Mới tuần trước HP, hãng sản xuất máy tính cá nhân số 1 thế giới tuyên bố rằng hãng muốn
rời khỏi thị trường PC truyền thống và hướng tới các sản phẩm mang lại nhiều lợi nhuận hơn như phần mềm và dịch vụ. Đây vẫn chưa phải là tin xấu duy nhất mà người hâm mộ HP nhận được. HP tuyên bố rằng mình ngừng sản xuất các thiết bị chạy HĐH di động mà hãng đang phát triển: WebOS. Vậy là sau có hơn 1 năm về đầu quân dưới trướng của HP sau khi hãng này mua lại chủ quản đang phá sản trước đó của WebOS là Palm, HĐH này cuối cùng cũng không tránh khỏi số phận bi thảm: Lại bị xô ngã một lần nữa.
Các thiết bị chạy WebOS như
HP TouchPad, chiếc smartphone Veer... là những sản phẩm xấu số bị HP ruồng rẫy lần này. Sau khi bị HP chối bỏ, các thiết bị này lập tức bị các hãng bán lẻ như BestBuy bán tống bán tháo với cái giá rẻ đến giật mình: HP TouchPad có giá chỉ 99$ (2 triệu đồng) trong khi giá của TouchPad trước khi thảm họa xảy ra là gần 400 USD. Ngay lập tức, cộng đồng mạng kháo nhau về việc dự án phát triển WebOS sẽ bị HP quẳng vào thùng rác, đặt dấu chấm hết cho HĐH đen đủi này.
Sau đó vài ngày, HP lên tiếng bào chữa về hành động của mình chỉ đơn thuần là ngừng sản xuất các sản phẩm chạy WebOS và vẫn cam kết hỗ trợ, cập nhật cho những thiết bị chạy WebOS và để ngỏ khả năng bán WebOS cho 1 các bên quan tâm hoặc tiết tục phát triển WebOS và bán bản quyền cho các hãng muốn sản xuất thiết bị chạy WebOS. Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu rằng WebOS đang đứng trước 2 con đường: Hoặc được bán đứt cho công ty khác đang cần 1 HĐH cho các thiết bị di động, hoặc sẽ trở thành 1 dự án tiếp tục được HP phát triển, nhưng HP sẽ không sản xuất phần cứng mà phân phối WebOS giống như Microsoft phân phối Windows Phone 7.
Nhưng dường như những lời vớt vát muộn màng của HP cũng không khiến thực tế sáng sủa lên được chút nào: Cơ hội để trở lại thị trường của WebOS gần như là con số 0.
Cái dớp đen đủi
Hãy thử nhìn lại quá khứ của WebOS và chúng ta sẽ dễ dàng thấy được: Khó có 1 HĐH nào lại đen đủi như nó. Chủ nhân đầu tiên của WebOS là Palm. Nếu bạn đọc nào chưa nghe tới cái tên Palm thì tôi đoán rằng rất có khả năng bạn thuộc thế hệ sinh sau năm 1991. Cách đây khoảng 10 năm, nếu bạn có ý định mua điện thoại màn hình cảm ứng hoặc PDA, bạn hầu như chỉ có 2 sự lựa chọn: Máy chạy
Windows Mobile và máy chạy Palm OS. Mặc dù ra đời trước và có thể được coi là 1 trong những bậc tiền bối của các HĐH dành cho smartphone về sau này, Palm OS chỉ dành được 1 thị phần tương đối khiêm tốn. Nhưng chỉ cần một phần nhỏ thị phần, Palm OS có lẽ vẫn là cái tên khiến nhiều bạn đọc "lão thành" phải cảm thấy bồi hồi.
Palm OS từng được đánh giá là khá đơn giản, trực quan, tương tự như iOS bây giờ.
Năm 2009, sau nhiều năm chật vật tìm cách cải tiến Palm OS, Palm quyết định rời bỏ nền tảng cũ của mình và xây dựng 1 HĐH hoàn toàn mới là WebOS. Chỉ sau ngày Palm Pre, thiết bị chạy WebOS đầu tiên ra mắt bàn dân thiên hạ được 10 tháng, Palm phản "bán mình" cho HP với cái giá khá rẻ mạt: Chỉ 1,2 tỉ USD.
WebOS sang tên đổi chủ từ đó. Phần còn lại, như chúng ta đã biết, HP đưa WebOS vào các thiết bị của mình như TouchPad và Veer nhưng tất cả cũng chỉ nằm trên kệ được không quá 2 tháng trời. 1 lần nữa, HP, công ty đang nắm giữ WebOS thổ lộ rằng hãng này đang muốn bán một phần của công ty vì kết quả kinh doanh quá bết bát.
Dường như WebOS có một cái "vía" khá nặng, về đâu là ở đó "xẻ đàn tan nghé". Liệu một khi cả HP, hãng đang sở hữu hệ thống gia công phần cứng số 1 thế giới cũng phải lắc đầu ngán ngẩm trước WebOS, công ty nào sẽ đủ dũng cảm để rước HĐH này về, và kể cả có dám rước về thì điều gì đảm bảo WebOS sẽ thành công nếu như cả Palm và HP đều đã thảm bại?
Tốt và xấu
Từ ngày WebOS ra đời, HĐH này nhận được không ít lời ca tụng của giới chuyên môn. Bản thân tôi sử dụng chiếc TouchPad của 1 anh bạn cũng cảm thấy WebOS có những điểm rất tuyệt vời, điển hình trong số đó là cách WebOS quản lý ứng dụng chạy đa nhiệm. Nếu như đối với Android hay iOS, chúng ta chỉ có thể chạy được 1 ứng dụng trên màn hình, việc chuyển qua chuyển lại giữa các ứng dụng phải thông qua 1 danh sách các ứng dụng đang chạy được gọi lên bằng 1 thao tác nào đó thì ở WebOS các ứng dụng đang chạy được quản lý dưới dạng các cửa sổ, rất gần gũi với cách mà chúng ta làm việc trên các HĐH dành cho PC. Hoặc hệ thống hiển thị thông báo từ email, tin nhắn và thông báo từ các ứng dụng của WebOS cũng được đánh giá tốt hơn hẳn so với các HĐH khác như iOS hay Windows Phone.
Tính năng quản lý ứng dụng đa nhiệm của WebOS rất xuất sắc trong số các HĐH di động hiện tại.
Dù vậy, tất cả những ưu điểm trên vẫn không cứu nổi WebOS khỏi số phận hẩm hiu, vì 1 lý do chết người: Thiếu ứng dụng. Trong 1 thời đại mà số lượng và chất lượng ứng dụng của 1 HĐH quyết định sự hấp dẫn của HĐH ấy, kho ứng dụng của WebOS với con số chỉ vài ngàn tỏ ra quá đuối sức so với iOS hoặc Android hiện đã tới con số vài trăm ngàn. Hơn nữa tốc độ chạy ứng dụng trên các thiết bị WebOS dường như khó có thể so sánh với Android hay iOS mặc dù cấu hình của TouchPad không hề thua kém các tablet Android cùng thời.
Những yếu điểm ấy đã ghi dấu trong tâm trí của người sử dụng rất sâu và khó lòng gột bỏ. Nếu bất kỳ 1 hãng nào còn có ý định sản xuất thiết bị chạy WebOS thì hãng sản xuất ấy tốt hơn hết là phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những phản hồi thiếu thiện chí từ phía khách hàng, ít nhất là cho tới khi WebOS chứng minh được rằng mình đã thực sự lột xác.
Còn khả năng HP tự mình phát triển WebOS để rồi sau đó quay lại bán bản quyền WebOS cho các hãng sản xuất phần cứng có nhu cầu. Nghe có vẻ là 1 ý tưởng rất thú vị, nhưng hãy nhớ rằng khi mà HP vừa đá bóng vừa thổi còi, tự sản xuất cả phần mềm và phần cứng thì HP TouchPad vẫn đem lại cảm giác rời rạc, thiếu nhất quán và thiếu chau chuốt, liệu có thể mong chờ được gì từ kiểu hợp tác "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như vậy? Android có thể đạt được sự đồng nhất giữa phần cứng với phần mềm ở nhiều nhà sản xuất là do Google phát hành HĐH này dưới dạng mã nguồn mở. HP đang rất chật vật tìm kiếm lợi nhuận, khả năng HP cũng hỗ trợ WebOS để rồi lại cho các hãng khác dùng "chùa" là điều không bao giờ xảy ra.
Kết
Rất có thể bất chấp những yếu điểm của WebOS và quá khứ không mấy vẻ vang của HĐH này, vẫn sẽ có những người hứng thú với việc mua lại nó. Đó có thể là Facebook, hãng luôn mơ ước đến việc tự sản xuất cho mình 1 chiếc smartphone "từ A->Z". Đó có thể là LG, HTC, Sony Ericsson, những hãng sản xuất vốn sử dụng Android để phát triển thị phần này cảm thấy chột dạ trước việc Google mua lại Motorola, nói cho cùng, cạnh tranh với Google ở các smartphone Android không khác gì thách đọ súng với trùm buôn... vũ khí. Và rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến việc WebOS sang tên đổi chủ 1 lần nữa trong thời gian tới đây.
Câu hỏi cuối cùng lại quay trở về: Ai sẽ là người đủ dũng cảm đứng ra gánh vác WebOS?
Cá nhân tôi thì cho rằng HP nên để cho WebOS ra đi trong thanh thản, nói cho cùng nếu như bạn đã thất bại đến lần thứ 2 và đốt vào công việc mà mình làm hàng tỉ USD vô ích, có lẽ công việc đó thực sự đã vượt quá sức lực của con người.