Từ trước tới nay, máy bộ luôn nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của "giới công nghệ bán chuyên" do có giá thành cao hơn hẳn so với một bộ máy tự lắp có cấu hình tương tự. Đúng là như vậy, tuy nhiên, chúng ta không thể không tính tới những đặc điểm vượt trội của máy tính bộ so với phương án lựa chọn linh kiện rồi lắp ráp.
Đầu tiên phải kể đến sự tương thích và tính ổn định của hệ thống. Đối với những người có hiểu biết sâu về phần cứng, việc chọn các linh kiện tương thích với nhau không phải là quá khó. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần đông người mua desktop hiện nay không có nhiều hiểu biết về vấn đề này. Thậm chí, ngay cả những người thuộc dạng "có chút hiểu biết" chưa chắc đã biết kết hợp các linh kiện này sao cho tốt nhất.
Với những đối tượng người dùng phổ thông, công sức và thời gian họ bỏ ra nghiên cứu để lắp rắp, tìm kiếm linh liện là rất lớn. Đơn giản là vì bởi tìm được đủ linh kiện với thông số y như trong các bài tư vấn là không hề đơn giản. Việc hấp tấp thay bằng các linh kiện tưởng như tương đương nhiều khi lại gây hậu quả nghiêm trọng (chưa tính đến trường hợp các nhà phân phối thiếu lương tâm "đẩy" cho các linh kiện ế và kém chất lượng). Vì vậy, máy bộ là lựa chọn tốt trong trường hợp này.
Đối tượng và nhu cầu
Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số lựa chọn máy bộ hợp lý trong tầm giá khoảng dưới 15 triệu đồng (chỉ riêng case) với mục tiêu phục vụ nhu cầu giải trí cơ bản một cách tốt nhất. Với lựa chọn này, bạn sẽ phải "dằn túi" khoảng chừng 20 triệu đồng (để mua màn hình, loa, các phụ kiện - nếu chưa có).
Tổng quát
Với nhu cầu thông thường thực ra mức giá 15 triệu là tương đối thoải mái. Sẽ không có chuyện bạn phải đau đầu cân nhắc con chip này mạnh hay yếu, card màn hình yếu hay mạnh...
Với mục đích phục vụ tốt nhất nhu cầu giải trí thông thường, các lựa chọn của chúng ta sẽ sử dụng CPU Core i3 hoặc i5 (tốt nhất là Sandy Bridge), RAM tốt nhất là 4 GB, ổ cứng lớn, không cần VGA.
Giải thích
CPU: với khoảng 15 triệu đồng cho một bộ máy tính, lựa chọn CPU Core i- và tốt nhất là Sandy Bridge là không phải bàn cãi. Hiệu năng vượt trội, tiết kiệm điện năng, GPU tích hợp mạnh mẽ (sẽ nói thêm ở phần sau) là những đặc điểm vượt trội của Core i. Trong nội bộ Core i, các CPU Sandy Bridge thế hệ mới ghi điểm mạnh hơn nhờ hiệu năng tăng khoảng 15% (so cùng xung) và giá thành không chênh lệch nhiều. Sức mạnh và sự vượt trội của Sandy Bridge là điều không cần phải bàn cãi.
Tất nhiên, với tầm tiền này, rất khó để chúng ta có thể mua được các Sandy Bridge cao cấp với GPU HD3000.
RAM: Lựa chọn tuyệt vời nhất cho linh kiện này vẫn là mức dung lượng 4 GB. Thực tế, với RAM dung lượng không phải là duy nhất nhưng nó có lẽ là thông số duy nhất một người dùng phổ thông có thể cảm được được sự khác biệt vì vậy tôi xin phép bỏ qua việc lựa chọn các thông số này. Tuy nhiên, nếu không thể kiếm được một bộ máy với dung lượng RAM 4 GB thì 2 GB cũng không phải là một lựa chọn quá tồi.
Nguyên nhân tại sao xin mời bạn xem thêm
tại đây. Thực tế thì trừ khi bạn thường xuyên vừa xem phim, vừa dùng photoshop, vừa duyệt web, vừa chơi game... dung lượng khoảng từ 2 đến 4 GB là đủ dùng. Thực tế, Windows 32 bit cũng chưa nhận hết 4 GB RAM và RAM là loại linh kiện dễ nâng cấp nhất.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao lại không sử dụng Windows 64 bit để tận dụng tối đa dung lượng RAM?
Windows: Câu trả lời là không: ít nhất với nhu cầu của bạn (giải trí thông thường). Hầu như tất cả (nếu không muốn nói là tất cả) các game và ứng dụng đều chạy được trên nền 32 bit. Rất nhiều chương trình không tương thích với Windows 64 bit. Hơn nữa, theo cảm nhận của tôi, Windows 64 bit chạy kém ổn định và nặng nề hơn. Với nhu cầu phổ thông, sự vượt trội về bảo mật, khả năng nhận RAM... là không cần thiết.
VGA rời: không quan tâm. Cách đây khoảng 3 năm thì VGA rời vẫn là "nhãn vàng" cho sự thành công của cả laptop và desktop tuy nhiên sự ra đời của Core i đã đưa thời đại của VGA rời vào dĩ vãng.
Thực tế, GPU tích hợp HD 2000 của Core i đủ sức tải tốt hầu hết các tác vụ giải trí thông thường như xem film HD, chơi các game có cấu hình trung bình (khoảng từ PES chẳng hạn) trên các màn hình 17" (là lựa chọn hợp lý với mức giá này).
Thật ra, có một vài lựa chọn trong mức giá dưới 15 triệu cho phép bạn sửa hữu một VGA cỡ 5450 chẳng hạn. Tuy vậy, trừ khi bạn cần xuất hình ảnh ra 2 màn hình, còn nếu không, hãy trung thành với giải pháp GPU tích hợp siêu việt của Intel.
HDD: càng lớn càng tốt. Đơn giản, với nhu cầu giải trí thông thường, việc lưu trữ phim ảnh là điều cần thiết. Vì vậy, lựa chọn HDD có dung lượng càng lớn càng tốt. Tuy nhiên, đừng bỏ qua tốc độ của HDD bởi bạn sẽ phát điên nếu copy 300 GB phim bằng một ổ 5400 rpm. Thường thì lựa chọn 500 GB 7200rpm là một lựa chọn hợp lý. Nếu cần, bạn có thể mua thêm HDD di động.
Tất nhiên, SSD là một lựa chọn tuyệt vời hơn rất nhiều nhưng với tầm tiền này, việc chọn một sản phẩm sử dụng ổ SSD là tương đối bất hợp lý.
Các linh kiện và lưu ý khác:
Linh kiện làm tôi băn khoăn nhất khi thực hiện bài tư vấn này là soundcard. Là một cỗ máy giải trí, đương nhiên chất lượng âm thanh là một trong những yếu tố tối quan trọng. Để có chất lượng âm thanh tốt, ngoài một bộ loa tốt, bạn cần có một soundcard chấp nhận được. Tuy nhiên, sau khi tham khảo, tôi kết luận trừ khi bạn có khoảng 10 triệu cho bộ loa và là một người có đôi tai kén âm thanh, soundcard tích hợp của CPU là quá đủ.
Là một cỗ máy giải trí, đương nhiên bạn sẽ không thể thiếu được ổ DVD, các cổng kết nối cơ bản (như USB...).
Và nhân vật đáp ứng đủ các tiêu chí của chúng ta là:
HP Compaq 8200 Elite (QA252PA)
Cấu hình chi tiết:
CPU: Core i3- 2100 3,1 GHZ (GPU HD 2000)
RAM: 2 GB DDR3 (nâng cấp tối đa 16 GB - 4 slot)
HDD: 500 GB SATA 3 7200rpm
Ổ đọc DVD
Cổng kết nối cơ bản: 10 x USB (6 sau 4 trước), 2 x PS/2, LAN, VGA...
Giá tham khảo: 15.000.000 VNĐ
Lý do chọn:
Đầu tiên phải thấy rằng 8200 đáp ứng gần như hoàn hảo nhu cầu và mục đích chúng ta đề ra ở phần trên: CPU Sandy Bridge xung khá cao. Thực tế, với nhu cầu của chúng ta việc CPU có 2 4 hay 8 lõi xử lý cũng không khác nhau là mấy (trong khi giá chênh lệch không phải là nhỏ). Ổ cứng ổn, đầy đủ các cổng kết nối.
Điểm yếu duy nhất của 8200 là chỉ có 2 GB RAM mặc định. Tuy nhiên, như đã nói ở trên đây không phải vấn đề quá lớn (đặc biệt với các nhu cầu thông thường). Hơn nữa, bạn có thể nâng cấp RAM bất cứ lúc nào lên 4 GB với mức giá khoảng vài trăm ngàn (máy hỗ trợ tối đa 16 GB RAM với 4 khe cắm).
Một điểm quan trọng khiến tôi lựa chọn 8200 chứ không phải bất cứ một sản phẩm nào khác dù cho trong tầm tiền này chúng ta có thể mua được cấu hình cao hơn một chút (Core i5 chẳng hạn). Thực tế, đây không phải một sản phẩm dành riêng để phục vụ giải trí (8200 là dòng máy dành cho doanh nhân) nhưng chắc chắn nó đáp ứng tốt hầu như mọi nhu cầu giải trí của bạn. Nguyên nhân đơn giản bởi 8200 là một sản phẩm thuộc dòng Elite đã quá quá nổi tiếng của HP.
Độ bền cao, thiết kế đẹp, hoạt động ổn đinh và chế độ bảo hành 3/3/3 đủ sức chinh phục bất cứ người dùng khó tính nào. Phải nói thêm rằng, hiện tại ở Việt nam, hệ thống bảo hành của HP thuộc vào hàng tốt nhất trong các NSX máy tính.
Một lựa chọn cũng khá hợp lý khác là Dell Vostro 460MT, một máy bộ khá nổi tiếng của Dell.
Cấu hình chi tiết:
CPU Core i5 2400 3,1 GHz
RAM: 4 GB DDR3 1333 MHz
HDD 500 GB
VGA HD 5450
Giá tham khảo: 14.000.000 VNĐ
Có cấu hình tốt hơn HP 8200 với việc sử dụng CPU Core i5 mạnh mẽ, RAM 4 GB và có card đồ họa rời. Tuy nhiên, như đã nói ở trên việc sử dụng HD 5450 trong cấu hình Core i không mang lại nhiều tác dụng (trừ khi sử dụng 2 màn hình) chưa kể đến những lỗi nhỏ nhưng khá khó chịu hay gặp ở các VGA rẻ tiền.
Khác với 8200, sản phẩm này của Dell thuộc phân khúc trung bình thấp hơn có thiết kế không được tốt bằng. Vỏ máy là loại "bình dân" trông khá thô và xấu. Hơn nữa, sản phẩm chỉ được bảo hành 12 tháng thay vì 3 năm như của HP.
Tổng kết
Nhìn qua, mức giá của HP Elite 8200 hơi cao so với cấu hình của nó. Tuy nhiên, bạn sẽ không phí tiền bởi thiết kế siêu mỏng, độ bền cao cùng với chế độ bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng tương đối tốt của HP.