Vì sao Apple rút khỏi EPEAT?

PV  | 12/07/2012 05:00 PM

"Các sản phẩm của Apple đạt tiêu chuẩn về môi trường cao hơn cả những tiêu chuẩn mà EPEAT đánh giá" - phát ngôn viên của Apple cho biết.

Apple vừa lên tiếng trả lời về động thái rút rất nhiều sản phẩm của họ khỏi chứng chỉ thân thiện với môi trường EPEAT, và theo một đại diện của "Táo khuyết", điều này bắt nguồn từ việc các tiêu chuẩn đánh giá của EPEAT đã không còn phù hợp. "Các sản phẩm của Apple đạt tiêu chuẩn về môi trường cao hơn cả những tiêu chuẩn mà EPEAT đánh giá" - phát ngôn viên của Apple cho biết.

Theo tờ The Loop, Apple sử dụng các tiêu chuẩn về môi trường rất nghiêm ngặt để áp dụng cho các thiêt bị của họ, và rất nhiều trong số đó không nằm trong tiêu chuẩn mà các chứng chỉ như EPEAT dùng để đánh giá. EPEAT được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency) cùng nhiều nhà sản xuất khác (trong đó có cả chính Apple) thành lập. Về cơ bản, tiêu chuẩn này đánh giá một sản phẩm công nghệ ở khả năng tái chế và tiết kiệm năng lượng. 


"Apple áp dụng phương thức tiếp cận toàn diện trong việc đo lường ảnh hưởng tới môi trường của các sản phẩm mà hãng sản xuất. Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tiết kiệm năng lượng Energy Star 5.2 mà chính phủ Mỹ đề ra. Chúng tôi cũng là hãng đi đầu trong việc báo cáo phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên website, và sản phẩm của Apple đạt các tiêu chuẩn về môi trường cao hơn cả những tiêu chuẩn mà EPEAT đánh giá, như khả năng tách loại các vật liệu độc hại trên sản phẩm" - đại diện của hãng cho biết.

Apple dành riêng một mục lớn trên website của hãng để thông tin về các số liệu về môi trường liên quan đến các sản phẩm của họ như lượng khí thải carbon; lượng khí thải độc hại mà sản phẩm của họ gây ra; khả năng tái chế của những chiếc iPhone, iPad...Một ví dụ là theo báo cáo của công ty, trong năm ngoái, "đồ" Apple đã thải ra hơn 23,1 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, EPEAT lại nhấn mạnh đến khả năng tái chế phần cứng của một sản phẩm hơn là việc nó thải ra bao nhiêu khí độc. Khả năng tái chế thường rất quan trọng trong ngành công nghiệp PC bởi rất nhiều linh kiện máy tính rất độc hại và người ta thường phải chôn vùi chúng xuống đất nếu không còn giá trị sử dụng. Để đạt được chứng chỉ EPEAT, một sản phẩm phải có thiết kế mà linh kiện có thể dễ dàng tháo lắp, tách rời nhau, đặc biệt là các linh kiện chứa nhiều chất độc hại như pin. Việc tháo lắp dễ dàng giúp các hãng chuyên làm công việc tái chế dễ dàng hơn trong việc xử lý chất độc cũng như tái tạo sử dụng các linh kiện khác. Trong khi đó, MacBook Pro với màn hình Retina của Apple lại là sản phẩm gần như rất có khả năng tháo lắp linh kiện, nhất là pin, bởi pin máy đã được dán keo chặt vào thân.

Nhiều tổ chức chính phủ sẽ không mua "đồ" Apple

Lãnh đạo thành phố San Francisco (và rất có thể sẽ có nhiều tổ chức chính phủ khác, trong tương lai) vừa ra quyết định không cho phép hơn 50 cơ quan công quyền ở thành phố này dùng công quỹ để mua các sản phẩm như laptop, màn hình...do Apple sản xuất, sau khi "Táo khuyết" rút lui khỏi chứng chỉ này. Quyết định được đưa ra sau khi lãnh đạo thành phố tham khảo ý kiến của các tổ chức thành lập nên EPEAT. Một chính sách được đưa ra vào năm 2007 ở San Francisco cũng nêu rõ, cơ quan công quyền chỉ được mua desktop, laptop, màn hình đạt chứng chỉ EPEAT. Mặc dù ngân sách dành cho sản phẩm Apple của thành phố này cũng không phải quá lớn, chỉ khoảng 45.579 USD trong năm ngoái, nhưng động thái này có thể tạo nên một làn sóng "tẩy chay" hàng Apple trong các cơ quan chính phủ, trường học ở nhiều nơi trên thế giới. 

Tổng hợp
Xem thêm:

apple

Macbook

Mac