Top 10 phát minh công nghệ tự hào nhất của Intel Labs

Leopard  | 04/07/2012 05:00 PM

Bạn nghĩ đấy là chip xử lý? Rất tiếc là không.

Hầu hết các hãng công nghệ nổi tiếng đều có một số thành tựu nghiên cứu riêng, những thứ đã làm nên tên tuổi của họ. Nói đến Intel, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến CPU (x86) hoặc định luật Moore. Nhưng ngược lại với dự đoán của nhiều người, hãng này lại tự hào vì những điều khác.

1. Thunderbolt


Light Peak (LP) là tên gọi đầu tiên của công nghệ có tên thương mại Thunderbolt (TB). LP được Intel tạo ra với mục đích tăng tốc độ trao đổi dữ liệu đồng thời đơn giản hoá việc kết nối giữa các thiết bị, bằng cách đưa chúng về một loại duy nhất. Intel Labs đã xây dựng nên kiến trúc, các thông số kỹ thuật cũng như đặt nền móng ban đầu cho hệ sinh thái TB. Hiện nay, giao tiếp TB cho phép trao đổi dữ liệu ở tốc độ 10 Gbps với chỉ một cọng cáp và có cùng lúc liên kết với nhiều thiết bị.

2. Atom


Kiến trúc tiết kiệm điện hay Low-Power Architect (LPA), được thương mại hoá trên dòng chip Atom. LPA được thiết kế nhằm tăng thời lượng dùng pin mà vẫn duy trì được hiệu năng cao cho thiết bị. Quá trình nghiên cứu của Intel Labs đã định nghĩa ra một thang đo mới cho hãng này - hiệu quả năng lượng trên từng tập lệnh - và kết quả là một kiến trúc IA (Intel Architect) mới tiết kiệm điện hơn các kiến trúc hiện có. Được xây dựng ban đầu trên các kỹ thuật 45nm và 32nm, bộ xử lý toả nhiệt ít nhưng tích hợp cao về mặt ứng dụng Atom sẽ tiếp tục được chuyển sang các tiến trình 32nm, 22nm và 14nm.

3. Intel VT


Vanderpool là tên mã đằng sau bộ công nghệ ảo hoá của Intel, hay Intel VT. Công nghệ này cho phép hệ thống của bạn "phân thân" ra được nhiều phần có khả năng làm việc độc lập với nhau, nhưng vẫn khai thác chung các tài nguyên hệ thống. Intel Labs đã chọn lọc ra các kiến trúc phần cứng phù hợp nhất nhằm đơn giản việc thiết kế cùng cải thiện hiệu năng và tính năng của các cỗ máy ảo vốn dành riêng cho nền tảng IA. Intel VT hiện có mặt trên mọi phân khúc sản phẩm của Intel từ server cho tới PC và các hệ thống nhúng, được dùng để nâng cao độ bảo mật và an ninh của cỗ máy.

4. McAfee DeepSAFE 


Patmos là tên mã cho công nghệ DeepSAFE của McAfee (sau khi bị Intel mua lại). Intel Labs đã thiết kế thêm Lớp Dịch vụ Tín dụng Nhớ (Trusted Memory Services Layer), là thành phần hạt nhân cho DeepSAFE - vốn có khả năng phát hiện, chặn lại cũng như loại bỏ các phần mềm độc hại có ý đồ trộm cắp dữ liệu. Bộ sản phẩm Deep Defender của McAffe hoạt động độc lập bên ngoài hệ điều hành nên chúng có khả năng giám sát toàn bộ kernel của hệ điều hành nhằm sớm phát hiện & đánh chặn các rủi ro tiềm ẩn.

5. River Trail API


Chương trình nghiên cứu Data-parallel Extensions for JavaScript có mục đích tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng web, ví như lập ra các môi trường 3D hoặc game tương tác vật lý thực tế, bằng cách khai thác tốt hơn khả năng xử lý đa nhân, nhằm đạt được mức cải thiện hiệu năng gấp 10 lần so với thông thường. Vào tháng 08-2011, Intel Labs hiện thực hoá phiên bản alpha của bộ API dưới tên gọi River Trail. River Trail API đang trên con đường trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp mới.

6. Power Optimizer


Platform Power Management (PPM) được phát minh bởi Intel Labs, vốn là sự kết hợp việc quản lý tiêu thụ điện phần cứng cùng với các mức tiêu thụ điện mới mà hãng này cho biết sẽ thay đổi cơ bản việc sử dụng điện trên toàn hệ thống. Bộ Power Optimizer có trên các mẫu Ultrabook dùng chip Haswell được kỳ vọng sẽ đạt được mức tiết kiệm điện gấp 20 lần ở chế độ nghỉ (idle).

7. Intel vPro


Robust Self-Healing Systems and Networks là một bộ khung nền giúp các máy PC phát hiện ra các thay đổi có tính chất gây mất ổn định cho các hệ thống dùng chip Intel. Chương trình của Intel Labs tạo ra mối quan hệ trên toàn hệ thống mạng nhằm phát hiện ra các bất ổn trên mạng lưới (ví như sự lây nhiễm, tấn công mạng...) và tự điều chỉnh chúng để thoát khỏi các nguy cơ zero-day. Bộ phát minh này hiện thực hoá dưới tên gọi Intel vPro, là một tập hợp các tính năng an ninh và quản lý mạng, được kèm theo các CPU Intel Core thế hệ 2, chipset cũng như adapter mạng của hãng này.

8. Intel Smart Connect


Always-On, Always-Connected là tính năng cho phép duy trì liên tục các kết nối dành cho ứng dụng kể cả khi đang ở chế độ Chờ (Standy). Công nghệ này có tên thương mại Intel Smart Connect, hiện diện bên trong các model Ultrabook (dùng chip Intel). Nhờ nó, các chương trình ưa dùng của bạn như mail, chat, facebook vẫn có thể tiếp tục chạy và tự động cập nhật ngay cả khi máy đang ở chế độ ngủ.

9. Intel Xeon Phi


Đây là một chương trình nghiên cứu chip có đến 80 nhân và được định hướng có khả năng tái lập trình lại (programmable), nhằm vượt tốc độ xử lý 10 ngàn tỷ phép tính số thực mỗi giây (Teraflops). Chương trình này về sau được nối tiếp bởi dự án Máy tính Đám mây Đơn chip (Single-chip Cloud Computer), vốn là một bộ xử lý về mặt lý thuyết, được dựa trên các thành quả đạt được từ dự án trước, khi thêm vào đó nhiều nhân IA hơn. Các chuyên gia của Intel Labs, kết hợp với các chương trình nghiên cứu chip khác, đã đặt nền móng cho kiến trúc Đa nhân Tích hợp (Intel Many Integrated Core - MIC) chuyên dụng cho các ứng dụng nặng về xử lý dữ liệu. Thành quả sau cùng là sản phẩm có tên Xeon Phi, dựa trên MIC và được ngắm đến các ứng dụng siêu điện toán (HPC) như nghiên cứu khoa học, phân tích tài chính, mô phỏng khí hậu... Xeon Phi cũng là sản phẩm đơn chip thương mại đầu tiên đạt được ngưỡng 1 Teraflops.

10. Intel WiDi


Carry Small, Live Large là một dự án dựa trên tầm nhìn về tương lai của chúng ta, về việc bằng cách nào chúng có thể được cải thiện, đơn giản hoá và hiện thực hoá thông qua công nghệ di động. Chương trình của Intel Labs tập trụng vào việc giúp cho các thiết bị di động ngày một nhỏ hơn, thông minh hơn và am hiểu hoàn cảnh (context aware) hơn. Tên thương mại của dự án này là Intel WiDi, một tính năng cho phép chiếc laptop của bạn có thể chia sẻ mọi nội dung hình ảnh lên mọi màn hình TV mà chỉ cần kết nối không dây chứ không phải mượn đến cọng cáp vướng víu nào khác.

Theo Intel.