sản phẩm cao cấp luôn có một thứ gì đó mê hoặc anh chị em game thủ chúng ta theo những cách rất riêng, mà chẳng một sản phẩm nào làm được tương tự cả.

Giờ đây không có điều gì khẳng định với mọi người rằng "Tôi là một game thủ" bằng chính những thiết bị ngoại vi được đóng những nhãn mác nổi tiếng cùng ngoại hình sắc sảo, được nghiên cứu đến từng chi tiết để đem lại trải nghiệm game hoàn hảo nhất. Nó cũng giống như việc bạn cầm trên tay chiếc chìa khóa của một chiếc xe đắt tiền ai nhìn cũng nể phục, chỉ là mức độ và cộng đồng nhỏ hơn rất nhiều mà thôi.

Tôi không hề chém gió, bạn có thể lên ngay những group gaming gear hay những page "khoe hàng" góc chơi game đẹp của người Việt sẽ thấy. Chúng ta có nhiều đại gia lắm chứ. Bàn phím cơ chất kín bàn, tay phải chỉ có 1 nhưng phải có độ chục con chuột chơi game, từ xịn đến... cực xịn, cho đến cả những màn hình vài chục triệu Đồng có đủ tính năng từ Gsync cho đến công nghệ tần số quét 144Hz. Ấy là chưa kể case máy tính có cái giá cả trăm triệu Đồng nữa.

Nếu là tôi 7 năm về trước, khi chân ướt chân ráo khởi đầu công việc xoay quanh những món đồ chơi dành riêng cho giới game thủ, chắc chắn tôi sẽ phải lắc đầu ngán ngẩm vì game thủ chúng ta quá phung phí tiền bạc vào cuộc chơi gaming gear. Nhưng giờ đây tôi sẽ khẳng định lại. Nếu các bạn có nhu cầu chơi game, hãy chọn cho mình một bộ gaming gear vừa túi tiền, chứ không phải là đắt nhất. Lý do là giờ đây những sản phẩm giá rẻ cũng đã có hiệu năng tốt đủ chiến game rồi, chứ không cần đến bàn phím cơ đắt tiền đèn LED lập lòe hay chuột chơi game giá vài triệu Đồng.

Còn nếu bạn đang có ý tưởng, chỉ là ý tưởng thôi nhé, bước chân vào thế giới gaming gear, tôi nghiêm túc khuyên bạn nên chắc chắn rằng mình có một khoản tiền nhàn rỗi đủ lớn, vì khi bước chân vào đây, bạn chắc chắn sẽ bị nghiện vì sức hút của những món đồ tuyệt đẹp này và sẽ mua một cách khó lòng có thể kiểm soát bản thân mình. Vì sao tôi lại chắc chắn như vậy ư? Vì chính tôi cũng từng rơi vào tình trạng như vậy đấy!

Khởi đầu của tôi là chú chuột quang 50 nghìn mua ở một cửa hàng máy tính trong khu Bách Khoa. Thế rồi một ngày nọ, cầm lương tháng đi mua thanh RAM nâng cấp cho cỗ máy tính cà tàng ngày xưa còn sử dụng, thì bỗng nhiên đập vào mắt là một chiếc hộp đen sì, điểm xuyết vài chi tiết xanh lá cây: Razer DeathAdder 3500 DPI! Mua RAM xong tôi cứ đứng tần ngần rất lâu trong cửa hàng, và cuối cùng cũng tự đưa đến quyết định sẽ bỏ thêm cả triệu Đồng mua chú chuột mới.

Hồi ấy bàn phím cơ chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, chứ nếu không chắc tôi cũng phải làm một cái bàn phím thay cho Mitsumi đang dùng ở nhà mất.

Và chính chú chuột DeathAdder vốn bị nhiều game thủ CS 1.6 khi ấy chê là lift off quá cao nhưng đẹp đến ngạt thở này đã "dắt" tôi vào cuộc phiêu lưu với những món gaming gear. Trong suốt 7 năm qua, nhờ vào công việc của mình, tôi đã nhẵn mặt những thương hiệu từ nhỏ đến lớn, từ rẻ tiền đến đắt tiền, từ có dây đến không dây, từ thiết kế góc cạnh đến tròn trịa,... Có nhiều mẫu gaming gear đã để lại ấn tượng rất tốt trong lòng tôi, đến mức tôi phải tự bỏ tiền túi ra mua chúng về.

Ban đầu chỉ là chuột phím tai nghe, nhưng dần dà mọi thứ bắt đầu phát triển mạnh hơn, đến cả màn hình lẫn loa, phần cứng máy tính cũng có những sản phẩm dành riêng cho người yêu game như chúng ta. Mà để mua RAM, card đồ họa, bo mạch chủ lại là một số tiền khác hoàn toàn so với mua chuột phím thông thường (chưa nói tới chuyện chơi phím cơ custom và keycap đắt tiền). Mỗi tháng, tôi lại tìm thấy một món đồ mình muốn sở hữu. Bán đồ cũ để mua đồ mới thì không đành lòng, tôi bị rơi vào lối mòn mà nhiều bạn trẻ giờ đây đang vấp phải, đó là mua quá nhiều nhưng sử dụng thì chẳng được bao nhiêu.

Trong số đó phải kể tới Razer Naga Chroma. Chú chuột không dây dành cho fan MMORPG và MOBA quá chất của Rắn xanh, hay chiếc bàn phím cơ HHKB, vốn chẳng phải thứ phục vụ game thủ nhưng lại có cảm giác sử dụng khiến ai cũng phải mê mẩn. Cũng phải nói luôn, ngoài gaming gear, tôi còn mê cả âm thanh, vì thế khoản tiền bỏ ra cũng tương đối lớn.

Có một thời gian tôi rơi vào khủng hoảng tài chính, phải bán hết đồ đạc mình từng có đi để trang trải công việc. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra, mình đã mua và chi tiêu sai như thế nào. Chúng ta chỉ có một đôi mắt, hai bàn tay mà thôi, mua quá nhiều phím chuột chỉ thỏa mãn được nhu cầu "thích" chứ không đáp ứng cái "cần". Và cuối cùng, giờ đây tôi dừng lại ở bộ gear cũng chẳng phải đắt nhất, nhưng hợp với gu của bản thân nhất: Bàn phím DasKeyboard 4 Ultimate, chuột Zowie EC2A đời đầu logo trắng, mousepad Steelseries QcK Heavy Natus Vincere, và bộ case máy tính được tin dùng suốt 2 năm qua, thứ mà tôi sử dụng để đem tới cho các bạn những bài đánh giá chi tiết cũng như trải nghiệm game trong suốt thời gian qua.

Nhưng đi kèm với đó là những món đồ chơi khác mà hễ cứ đem ra đường người ta biết ngay bạn là game thủ. Từ chiếc túi đựng mech key, cho đến cái áo hoodie với logo Razer cực ngầu, hay chiếc móc khóa xinh xinh có logo của hãng sản xuất phần cứng. Những món quà như thế này luôn khiến chúng ta mê mẩn và chi thêm nhiều tiền mua sản phẩm của hãng để nhận được chúng.

Có hai kiểu game thủ sắm trọn bộ gaming gear khủng. Một là những người "tất tay" vào đam mê, không giữ lại đồng nào tiết kiệm cho bản thân. Kiểu game thủ thứ hai là những người có khoản tiền dư thừa, sắm gear không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tiếc một điều, tôi thuộc kiểu thứ nhất, nhưng xét tới cả hai kiểu game thủ như thế này, chúng ta đều có điểm chung là tình yêu với các thiết bị chơi game chứ không đơn thuần chỉ là yêu thế giới ảo nữa.