Chắc hẳn những người yêu thích công nghệ đều không lạ lẫm gì trước loại màn hình được Apple sử dụng trên các sản phẩm mới của mình là iPhone 4và New iPad, đó chính là màn hình Retina có chất lượng hình ảnh tốt và đặc biệt là độ phân giải cực cao tạo ra cảm giác rất nét. Hãng cung cấp loại màn hình này cho Táo Khuyết lại chính là Samsung – một trong những nhà sản xuất smartphone cũng như tablet Android hàng đầu hiện đang cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm chạy iOS.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao loại màn hình có chất lượng cao, độ phân giải vượt trội như Retina lại chỉ xuất hiện trên các sản phẩm của Apple? Trong khi đó hãng sản xuất ra nó là Samsung lại không sử dụng chúng trên thiết bị smartphone cũng như tablet mang thương hiệu Galaxy nổi tiếng của mình để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng?
Mọi người đều biết rằng Samsung và Apple đang cạnh tranh nhau khốc liệt trên thị trường di động với các sản phẩm smartphone và tablet, đã có nhiều vụ kiện tụng lớn về vấn đề bản quyền giữa 2 hãng nhằm kìm chế sự phát triển của nhau. Rõ ràng quan hệ giữa 2 hãng này là cạnh tranh nhau khốc liệt. Thương trường như chiến trường, tại sao Samsung vẫn sẵn lòng hợp tác cung cấp thiết bị cho đối thủ của mình mà không phải là uy hiếp để tạo lợi thế cho chính mình?
Trên thực tế, Samsung là một tập đoàn đa quốc gia cực lớn được tạo thành bởi sự kết hợp của hơn 30 công ty độc lập kinh doanh rất nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, từ kỹ thuật điện tử cho đến bảo hiểm, hoá dầu… trong số đó thì bộ phận sản xuất màn hình và các thiết bị điện thoại, máy tính bảng là hoàn toàn tách biệt với nhau. Do đó, sản xuất smartphone và tablet thì cạnh tranh nảy lửa còn nguồn hàng màn hình thì cứ tiếp tục xuất đều.
Samsung cũng không phải là công ty duy nhất sản xuất màn hình cho các đối thủ cạnh tranh phần cứng trực tiếp. Ngoài ra còn có LG và Sony – 2 hãng cũng đang cạnh tranh nhau ở mảng thiết bị di động chạy Android.
Quay trở lại với các loại màn hình, hãy cùng đi sâu vào AMOLED – công nghệ đang được Samsung sử dụng trên sản phẩm của mình.
Trước hết, AMOLED là một loại màn hình được Samsung phát triển dành riêng cho các thiết bị di động của họ, không một hãng nào khác có được sản phẩm này, kể cả Apple. Hàng triệu chiếc điện thoại Galaxy S II chạy Android rất được ưa chuộng trên thị trường đều dùng công nghệ này, chiếc Galaxy Tab 7.7 mới đây sử dụng công nghệ mới hơn, có tên là Super AMOLED.
Samsung đã phát triển công nghệ AMOLED (khởi nguồn từ OLED) trong một thời gian khá lâu với khoản tiền đầu tư rất lớn lên tới hàng chục tỷ đô. Lẽ dĩ nhiên, họ không thể đổ cả đống tiền vào một công nghệ không đâu, AMOLED thực sự có những lợi thế đáng chú ý dành cho thiết bị di động.
AMOLED có lợi thế hơn hẳn trong việc tiết kiệm năng lượng và hiển thị màu sắc. Cụ thể hơn, công nghệ AMOLED tiêu tốn điện năng ít hơn hẳn so với LCD nói chung còn nếu so với Retina thì khoảng 30%, như vậy các thiết bị sử dụng công nghệ này sẽ có khả năng tối ưu hoá thời lượng pin – một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng đối với một thiết bị di động. Về mặt hiển thị, AMOLED tuy thua kém Retina về độ phân giải, chi tiết và độ sắc nét nhưng lại ăn đứt ở khoản tái hiện màu sắc, các kênh màu cơ bản là đỏ, xanh lá, xanh lam đều sáng hơn và chân thực hơn, ngoài ra độ tương phản cao hơn và góc nhìn cũng rộng hơn.
Như vậy, tuy công nghệ AMOLED áp dụng trên các sản phẩm của Samsung không thể có được độ phân giải 2048 x 1536 trên màn hình 9,7 inch như the New iPad nhưng lại có màu sắc đẹp mắt hơn, vẫn chưa biết mèo nào cắn mỉu nào…
Ngoài ra, theo nhiều thử nghiệm thực tế thì màn hình OLED có tuổi thọ độ sáng ngắn hơn so với LCD (tất nhiên còn tuỳ thiết bị nhưng đa phần là ngắn hơn) do thành phần vật liệu hữu cơ được sử dụng để sản xuất. Tuy nhiên thì điều này là vấn đề của các thiết bị như TV hay màn hình máy tính hơn là thiết bị di động bởi tuổi đời của điện thoại và tablet thường chỉ kéo dài tầm 2 – 3 năm mà thôi.
Từ phía người tiêu dùng: họ có thực sự cần một màn hình Retina siêu nét?
Trước đây người dùng chưa bao giờ phàn nàn về độ nét của các sản phẩm smartphone cũng như tablet cũ. Ví dụ như iPhone 3GS chỉ có độ phân giải là 480 x 320 còn iPhone 4 lên tới 960 x 640 (gấp 4 lần). Tất nhiên khi so sánh 2 màn hình thì sản phẩm ra đời sau đẹp hơn một cách rõ rệt, nhưng nếu như Steve Jobs không nhấn mạnh quảng cáo màn hình Retina thì có ai quan tâm tới độ nét của các đời iPhone không? Người dùng không biết họ cần cái gì, cho đến khi các hãng sản xuất chỉ cho họ thấy. Đây chính là phương thức PR của Apple, họ vẽ ra những thứ làm cho người dùng thích.
Trên thực tế, đối với những thiết bị di động có màn hình chỉ khoảng 4 inch đổ lại thì có nét quá cũng chẳng để làm gì. Độ phân giải cao có ý nghĩa hơn đối với tablet – có màn hình khoảng 10 inch và thường được dùng để xem phim HD, lướt web chơi game… nhưng con số 2048 x 1536 mà Apple đưa ra ở New iPad thực sự là hơi thừa thãi.
Về phía Samsung, họ vẫn đang cố gắng thuyết phục người tiêu dùng rằng chúng ta nên quan tâm tới độ sáng, màu sắc của màn hình chứ không phải là độ phân giải và sắc nét. Các sản phẩm mang thương hiệu Galaxy chắc chắn sẽ còn gắn bó với AMOLED trong thời gian tới. Tuy nhiên tương lai thật khó mà nói trước được, hãng nào cũng muốn công nghệ của mình được khách hàng đánh giá là số một. Liệu AMOLED của Samsung sẽ thuyết phục được người tiêu dùng hay Apple sẽ lại dẫn đầu giới công nghệ di động với Retina và các hãng khác lại sốt sáng chạy theo? Chúng ta hãy cùng chờ xem.