Thunderbolt thách thức USB 3.0 và eSATA: Ai sẽ là kẻ chiến thắng?

Lê Vũ Lâm  | 05/03/2011 10:00 AM

Sự xuất hiện của Thunderbolt đang đe dọa USB 3.0 và eSATA nghiêm trọng? Thế nhưng đâu mới là kết nối ưu việt hơn vẫn còn là đều cần phải xem xét.

Có thể nói, chẳng mấy khi các cổng kết nối trên máy tính lại thu hút nhiều sự chú ý như hiện tại, nhất là sau sự kiện Apple giới thiệu dòng laptop MacBook Pro được trang bị Thunderbolt. Câu hỏi đặt ra là, Thunderbolt nhanh như thế nào và có ưu điểm gì so với các cổng siêu tốc truyền thống như eSATA và USB 3.0? Hãy cùng GenK.vn làm sáng tỏ vấn đề trong bài viết sau đây.
 
Tốc độ
 
Cần phải khẳng định rằng cả 3 loại kết nối đều có tốc độ nhanh hơn hẳn dòng USB 2.0 truyền thống với ngưỡng cao nhất từng đạt tới là 480 Mbps. Cụ thể, eSATA cung cấp tốc độ 3Gbps (thế hệ cũ hơn 1.5 của eSATA chỉ là 1,5 Mbps), USB 3.0 hay còn gọi là USB siêu tốc đạt 5 Gbps và trên tất cả là Thunderbolt với 10 Gbps. Để dễ tưởng tượng, Intel đã minh họa cho công nghệ mới của mình khi trình diễn khả năng truyền tải một bộ phim HD trong vòng chưa đến 30 giây.
 
 
Không chỉ vậy, Thunderbolt còn có khả ăng truyền tải hai chiều cùng lúc. Điều này có nghĩa là hai thiết bị có thể vừa tải, vừa gửi dữ liệu với tốc độ 10 Gbps trong cùng một thời điểm (về mặt lý thuyết là vậy). Bên cạnh đó, các hệ thống có thể xâu chuỗi với nhau nhờ các thiết kế đặc biệt, cho phép khoảng cách giao tiếp được nâng lên đáng kể.
 
Khả năng tương thích
 
Về tính tương thích, Thunderbolt cũng tỏ ra nổi bật với sự kết hợp của hai giao thức PCI Express và Display Port, nghĩa là bạn có thể kết nối máy tính với màn hình, ổ cứng ngoài, thiết bị quay phim…Trong đó, để sử dụng Display Port bạn sẽ cần thêm một bộ chuyển đổi cáp để kết nối với màn hình ngoài.
 
 
USB 3.0 cũng khá linh động với khả năng tương thích cũng USB 2.0, nghĩa là bạn có thể cắm USB 2.0 vào cổng USB 3.0 hoặc ngược lại, song dĩ nhiên là sẽ không thể có “siêu tốc độ” như trên hệ thống USB 3.0 đặc chủng.
 
eSATA là mô hình ngoại vi của Serial ATA – dùng cho các kết nối tốc độ cao trên ổ đĩa cứng nội bộ. Do đó, eSATA được dùng chủ yếu cho các ổ đĩa cứng ngoài, mặc dù vẫn có 1 số công ty tích hợp phương thức dưới dạng eSATA/USB 2.0 trên dòng sản phẩm laptop.
 
Tính sẵn có
 
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Apple là chính thức hỗ trợ Thunderbolt trên các mẫu laptop của mình, còn các kiến trúc ngoại vi khác vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu. Đối với USB 3.0, bạn có thể bắt gặp kết nối này ở rất nhiều thiết bị. Tương tự là với eSATA khi giao thức này đã có sắn rất nhiều ổ đĩa cứng trên thị trường.
 
 
Tuy vậy, Thunderbolt là con bài chiến lược của Intel và không có gì phải nghi ngờ rằng mô hình được ưu tiên hơn hẳn USB 3.0. Thế nên sẽ rất nhanh chóng, Thunderbolt sẽ chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể, LaCie và Western Digital đã chính thức nhập cuộc, hơn nữa Thunderbolt là kiến trúc rất đơn giản đối với những kỹ sư của các công ty đã sản xuất thiết bị PCIe hay Display Port, vì việc tích hợp phương thức mới vào chúng là tương đối dễ dàng.
 
Mặc dù vậy, liệu đây có phải là tin xấu cho USB 3.0 hay không thì vẫn còn cần phải cân nhắc. Sự phổ biến của USB 2.0 chính là lí do để tin rằng USB 3.0 sẽ tiếp tục tồn tại, và đây cũng là kết nối đang xuất hiện trên rất nhiều dòng laptop cũng như máy tính bảng, cộng thêm việc cả LaCie và Western Digital cũng có mặt trên thị trường USB 3.0.
 
 
Đối với eSATA, câu chuyện có phần ảm đạm hơn đôi chút. Tuy vẫn có ưu thế hơn hẳn USB 2.0, nhưng tốc độ chỉ đạt 3 Gbps và chỉ tăng tối đa lên 6 Gbps trong các giao tiếp nội bộ thì eSATA vẫn chỉ nhỉnh hơn USB 3.0 một chút, và còn lâu mới bằng Thunderbolt.Vậy nên, có vẻ như eSATA đang trượt lại phía sau cuộc đua kết nối này.
 
Về phần mình, Thunderbolt sở hữu nhiều ưu điểm rõ rệt. Tuy nhiên, để sử dụng được kết nối này thì người dùng phải có thiết bị tích hợp cổng Thunderbolt cũng những sản phẩm ngoại vi khác hỗ trợ. Bởi vậy, sẽ phải mất một khoản thời gian khá dài để Thunderbolt có thể tràn ngập trên thị trường.