USB 3.0: Bao giờ thì lớn?

Trường Dantae  | 02/07/2011 12:00 PM

USB 3.0 mang đến tốc độ truyền tải nhanh gấp năm lần USB 2.0, cung cấp nhiều điện hơn 50%, tiết kiệm năng lượng hơn nhiều vậy tại sao đến nay công nghệ này vẫn không tìm được đường đến với người tiêu dùng?

Tại sao USB 3.0 vẫn chưa phổ biến?
 
Trong những năm gần đây, USB đã trở nên thông dụng trên tòan thế giới. Khởi đầu từ 1995, USB 1.0 chỉ có thể truyền tải 12 Mbps (Megabit một giây), khiến chuẩn này phát triển chậm.
 
Nhưng khi USB 2.0 xuất hiện vào 2000, với tốc độ 480 Mbps, thì nó đã bước lên đỉnh cao, chấm dứt thời kỳ của những chuẩn khác như PS/2, serial, parallel, hay cả FireWire.
 
Cáp USB 3.0 có kích cỡ giống hệt chuẩn 2.0 nhưng lại không dùng chéo với nhau được vì có cấu tạo khác nhau. Giắc USB 3.0 được qui định sơn xanh.
 
Tuy vậy, USB 3.0, còn được biết với cái tên SuperSpeed USB, với tốc độ 5 Gbps (Gigabit một giây), lại không thể trở thành một chuẩn được ưa dùng. Sau đây là một số lý do.
 
Ưu điểm của USB 3.0
 
Trước tiên, vì sao ta cần USB 3.0? Đơn giản là vì nó nhanh. Nhanh hơn cả chuẩn eSATA. Và USB 3.0, cũng như những chuẩn USB trước, còn có khả năng cung cấp điện cho thiết bị, trong khi thiết bị eSATA lại cần nguồn điện riêng.
 
Chuẩn USB 3.0 sử dụng công nghệ truyền tải gián đoạn (interrupts), thay vì kiểm soát vòng (polling). Điều này sẽ giúp tiết kiện thời gian và năng lượng cho những thiết bị dùng kết nối USB trong trạng thái không hoạt động. Điều này sẽ giúp cải thiện thời lượng sử dụng pin cho các thiết bị cầm tay như laptop chẳng hạn.
 
Và khi có một thiết bị cần điện, USB 3.0 cung cấp năng lượng nhiều gấp 50%. Nghĩa là bạn có thể sạc pin cho không chỉ ổ USB flash mà cả ổ cứng ngoài.
 

 
Ngoài ra, khi máy của bạn không có cổng USB 3.0, bạn có thể mua một card PCI hai cổng với giá chỉ $25. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện nhiều lọai ổ cứng ngòai và vỏ máy hỗ trợ chuẩn USB 3.0 từ các hãng như Buffalo Technologies,Seagate,Western Digital.
 
Tóm lại, bạn có thể thấy vì sao USB 3.0 đáng lẽ phải trở nên phổ biến. Nhưng không, ta vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tìm một chiếc máy tính có sẵn cổng USB 3.0. Và cho đến nay, HP, Sony, và Dell cũng chỉ sản xuất một lượng nhỏ máy tính với USB 3.0.
 
Tại sao lại thế?
 
Các cổng và thiết bị USB 1.0 và 2.0 có thể tương thích với nhau. Đương nhiên là chỉ với tốc độ 12 Mbps. Nhưng với USB 3.0, mặc dù ổ cắm và cổng kết nối thọat nhìn như nhau, chúng lại không thật sự tương thích với những mẫu cũ. Thay vì 4 dây, cáp USB 3.0 có đến 8, vì thế chúng không thể sử dụng cho các thiết bị USB 2.0.
 
Nghĩa là mặc dù bạn có thể cắm một thiết bị USB 2.0 với cáp 2.0 vào cổng 3.0 và ngược lại, bạn lại không thể dùng cáp USB 3.0 cho một thiết bị 2.0. Nói ngắn gọn rằng nếu dùng USB 3.0 thì bạn sẽ gặp nhiều phiền tóai trong việc lựa chọn cáp vì nhìn thoáng qua cáp USB 2.0 và 3.0 rất giống nhau.
 
Quan trọng hơn là Windows 7, kể cả bản SP1, vẫn không hỗ trợ USB 3.0. Đương nhiên bạn vẫn có thể dùng USB 3.0 nếu cài đặt thêm driver, nhưng ở thời đại này, ai còn muốn phải bận tâm vì những vấn đề như thế nữa?
 
Người dùng Mac cũng gặp phải chuyện tương tự khi kể cả Snow Leopard cũng không hỗ trợ USB 3.0. Đây đúng là một vấn đề bế tắc và khó chịu. Mỉa mai là Linux, hệ điều hành thường xuyên bị kêu ca về khả năng tương thích, lại là hệ điều hành duy nhất hỗ trợ sẵn USB 3.0.
 
 
Và đáng kể nhất là mặc dù Intel là một thành viên đã giúp tạo nên chuẩn USB 3.0, thì phải cho đến tận Computex ở Đài Loan ngày 31 tháng 5 vừa qua, họ mới chính thức đưa ra dòng sản phẩm hỗ trợ USB 3.0, chipset Ivy Bridge.
 
Đừng vội mừng vì Ivy Bridge, dòng tiếp theo của Sandy Bridge, vừa bị dời ngày ra mắt đến tháng 3/2012. Vì thế, nếu muốn sớm một bo mạch chủ với USB 3.0, bạn chỉ có một sự lựa chọn là AMD, với dòng chipsetA75 và A70M Fusion.
 
Vì sao Intel lại trễ nải như vậy? Đơn giản là do họ đang muốn thúc đẩy chuẩn kết nối tốc độ cao của riêng mình:Thunderbolt (từng được biết với cái tên Light Peak).
 
Thunderbolt là công nghệ truyền dữ liệu bằng cáp quang. Nó có ổ cắm cùng kích thước với USB nhưng dây cáp lại mỏng hơn. Không như USB 3.0, vốn trên thực tế chỉ có thể nối dài ra khỏang 2 mét, Thunderbolt có thể truyền dữ liệu ở khỏang cách đến 50 mét.
 
Thunderbolt cũng có thể dùng với PCI Express và DisplayPort. Vì vậy, nó có thể dùng cho cả các thiết bị và cho việc truyền tải phim độ nét cao. Intel cũng hứa hẹn rằng người dùng sẽ có thể sạc pin cho thiết bị bằng chuẩn mới này.
 
Quan trọng hơn cả, Thunderbolt, mặc dù vẫn chưa ra mắt, có thể truyền đến 10Gb dữ liệu một giây thaeo cả hai chiều, gấp đôi USB 3.0.
 
Tuy vậy, không như USB 3.0, vốn là một chuẩn mở, Thunderbolt chỉ dành cho Intel. Vì vậy, mặc dù Thunderbolt nghe có vẻ tốt hơn nhiều so với USB 3.0, bạn sẽ chỉ có thể dùng nó trên những thiết bị của Intel và của những nhà sản xuất được Intel nhượng quyền. Về mặt lịch sử mà nói thì những chuẩn độc quyền như thế này sẽ không chiếm thị phần cao, cũng giống như FireWire của Apple trước đây vậy.
 
Vậy thì người dùng nên làm gì?
 
Mặc dù USB 3.0 vẫn chưa thể phát triển như mong đợi, chúng tôi tin rằng về lâu dài, nó rồi sẽ trở thành một hệ thống vào/ra (I/O) của máy tính tòan cầu. Và dù cho Apple, Intel, và Microsoft vẫn không thể hỗ trợ nó, USB 3.0 vẫn là chuẩn vào/ra linh hoạt và mở rộng nhất. USB 3.0 sẽ hứa hẹn mang đến nhiều thử thách cho Thunderbolt, eSATA hay bất kỳ chuẩn kết nối nào.

Theo PCWorld

Xem thêm:

usb

Intel