Cách đây vài ngày, hai "đại gia" của thế giới Internet Google và Facebook được cho là đã tham gia vào một cuộc chiến mới: tranh chấp Skype. Giá trị của thương vụ này theo nhiều nguồn đáng tin cậy rơi vào khoảng 3 tỷ USD - một con số không hề nhỏ.
Đáng kinh ngạc hơn, chỉ ít ngày sau, hãng phần mềm số một thế giới: Microsoft cũng được cho là đã nhảy vào cuộc chiến tranh giành Skype với số tiền còn gây shock hơn nhiều: 8,5 tỷ USD. Được biết, trong hôm nay, Microsoft sẽ mở cuộc họp báo chính thức lên tiếng xác nhận về thương vụ này.
Vậy thực hư vụ mua bán này ra sao? Mục tiêu của mỗi bên với Skype là gì? Cái giá 8,5 tỷ đô la có quá cao so với giá trị thật của Skype hay không? Ai là người chiến thắng trong thương vụ này? Hãy tìm hiểu tất cả trong bài viết sau.
Skype là gì tại sao nó lại hấp dẫn?
Skype là một mạng điện thoại Internet được thành lập bởi Niklas Zennstrom và Janus Friis sử dụng giao thức VoIP. Skype Group đã được eBay mua lại với giá 2,6 tỷ USD vào tháng 9/2005. Về cơ bản, điểm đáng chú ý nhất của Skype là cách thức chia sẻ dữ liệu P2P và tận dụng lợi thế của cộng đồng chứ không theo nguyên tắc: máy chủ - khách như các chương trình chat thông thường.
Nói một cách đơn giản và gần gũi, Skype là một trong những dịch vụ video call/chat tốt nhất hiện nay (có thể coi là tốt nhất). Giao diện đẹp, đơn giản, dễ hiểu, ổn định, Skype chinh phục hầu hết người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đặc biệt là chất lượng video call của Skype vượt quá xa các đối thủ như Yahoo. Hiện tại, dịch vụ này đang có khoảng
600 triệu thành viên.
Hiện tại, ở Việt Nam Skype chưa thật sự phổ biến bởi hầu hết người dùng đã quá quen với Yahoo! Messenger. Lượng người sử dụng Skype chủ yếu là do Yahoo bị chặn hoặc có nhu cầu công việc với các đối tác nước ngoài. Rất ít người sử dụng Skype làm chương trình chat duy nhất của mình đơn giản là vì hầu hết bạn bè đều sử dụng Yahoo.
Ai là người nghiêm túc trong thương vụ Skype?
Chỉ cần một trong 3 cái tên Facebook (ông trùm mạng xã hội), Google (thủ lĩnh tìm kiếm và các dịch vụ trên Internet), Microsoft (ông vua phần mềm) cũng là quá đủ để cả thế giới dõi theo thương vụ mua bán này. Tất nhiên, một khi chưa thanh toán, đề nghị vẫn là đề nghị.
Nhiều người cho rằng Google chỉ tham gia thương vụ này "cho vui" đồng thời "làm giá" Skype. Nguyên nhân của nghi ngờ này là do hiện tại Google đã có dịch vụ Gtalk - một VoIP tương tự Skype đang hoạt động. Tuy nhiên, hãy nhớ một vấn đề quan trọng là hiện tại Gtalk vẫn đang hoạt động theo hình thức máy chủ - máy khách quen thuộc. Rõ ràng, công nghệ của Skype là thứ Google cực kỳ thèm muốn
Về phần Facebook, đây là đối tượng mà nhiều người mong thành công nhất trong thương vụ tỷ đô với Skype. Điều này đơn giản bởi mạng xã hội lớn nhất hành tinh lâu nay vẫn kiếm tiền một cách hết sức... lặng lẽ (ít nhất với người tiêu dùng): các quảng cáo hiển thị rất hợp lý, các tính năng quan trọng đều miễn phí... Trong mắt nhiều người, Facebook là "anh hùng miễn phí". Đương nhiên, họ muốn Skype rơi vào tay Facebook để mức giá dễ chịu thay vì Microsoft - hãng nổi tiếng với khả năng "chặt chém".
Tuy nhiên, cả Google và Facebook đều có không có quá nhiều tham vọng cũng như khả năng "chiếm hữu" Skype. Về phần Google, Gtalk là một phần nhưng quan trọng hơn, hãng đang có ý định mua một số công ty khác và tập trung vào phát triển mạng xã hội của mình nên chưa chắc đã có đủ tiền mặt (hoặc quá mặn mà) với thương vụ này.
Về phần Facebook, tuy được định giá tới 50 tỷ USD nhưng hãng chưa từng IPO và cũng chưa từng công bố liệu mình có bao nhiêu tiền mặt. Là một công ty tư nhân, chưa có mặt trên thị trường chứng khoán nên doanh thu chính thức của mạng xã hội này cũng chưa được công bố. Theo một số nguồn tin, doanh thu của Facebook trong năm 2010 (từ quảng cáo) là 1,86 tỷ USD (
theo Mashble). Thêm một thông tin nữa là Facebook mới thực sự kiếm ra tiền trong ít năm trở lại đây, khả năng hãng có sẵn tiền để "tậu" Skype là không lớn.
Tất nhiên, công ty có mục đích, tiềm lực tài chính để mua lại Skype nhất chính là Microsoft. Và điều này đã chứng minh qua cách Microsoft mạnh tay chi tới 8,5 tỷ USD để mua lại Skype. Vậy Microsoft cần gì ở Skype? Câu trả lời là tất cả.
Mục đích nào khiến Microsoft bạo chi?
Đầu tiên là lượng người dùng khổng lồ và đầy tiềm năng của Skype. Tính đến thời điểm này, Skype có khoảng hơn
600 triệu người dùng. Khác với các dịch vụ chat khác, lượng người dùng Skype có một phần lớn đến từ các nước phát triển hoặc dành cho nhu cầu công việc (thực tế ở Việt Nam đã chứng minh). Microsoft rất cần lượng khách hàng này để bổ sung cho các dịch vụ trực tuyến của mình nhằm cạnh tranh với Google và Facebook. Khác với hai đối thủ, lượng người sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Microsoft là không nhiều.
Thứ hai, như bao hãng khác thứ Microsoft nhòm ngó chính là công nghệ của Skype. Rõ ràng, so với phương án sử dụng máy chủ phổ biến, P2P tỏ ra vượt trội. Thứ ba, Microsoft thật sự cần một giải pháp để cạnh tranh lại với Gtalk và FaceTime trên WP7. Có được Skype, tính cạnh tranh của WP7 sẽ tăng lên rất nhiều - đây có lẽ là mục đích chính của Microsoft khi mà thị trường smartphone đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Doanh thu và lợi nhuận trực tiếp có lẽ không phải là thứ Microsoft nhắm đến. Trong năm 2010, doanh thu của Skype chỉ có
860 triệu USD - quá nhỏ bé so với số tiền mà Microsoft phải bỏ ra.
8,5 tỷ USD có quá cao không?
Nếu tính trực tiếp số tiền có thể nhận được từ hoạt động kinh doanh của Skype, có điên Microsoft mới chi ra khoản tiền khổng lồ 8,5 tỷ USD.
Những gì mà Microsoft nhận được từ thương vụ này là công nghệ, khách hàng, tầm ảnh hưởng và đội ngũ nhân viên của Skype. Thật ra, nói nó quá đắt hay quá rẻ rất khó tuy nhiên, hãy nhớ lại gần đây Google đã thất bại trong việc mua lại Groupon - một công ty có doanh thu thấp hơn Skype với giá 6 tỷ USD. Tất nhiên, sự thành công của WP7 và điện toán đám mây sẽ là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của thương vụ này.
Ai được hưởng lợi trong vụ mua bán này?
Tất nhiên, người đầu tiên là Microsoft. Hãng có thêm 600 triệu người dùng, công nghệ VoIP P2P với giá "chỉ" 8,5 tỷ USD.
Về phía người bán, số tiền Microsoft trả sẽ được chia như sau. eBay với 30% cổ phận nhận khoảng 2,55 tỷ USD. Hai nhà đồng sáng lập với 14% nhận khoảng 1,19 tỷ USD trong khi Silver Lake, Andreessen Horowitz và Canada Pension Plan Investment Board (CPPIB) với 56% cổ phần kiếm được khoảng 3,76 tỷ.