Vì sao Android Market được đổi tên thành Google Play?

MT  | 05/04/2012 0:00 AM

Kể từ ngày 7/3, Google chính thức đổi tên chợ ứng dụng Android Market sang tên gọi mới: Google Play. Vậy đâu là nguyên do và mục đích của sự thay đổi này?

Người dùng Android từ lâu đã quen thuộc với tên gọi Android Market - chợ ứng dụng nơi mà họ có thể tìm và tải về các chương trình cho thiết bị Android của mình. Thế nhưng, kể từ ngày 7/3, Google chính thức đổi tên gọi Android Market sang một tên gọi mới: Google Play. Vậy đâu là nguyên do và mục đích của sự thay đổi này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Tên gọi Google Play

Có thể nói nguyên nhân sâu xa cho việc đổi tên lần này là do sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của Android. Hệ điều hành cho thiết bị di động của Google ngày càng tăng trưởng chóng mặt về số lượng ứng dụng và số thiết bị sử dụng. Sức phát triển đó khiến Google nhận ra rằng Android không đơn thuần còn là 1 hệ điều hành di động nữa. Gã khổng lồ về dịch vụ tìm kiếm đã quyết định cung cấp thêm dịch vụ cho thuê phim, bán và cho thuê sách, dịch vụ âm nhạc... vào Android Market, khiến nó giống một "siêu thị số" hơn thay vì chỉ đơn giản là chợ ứng dụng.


Google đã quyết định đổi tên Android Market sang tên gọi Google Play nghe có nghĩa rộng hơn, trong đó chợ mua bán các ứng dụng di động sẽ có tên khác là Play Store, hiển thị trên các điện thoại Android trên toàn thế giới.

Google Play có gì khác với Android Market?

Có rất ít sự khác biệt giữa Google Play và Android Market khi người dung truy cập trên các điện thoại Android. Sự khác biệt lớn nhất là sự xuất hiện của biểu tượng mới, tên gọi được đổi từ Android Market sang Play Store. 
 
Một thay đổi nhỏ nữa là trước đây, người dùng có một thẻ video để truy cập tới dịch vụ cho thuê phim thì nay, muốn làm việc đó, người dùng phải tìm tới mục Google Play Movies. Tương tự, cửa hàng bán và cho thuê sách sẽ nằm trong mục Google Play Books. Các nội dung cũ vẫn không có gì thay đổi.

Nhấn mạnh khả năng đồng bộ


Google cho biết hệ thống mới phải đảm bảo "tất cả các nội dung số như nhạc, sách, phim, ứng dụng, và trò chơi yêu thích của người dùng đều được lưu trữ tại một nơi mà người dùng có thể truy cập từ Web hay bất kỳ thiết bị Android nào". Nói cách khác, tất cả những gì Google muốn nhấn mạnh là đưa đặc điểm của lưu trữ "đám mây" lên trải nghiệm Android. Một ví dụ sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn: kể từ nay về sau, người dùng có thể mua sách bằng điện thoại, nhưng có thể đọc nó ngay trên web máy tính, hoặc thuê một bộ phim thông qua trang web và nhận nó qua điện thoại. Không có gì mới, nhưng công nghệ này rất ấn tượng, và được miễn phí để sử dụng.

Google Play website

Một trong những điều mà Google muốn khẳng định khi đổi tên Android Market, đó là Google Play sẽ không chỉ còn dành cho người dùng Android. Bằng chứng là các mục sách, video có thể vận hành đầy đủ chức năng trên màn hình máy tính, cho phép người dùng xem nội dung online, do đó nếu bạn chưa sử dụng một smartphone Android nào thì vẫn có thể truy cập để mua sách và phim thông qua các máy tính xách tay và máy tính để bàn mà bạn đang sử dụng.

Ứng dụng Google Play

Sau khi đổi tên, có một tab mới là tab "all" nằm trong trang chứa các ứng dụng đã tải về, liệt kê mọi ứng dụng bạn đã tải về máy, kể cả những thứ mà có thể bạn đã xóa đi sau khi tải.

Google Play cũng cho phép bạn sắp xếp và lọc các đánh giá của người dùng về một ứng dụng nào đó, do đó bạn dễ dàng biết được người dùng nhận xét gì về ứng dụng bạn đang định tải. Thậm chí, bạn có thể lọc ra những phản hồi từ những người dùng Android mà sử dụng cùng loại smartphone mà bạn đang dùng, nên bạn dễ dàng loại bỏ những thông tin không cần thiết.

Google Play Music

Một điều khá thất vọng với người dùng Android hiện nay là dịch vụ âm nhạc Google Play Music vẫn chưa cho phép đăng kí ở các nước khác ngoài Mỹ. Trong khi người dùng ở nước này có thể thoải mái tải lên, mua và đồng bộ các bộ sưu tập âm nhạc của họ để sử dụng trên "đám mây", thì người dùng ở các nước khác vẫn chưa được sử dụng dịch vụ này.

Tham khảo: Techradar